Lời hỏi han của dì Năm và chiếc áo cho mượn

25/12/2023 - 06:50

PNO - Sài Gòn - TPHCM đón tôi và dì bằng cái nắng vàng óng như mật ong, khác hẳn với cái nắng xứ Bắc.

 

Bằng những lời hỏi han chân tình, dì Năm - chủ quán cơm tấm trên đường Tân Canh
Bằng những lời hỏi han chân tình, dì Năm - chủ quán cơm tấm trên đường Tân Canh, quận Tân Bình khiến tác giả cảm thấy ấm lòng, không còn cảm giác lạc lỏng, lạ lẫm khi lần đầu đặt chân đến TPHCM. Ảnh: Nguyễn Quang. 

Tôi sống ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Ở quê tôi, bà con sống với nhau thật thà, chất phác như những cây ngô, cây lúa trên nương. Tôi biết đến Sài Gòn - TPHCM qua hình ảnh của những trang sách thời tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, biết đến chợ Bến Thành, đến sự phồn hoa tấp nập qua ti vi, internet hay những trang báo in với nhiều màu sắc tươi đẹp. 

Thế rồi, mùa hè năm 2012, tôi được đặt chân tới mảnh đất này khi căn bệnh u xương hàm tái phát. Dì ruột tôi đã bay từ miền nắng ấm phương Nam ra để động viên, an ủi tôi và sau đó trực tiếp chăm sóc cho tôi trong lần mổ khối u này. Sau 21 ngày, tôi được ra viện cùng lời dặn dò của bác sĩ: “Sức khỏe ổn định, cần khám và điều trị thêm ở bệnh viện tai mũi họng”.

Từ cơm tấm dì Năm...

Sài Gòn - TPHCM đón tôi và dì bằng cái nắng vàng óng như mật ong, khác hẳn với cái nắng xứ Bắc. Nóng mà cảm giác không khô người như nắng gió Lào trên quê tôi. Trước mắt tôi là hình ảnh sân bay Tân Sơn Nhất nhộn nhịp bậc nhất cả nước với cơ man nào là người, tiếng trò chuyện của hành khách, cách xếp hàng ngăn nắp của những chiếc taxi đón trả khách theo một trật tự như đã được lập trình - một hình ảnh vừa lạ lẫm lại không kém phần thú vị, như kích thích những ai mới lần đầu đến thành phố đông dân nhất, phồn hoa bậc nhất nước này để khám phá. 

Bên tai tôi văng vẳng tiếng nói đặc trưng của người miền Nam: “Mời cô và con lên xe”. Đây là cách xưng hô thân tình mà tôi chưa từng nhận được từ người xa lạ. Xe lòng vòng qua rất nhiều tuyến đường, Sài Gòn trước mắt tôi thật hiện đại, đông người cùng các phương tiện giao thông. Những tòa nhà cao tầng uy nghi, bề thế thể hiện sự phát triển cũng như nhịp sống luôn sôi động, thay đổi không ngừng. 

Xe dừng ở một quán cơm bên đường. Quán có cái tên thật lạ: “Cơm tấm dì Năm”. Sau này tôi mới biết, TP Hà Nội cũng có cơm tấm, nhưng với một người sống cách thủ đô đến 300km, tôi làm gì có cơ hội “khám phá” món ăn… lạ lùng ấy. Dì tôi gọi 2 suất cơm tấm. Bác chủ quán giọng nói hồ hởi, tay liên tục làm thức ăn cho khách và không quên nói “cảm ơn” khi khách ra về. Điều này thu hút sự chú ý của tôi. Dì tôi bảo: “Dì vào Nam đến nay hơn 20 năm, biết tới quán cơm tấm này cũng ngót 10 năm. Dì thích cách nói chuyện xởi lởi, làm ăn đàng hoàng của bác chủ quán này”. 

Quả thực, mới ngồi ở quán chưa đầy 20 phút mà dì Năm đã cho tôi thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Người phụ nữ chừng 55 tuổi này luôn nở nụ cười tươi rói. Trán bà lấm tấm mồ hôi nhưng khuôn mặt không lộ vẻ mệt mỏi. Nghe tôi nói giọng Bắc, bà liền hỏi han: “Con là người Bắc hả? Vô Sài Gòn bao giờ chưa? Ở đây cái gì cũng vội vàng nhưng khi về là con sẽ nhớ”. Cách nói chuyện của dì Năm khiến tôi ấm lòng, không còn cảm giác lạc lõng, lạ lẫm. 

Không chỉ dì Năm mà những vị khách trong quán cũng thân thiện như người nhà hay chí ít như những người bạn lâu ngày không gặp. Người lớn tuổi luôn xưng hô với người ít tuổi một điều con, hai điều con, nghe thương thương làm sao.

... đến chiếc áo lành của cô bác sĩ

Sau khi chào bác chủ quán thân thiện cùng món cơm tấm đáng nhớ, tôi và dì về tỉnh Bình Phước - nơi gia đình dì tôi sinh sống. 2 ngày sau, dì cháu tôi dậy từ 3g sáng, bắt xe đò quay trở lại Sài Gòn để đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Tới cổng bệnh viện, trời vẫn còn chưa sáng rõ, 2 dì cháu ngồi ăn bánh ướt ở một quán ven đường. Món bánh ướt này chính là món bánh cuốn ngoài Bắc chúng tôi, nhưng khi ăn, tôi cảm nhận nó có gì đó quen mà lạ. Hóa ra là do nước chấm. Người Bắc làm nước chấm chua chua, ngọt dịu để ăn kèm bánh cuốn, còn người Nam lại dùng nước chấm có vị ngọt nhiều hơn. 

Sau khi vào bệnh viện để xếp hàng lấy số, cuối cùng cũng tới lượt của tôi. Đang lúi húi ghi tên mình và khoa mà mình muốn khám, tôi thấy cô bác sĩ từ trong phòng đi ra, ý nhị kéo tay tôi nói nhỏ: “Vai áo con bị rách rồi”. Quả thực, sau khi nghe cô bác sĩ nhắc, tôi mới lúng túng nhận ra vai áo của mình đã rách từ lúc nào. Tôi chưa biết xử trí ra sao, chỉ thấy rằng sự xấu hổ đang sắp bao trùm toàn bộ tâm trí. 
 

Tác giả mong một ngày được đưa cô con gái đầu lòng đến TPHCMP
Tác giả mong một ngày được đưa cô con gái đầu lòng đến TPHCM

Cũng chính cô bác sĩ lại nói nhỏ: “Cô đánh số cho con xong rồi, chắc không có áo thay phải không? Qua đây cô cho mượn tạm áo của cô, con khoác vô cho nó không bị hở vai, chứ để vậy sợ kỳ đó”. Như kẻ chết đuối vớ được cọc, tôi răm rắp làm theo lời cô bác sĩ mà chẳng mảy may thấy ngại ngùng. Mượn được chiếc áo, tôi vừa luôn miệng nói “cảm ơn cô” và không quên hỏi cô số điện thoại để khi khám xong, tôi và dì sẽ quay lại trả áo.

Tôi biết, có thể ai ở vào hoàn cảnh của tôi cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ, nhưng quả thực, khi nhận được sự giúp đỡ từ một người xa lạ ở một mảnh đất lần đầu được đặt chân đến, trong tôi trào dâng sự cảm động, biết ơn sâu sắc. Rồi cũng chính giây phút ấy tôi chợt nhận ra: Sài Gòn đâu có lạ, Sài Gòn - TPHCM là của người dân Việt, là hơi thở, là niềm tự hào của bất cứ người dân nào mang dòng máu Việt Nam. Sài Gòn - TPHCM hào sảng và thân thương với bất kỳ ai chứ đâu phải riêng tôi. 

Và bây giờ, khi đã làm mẹ của 2 cô con gái, tôi vẫn thường kể với các con về kỷ niệm, ký ức không phai khi được nhận tình cảm hay sự giúp đỡ của những người mà tôi chưa từng quen biết, ở một nơi tôi vừa đặt chân đến lần đầu tiên trong cuộc đời. Qua những câu chuyện như vậy, tôi muốn dạy các con về tình người, về sự sẻ chia cũng như những điều tốt đẹp mà những con người xa lạ có thể đem đến cho nhau, cho cuộc đời các con sau này. 

Tôi vẫn nợ 2 cô con gái một chuyến du lịch khám phá Sài Gòn - TPHCM. Tôi mong một ngày gần nhất, cả gia đình tôi sẽ được trở lại mảnh đất phương Nam thân thương, để cảm nhận cái “trẻ” của Sài Gòn mà nhà văn Minh Hương đã khẳng định trong tác phẩm Sài Gòn tôi yêu: “Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già”. Tôi thực sự muốn sống lại cái cảm giác trẻ mãi không già của mảnh đất hơn 300 năm tuổi ấy một lần nữa. 

Phạm Thị Yến (tỉnh Sơn La)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Cơ cấu giải thưởng: 
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất... Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây.

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI