Lời giải nào cho bài toán học viện múa, âm nhạc bị “cấm cửa” đào tạo trung cấp?

27/07/2020 - 07:27

PNO - Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ra văn bản yêu cầu các trường đại học, học viện không được phép đào tạo trung cấp, cao đẳng. Điều này khiến các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật như Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Múa Việt Nam đang rất băn khoăn.


Trường Cao đẳng Múa Việt Nam mới chính thức trở thành Học viện Múa Việt Nam từ năm 2019. Hơn 60 năm qua, trường chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, vậy mà bây giờ không được phép đào tạo trình độ trung cấp nữa, ảnh hưởng đến hàng trăm giảng viên. Trong khi sang năm học viện mới đăng ký đào tạo đại học. 

Tiết mục múa chào mừng ngày khai giảng của học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam
Tiết mục múa chào mừng ngày khai giảng của học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam

Còn tại Học viện Âm nhạc quốc gia, nếu tiếp tục đào tạo trung cấp, cao đẳng thì không đúng theo luật. Nhưng cũng khó mà dừng lại vì đặc thù của đào tạo tài năng nghệ thuật là phải dạy từ nhỏ. Để có một cử nhân ngành nghệ thuật thì cần 13 năm đào tạo liên tục từ trung cấp. Không thể có chuyện một học sinh học xong lớp 12 mới thi vào học viện để học đàn...

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho hay: “Việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp gửi công văn yêu cầu các trường đại học, học viện dừng đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp là thực hiện theo đúng Luật Giáo dục đại học”. 

Theo lãnh đạo Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đơn vị này chưa nhận được văn bản về việc cho Học viện Âm nhạc Quốc gia và Học viện Múa Việt Nam được tiếp tục đào tạo hệ cao đẳng. “Chắc chắn sẽ có phương án giải quyết với hai trường này vì đây là cơ sở đào tạo đặc thù mang tính chất tài năng”, lãnh đạo Vụ Đào tạo chính quy cho hay.

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang làm văn bản gửi lên Thủ tướng đề nghị cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong năm nay. Ngoài ra, xin cơ chế cho các trường tiếp tục duy trì mô hình đào tạo từ sơ cấp lên đến đại học.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, thẳng thắn nói: “Gây ra sự tréo ngoe như với Học viện Âm nhạc Quốc gia và Học viện Múa Việt Nam cho thấy những nhà hoạch định chính sách vận dụng máy móc khi áp dụng luật mà chưa xem xét đến thực tế của các trường”.

Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, không chỉ âm nhạc, nghệ thuật mà kể cả công nghệ, việc đào tạo từ bậc trung học cơ sở lên trung cấp, cao đẳng, đại học là xu hướng chung của toàn thế giới. Ở các nước, đào tạo từ mầm non lên đại học và sau đại học đều thuộc Bộ Giáo dục nhưng hiện nay ở Việt Nam tách đào tạo nghề ra và phần này do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Đây là bất cập với hệ thống giáo dục hiện nay. Bởi lẽ, như hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia là hệ đào tạo năng khiếu kéo dài từ 6-9 năm, không phải là giáo dục nghề 6-12 tháng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

“Việc giáo dục nghề nghiệp đưa về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quản lý, tách khỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo là một điều tệ hại với hệ thống giáo dục, trái với tinh thần Nghị quyết 19 là một lĩnh vực chỉ giao một cơ quan quản lý nhà nước nhưng trong giáo dục - đào tạo lại hai cơ quan quản lý khác nhau nên mới tạo ra tréo ngoe như vậy”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhìn nhận. 

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI