Giải thưởng do tiến sĩ Quách Thu Nguyệt đề xuất và chấp bút dự thảo. Theo đó, giải thưởng sẽ được UBND TP.HCM trao tặng mỗi hai năm một lần. Không còn xếp chung với các giải thưởng khác, Giải thưởng sách thiếu nhi TP.HCM có các hạng mục riêng của dòng sách này để xét giải: sách nghiên cứu, sách kỹ năng và văn học thiếu nhi (bao gồm truyện tranh, truyện chữ).
“Điều chúng tôi đau đáu là sau khi công bố trao giải thưởng, các tác phẩm sẽ lan tỏa như thế nào. Tìm ra tác phẩm hay là một chuyện, còn để tác phẩm đó đến được với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, có sức sống thật sự mạnh mẽ trong cộng đồng mới là điều quan trọng nhất” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt ưu tư.
Lâu nay, các giải thưởng dành cho sách đều chỉ mới dừng ở việc ghi nhận. Rất ít tác phẩm được vinh danh ở các giải thưởng (nhiều cấp) lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Sách dành cho thiếu nhi hiện nay rất nhiều. Nhiều tác giả mặn mà với dòng sách này như Lưu Thị Lương, Võ Diệu Thanh, Trương Huỳnh Như Trân, Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Nguyễn Kim Hòa… Ở mảng truyện tranh, truyện minh họa cũng nổi lên một lớp người viết - họa sĩ trẻ say mê sáng tạo.
Cả trẻ em cũng tham gia viết, vẽ sách cho tuổi mình (sách của thần đồng Đỗ Nhật Nam, chị em Ben Lam - Han Lam...). Ngoài ra còn có thơ cho thiếu nhi: dự án thơ song ngữ Con nít con nôi (Anbooks), tập Xin chào những buổi sáng (Nguyễn Phong Việt). Các nhà xuất bản cũng đặt hàng các nhà văn tên tuổi viết sách thiếu nhi: Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy…
|
Câu hỏi phổ biến nhất của các bậc phụ huynh muốn tìm sách cho con là “tìm sách hay ở đâu?”. Đã từng có nhiều dự án, giải thưởng tôn vinh sách có giá trị, nhưng các tác phẩm nhanh chóng chìm khuất trong muôn ngàn tựa sách mới. Ngoài vị trí chưa có người thay thế của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, còn có nhiều tên tuổi khác có tác phẩm hay dành cho thiếu nhi: Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Hùng, Trần Hoài Dương… Bộ sách đoạt giải từ các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng: Bí mật hồ cá thần (Nguyễn Quang Thiều), Bỏ trốn (Phan Thị Thanh Nhàn), Đợi mặt trời (Phạm Ngọc Tiến), Khúc đồng dao lấm láp (Kao Sơn), Những tấm lòng yêu thương (Hoàng Bình Trọng), Nhạc giữa trời (Nguyễn Thị Bích Nga), Những vì sao trong mơ (Nguyễn Ngọc Minh Hoa), Cẩm chướng đỏ (Bùi Đặng Quốc Thiều)… Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (do nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch thực hiện trong 10 năm, từ 2006-2016) thu hút gần 4.000 bản thảo tham gia, đã in được 104 tác phẩm.
Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi người viết đều có độc giả của riêng mình, nhưng chủ yếu vẫn là con đường quảng bá tự thân, ảnh hưởng nhờ tên tuổi của các tác giả. Tác phẩm vẫn chưa đủ lực cạnh tranh với dòng sách dịch đang chiếm lĩnh thị trường sách dành cho thiếu nhi, thanh thiếu niên lâu nay. Vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở chất lượng tác phẩm và phương thức quảng bá.
Tại giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam lần 1-2018 (giải của Hội xuất bản Việt Nam), không có giải A cho sách thiếu nhi. Lý do: không tìm ra tác phẩm hay để trao giải. Vừa qua, giải Sách hay 2018 vinh danh tác phẩm Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây (dành cho lứa tuổi 10+, tác giả Trương Huỳnh Như Trân) cũng có thể xem là một phát hiện mới, gọi được tên tác phẩm cho giải thưởng giữa rừng sách thiếu nhi đa dạng mà thật khó tìm ra đầu sách nào nổi trội vượt bậc.
|
Văn học thiếu nhi trong nước không ít, nhưng còn là dòng chảy khá trầm lắng |
“Thị trường sách dành cho thiếu nhi chiếm tỷ trọng khoảng 16,6% số tựa sách và tổng sản lượng toàn ngành, nhưng nguồn sách ngoại luôn lấn át sách nội. Các nhà văn dường như chưa coi trọng việc viết cho thiếu nhi. Rất ít người chọn đó là sự nghiệp sáng tác lâu dài. Hy vọng rằng giải thưởng do UBND TP.HCM trao tặng sẽ là mưa dầm thấm lâu - khi tác giả cảm thấy được trân trọng và tôn vinh xứng đáng, tác phẩm lan tỏa sâu rộng thì sẽ có thêm động lực sáng tạo” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt bày tỏ.
Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân
Cần một tình yêu đặc biệt với trẻ
|
Viết cho thiếu nhi cần một tư chất trẻ thơ, một tình yêu đặc biệt để chuyên chú, khám phá ra nhiều cách thể hiện phong phú thì văn học cho thiếu nhi mới mong tạo thành một dòng chảy mạnh. Hiện không có nhiều người chuyên tâm viết cho thiếu nhi mà chỉ là một trong nhiều lựa chọn viết của các tác giả. Giải thưởng luôn ít nhiều tác động đến cảm hứng sáng tác của người viết. Tuy nhiên, đó chỉ là một cú hích không phải là yêu tố căn cơ, bền vững. Thực tế từ một số cuộc vận động sáng tác cho thấy, có một số tác giả mới toanh đoạt giải cao, nhưng sau đó in vài quyển sách rồi cũng cạn vốn. Cần có sự bồi đắp, lao động nghiêm túc để duy trì khả năng sáng tạo.
|
Nhà văn Văn Thành Lê
Không mơ dòng chảy lớn, chỉ cần kể chuyện thuyết phục
|
Chúng ta từng có Búp sen xanh (Sơn Tùng), Dòng sông thơ ấu (Nguyễn Quang Sáng), Tuổi thơ im lặng (Duy Khán)… bước ra từ các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng; hay Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần từ cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của nhà xuất bản Trẻ. Cùng với đó là rất nhiều tác giả trẻ hăm hở với các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi như Nguyễn Thị Bích Nga, Nguyên Hương, Nguyễn Kim Hòa, Phương Trinh, Ngọc Linh…
Thế nhưng, các tác phẩm viết cho thiếu nhi lâu nay vẫn chỉ là những mạch nước nhỏ, chảy nhẹ nhàng, bởi đa số người viết vẫn xem đó là làm “kế hoạch nhỏ”, “làm thêm”. Hiện tại, có khá nhiều người viết trẻ quan tâm sáng tác cho thiếu nhi. Không chỉ thuần túy văn học mà còn sách tranh truyện, sách kỹ năng. Có thể xem đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng vẫn cần phải chờ xem kết quả. Tôi không mơ sẽ có một dòng chảy lớn mà chỉ cần mỗi người viết kể câu chuyện của mình một cách thuyết phục thì chúng ta sẽ có rất nhiều tác phẩm cho con trẻ. Từ rất nhiều tác phẩm ấy, sáng lên một vài tác phẩm đã là tuyệt vời rồi.
|
Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình
Nên tìm cách đưa sách đến gần trẻ
|
Cái khó hiện nay là phải nắm bắt được trẻ nghĩ gì, cần gì, điều gì sẽ thu hút trẻ đọc hết quyển sách. Theo tôi, tác phẩm cho trẻ hiện nay nhiều, tác giả đa dạng nhưng chỉ mới có tâm, có tình. Những tác giả chuyên nghiệp, lớn tuổi thường khai thác tuổi thơ của chính mình, có vẻ không hợp với “tuổi thơ iPad” như trẻ ở đô thị hiện nay. Còn những tác giả trẻ, có thể bắt nhịp cuộc sống, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và khả năng truyền tải.
Văn học thiếu nhi vốn không được chú ý lắm. Các tác giả vẫn luôn làm việc trong âm thầm. Cách trẻ tiếp cận sách hiện vẫn thụ động, chủ yếu từ phụ huynh. Nên có cách khác đưa sách đến gần trẻ hơn, ví như đưa sách vào thư viện, có thêm những hoạt động giới thiệu sách trong trường… Tại sao phim có trailer mà sách lại không?
|
Diệp Nguyễn