Lời giải cho bài toán khủng hoảng người tị nạn

21/12/2018 - 11:00

PNO - Hiệp ước Di cư toàn cầu, tuy không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý với tất cả quốc gia, nhưng là “kim chỉ nam” xuất hiện đúng thời điểm thế giới đang loay hoay tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Loi giai cho bai toan khung hoang nguoi ti nan
Cảnh sát Mỹ dùng hơi cay ngăn chặn người tị nạn từ Trung Mỹ ở biên giới Mexico

Với 152 phiếu ủng hộ, 5 nước phản đối (gồm Mỹ, Israel, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Hungary), 12 phiếu trắng và 24 nước không bỏ phiếu, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua Hiệp ước Di cư toàn cầu. Đây là lần đầu LHQ thông qua một hiệp ước liên quan đến vấn đề nhập cư, trước bối cảnh làn sóng di cư đang lan nhanh ở khắp các châu lục.

34 trang của hiệp ước chỉ rõ nguồn gốc của khủng hoảng người tị nạn mà không ai có thể đứng ngoài cuộc. Hiệp ước lý giải nguyên nhân vì sao người dân phải bỏ hết nhà cửa, đánh cược sinh mạng của mình và người thân để tìm kiếm nơi nương náu; đồng thời cũng nhắc đến việc LHQ cần phải làm gì để đưa họ trở về nhà an toàn. Đây không phải là nhiệm vụ của một quốc gia đơn lẻ mà cần sự chung tay của rất nhiều quốc gia liên quan.

Quan chức LHQ Louise Arbour - người chủ trì những cuộc đàm phán về hiệp ước - cho biết: “Không thể nói vấn đề di cư là tốt hay xấu mà cần phải gọi đúng rằng đây là một hiện tượng. Như thế thì mới giúp chúng ta nhìn thấy hướng đi, thay vì áp vào những lập luận thiếu chứng cứ”.

Bản thân Thủ tướng Đức Angela Merkel, dù phải hứng chịu sự chỉ trích của không ít chính trị gia vì thái độ mở cửa cho người tị nạn, bà vẫn nhất quyết ủng hộ hiệp ước trên và ra sức bảo vệ việc Đức cần tham gia hiệp ước trong phiên làm việc của Quốc hội Đức. Bà Merkel tin rằng, hiệp ước sẽ mở ra chương mới cho số phận của hàng triệu người di cư trên thế giới, góp phần ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp đang nhức nhối ở nhiều quốc gia. Thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, năm 2016, ông đã khẳng định: không một quốc gia nào có thể một mình đứng ra kiểm soát vấn đề toàn cầu. Nhưng người kế nhiệm - Tổng thống Donald Trump - lại có quan điểm trái ngược hoàn toàn.

Việc Mỹ phản đối Hiệp ước Di cư toàn cầu không bất ngờ, vì tháng 12/2017, Tổng thống Donald Trump là lãnh đạo đầu tiên trên thế giới rút khỏi việc xây dựng hiệp ước. Thái độ của ông Trump đối với người di cư cho thấy sự hằn học, thù ghét và kỳ thị, được cho là bước thụt lùi của giá trị Mỹ, vốn luôn tự hào họ chú tâm đến dấu ấn nhân văn trong những chính sách toàn cầu. Đỉnh điểm là ngày 25/11/2018, chính quyền Tổng thống Trump ra lệnh đóng cửa khẩu có đông người qua lại nhất ở biên giới nước này với Mexico, đồng thời cho phép sử dụng lựu đạn và súng bắn hơi cay nhằm đẩy lùi dòng người khốn khổ từ Trung Mỹ tràn qua. Trước dòng người tự phát, cách hành xử thiếu kết nối và có vẻ… tự phát ấy của Tổng thống Mỹ Trump rõ ràng không đạt được mục tiêu.

Tổng thư ký LHQ - António Guterres - cho rằng: “Nhiều người phản đối Hiệp ước Di cư toàn cầu có một niềm tin phi lý rằng, hiệp ước này ra đời với ý định ép buộc các quốc gia phải mở cửa biên giới cho người tị nạn và phải tốn kém tài chính cho các chương trình phúc lợi xã hội”.

Thực chất, điều mà các quốc gia đang làm là tạo nên giao ước tôn trọng quyền của người nhập cư. Đó không chỉ là dòng người dịch chuyển từ nước nghèo sang nước giàu, từ nước đang phát triển sang nước phát triển. Không phải người nhập cư khiến nền kinh tế của các quốc gia thụt lùi. Các thống kê của LHQ cũng đã chỉ ra, người nhập cư tạo cú hích cho nền kinh tế của đất nước họ chọn dừng chân, nếu quốc gia ấy có sự chặt chẽ trong quản lý kinh tế. Người nhập cư trên thế giới trung bình chi đến 85% thu nhập họ kiếm được vào nền kinh tế quốc gia nơi họ làm việc và sinh sống. 

Anh Thông (theo New York Times, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI