Lời hẹn dang dở từ mặt trận Vị Xuyên

27/07/2020 - 07:31

PNO - Nhưng chiến tranh biên giới phía Bắc không ngừng tiếng súng, Vị Xuyên trở thành trận địa pháo khủng khiếp giữa ta và địch. Anh Ngự hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chị Lâm nuôi con một mình và làm dâu không chồng...

Anh lại tìm về em... từ trong lòng đất
Với bức thư tình cất mãi chẳng kịp trao
Nét chữ yêu thương bụi đất chiến hào
Mảnh giấy đơn cháy sém mùi lửa đạn...

Những dòng thơ bạn bè viết tặng trong những ngày tháng Bảy này khiến chị Võ Tùng Lâm (tỉnh Phú Thọ) ngậm ngùi xúc động. Dù hiện tại chị đang đầm ấm cùng gia đình, nhưng ký ức về một miền xa thẳm vẫn đau đáu trong tim.

Lời hẹn ước dở dang 

“Em ở nhà nuôi con thay anh, đến 15 tháng sau anh về phép…”, đó là những dòng chữ cuối cùng mà mẹ con chị Lâm nhận được từ mặt trận Vị Xuyên khói lửa. Anh Đỗ Xuân Ngự - chiến sĩ trung đoàn 174, sư đoàn 316 - chồng chị Lâm hy sinh vào lúc 7g sáng ngày 12/7/1984 khi mới 27 tuổi, vợ anh tuổi 22, con gái lớn tròn một tuổi, con trai út mới sinh được 15 ngày. 

Duyên số đã đưa chị Lâm và anh Hạc gặp nhau nương tựa lúc về già - Ảnh: nhân vật cung cấp
Duyên số đã đưa chị Lâm và anh Hạc gặp nhau nương tựa lúc về già - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nỗi đau khiến chị Lâm không còn nước mắt để khóc, mắt chị bị mờ đi. May mắn là chị được phẫu thuật kịp thời, dù bây giờ đáy mắt vẫn còn vết sẹo, và thị lực bị giảm rất nhiều. Khi con trai 10 tháng tuổi, gia đình nhận được giấy báo tử của anh. 

Anh Ngự là mối tình đầu của chị, “mối tình bọ xít” (theo cách gọi của chị Lâm) gắn với thuở cùng nhau cắp sách đến trường. Những lá thư viết vội dí vào tay bạn gái đang quét ngõ gần con suối cạnh nhà là những câu thăm hỏi vu vơ: “Hôm nay làm gì? Có đi trồng sắn không?...”, có khi lại là lời rủ rê: “Sang nhà Ngự dạy toán cho...”. 

Năm 1978, anh Ngự nhập ngũ, lúc chia tay, anh tặng chị bông hoa hồng bằng nhựa “trông khá sến sẩm nhưng cũng thấy vui”. Năm 1982, anh Ngự được đơn vị cho nghỉ phép về quê tổ chức đám cưới, nhưng thời gian trong quân ngũ của anh nhiều hơn ở nhà. Khi con gái đầu lòng Xuân Mai còn trong bụng mẹ, anh về nhà được năm ngày, đến lúc chị có bầu con trai út Đức Anh, anh về thăm vợ con được ba ngày. Nỗi nhớ thương động viên nhau chỉ gói trong những dòng thư.

Nhưng chiến tranh biên giới phía Bắc không ngừng tiếng súng, Vị Xuyên trở thành trận địa pháo khủng khiếp giữa ta và địch. Anh Ngự hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chị Lâm nuôi con một mình và làm dâu không chồng.

 Anh Ngự là con cả trong gia đình có mười người con, em út mới vào lớp Một nên trọng trách thay chồng nuôi các em đặt lên vai chị Lâm. Công việc chuyên trách đoàn ở tỉnh Phú Thọ khiến chị phải đạp xe sáng đi tối về hơn 60 cây số. Đồng lương 37 đồng một tháng khá chật vật cho cả gia đình, chị Lâm phải xoay xở đủ việc: kiếm củi đổi cơm, bòn mớ rau quả cà mang ra chợ phiên đổi gạo… Cuối cùng, chị quyết định về hưu sớm để có một khoản tiền làm vốn kinh doanh.

Nhớ lại những ngày tháng “cày cuốc” vì miếng cơm manh áo, chị Lâm chia sẻ: “Cứ nghĩ đến các con thiệt thòi, tự nhiên có thêm động lực”. May mắn là công việc của chị khá thuận lợi, các em chồng đã trưởng thành, hai con ngoan ngoãn, học giỏi. Thời gian trôi đi, chị Lâm đã qua tuổi tứ tuần.

Hai con của anh Ngự chị Lâm lúc nhỏ cùng cháu ruột chị Lâm - Ảnh: nhân vật cung cấp
Hai con của anh Ngự chị Lâm lúc nhỏ cùng cháu ruột chị Lâm - Ảnh: nhân vật cung cấp

Tình nghĩa nối dài

“Cũng có khá nhiều mối tìm đến chị, nhưng mình không hề nghĩ đến ai” - chị Lâm chân tình chia sẻ. Cho đến một ngày, vô tình chị gặp đại tá Nguyễn Như Hạc. Không phải là người xa lạ, nhưng bản thân chị Lâm không nghĩ rằng, thủ trưởng năm xưa của chồng vẫn còn nhận ra mình khi cả hai mới gặp nhau một lần duy nhất trong ngày cưới của chị và anh Ngự. Chị Lâm bất ngờ khi anh Hạc hỏi: “Em quê ở Thanh Vân phải không? Ngự bây giờ đóng quân ở đâu…?”.

Nghe nhắc đến tên chồng mình, chị Lâm “xoắn lấy” ngay. Vì hài cốt anh vẫn còn đâu đó trên vùng đất Vị Xuyên, bấy lâu nay cả gia đình đang mong ngóng kiếm tìm.  

Xúc động, tủi thân, là trạng thái cùng có khi anh và chị biết về hoàn cảnh của mỗi người. Vợ anh Hạc đã mất vì bệnh nặng, hai con trai của anh cũng đã trưởng thành. Được sự động viên của bạn bè, nhất là sự tác hợp của con cái hai bên, anh chị đã về chung một nhà. Hai mảnh vỡ ghép lại nhưng lại đầm ấm, yên vui.

Bạn bè của chị thường nói: “Lâm sống có hậu”, và chị thấy vui vì điều đó. Anh Hạc là người sống rất có tâm, đức độ và hiền lành. Việc của gia đình, con cái chị cũng giống như việc của gia đình, con cái của anh, nên không khí gia đình không hề có khoảng cách.

 Bây giờ anh chị đã lên chức ông bà nội ngoại. Ngoài những công việc đoàn hội khi tuổi đã về già, họ cùng nhau đi thăm con cháu, quay lại chiến trường xưa để nuôi hy vọng tìm được hài cốt anh Ngự.

Hơn cả tình cảm vợ chồng, anh chị đang nối dài tình nghĩa của những người lính năm xưa. 

Nếu ai có thông tin gì về liệt sĩ Đỗ Xuân Ngự - chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, xin liên lạc với gia đình chị Võ Tùng Lâm qua số điện thoại 0982963198. Gia đình xin chân thành cảm ơn.

Lâm Hoàng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Nguyến Đức Lợi c15, e153, f356 14-08-2020 11:17:14

    Tôi một người lính cũng tham gia vào trận đánh đấy vào rạng sáng ngày 12 tháng 7 năm 1984. Trận đánh nhằm lấy lại điểm cao 1509 của ta. Nhưng rất tiếc bộ đội chúng tôi vào thời điểm đấy chỉ gặp nhau vào ban đêm thậm chí bạn bè anh, em cũng chẳng nhận ra nhau. qua bài đọc rất thông cảm với hoàn cảnh của anh, chị. mong rằng anh vẫn còn nằm lại trên mảnh đất biên cương sẽ phù hộ độ trì cho chị, các cháu cùng toàn thể gia đình.

  • moon bui 13-08-2020 09:20:16

    Đọc đến đâu nước mắt tuôn trào đến đó... chúc chị Lâm luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. chúc chị sớm tìm đc nơi ở của a Ngự để đưa a đoàn tụ với gia đình vợ con. A ở nơi đâu đó luôn luôn và mãi mãi nhớ về vợ con.

  • Nguyen Van Hach 12-08-2020 17:49:27

    rất xúc động; ghi nhớ công ơn các liệt sỹ, hãy sống tốt cho đời; căm thù bọn bành trướng bá quyền Trung quốc đã gây ra chiến tranh xâm lược biên giới tây nam và biên giới phía bắc nước ta

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI