Lõi gia đình của một thành phố mở

30/04/2013 - 18:01

PNO - Nhiều nhà nghiên cứu về Nam Bộ và Sài Gòn đã cho ta biết các tính cách đặc biệt của con người khám phá vùng đất mới: trọng nghĩa khí, giàu tình thân, sức sống mãnh liệt, nhân văn, trọng thực tế, nhạy kỹ thuật, giao thương…

Bây giờ là thành phố của những người nhập cư, rất khó xác định còn bao nhiêu người “gốc” Sài Gòn. Thành phố sẽ ngày càng lớn, nhưng sự giãn nở luôn có cái lõi đô thị, cái gốc của văn minh, của truyền thống.


Loi gia dinh cua mot thanh pho mo

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khi báo chí phỏng vấn nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Đình Đầu: “Theo góc độ nghiên cứu của cụ, thì những ai được coi là người Sài Gòn?”, cụ Đầu trả lời: “Sài Gòn là vùng đất mới, hơn 300 năm. Có ai sinh trưởng ở Sài Gòn trước đó đâu… Miêu tả người Sài Gòn phải có đặc trưng nhiều giai đoạn”. Nhiều nhà nghiên cứu còn nói nếu nét đặc trưng phụ nữ Hà Nội là đài các, Huế thuỳ mị khẽ khàng thì Sài Gòn phóng khoáng tươi trẻ tự tin, ít gò bó lễ giáo. Lại còn vui vẻ ưa hưởng thụ, ít tiết kiệm. Từ những năm giữa thế kỷ trước, Sài Gòn đã có các cô con nhà giàu, con điền chủ miền Tây học các trường Regina Pacis, Marie Curie… chạy xe Rolex, dạn dĩ, áo quần thời trang, nói tiếng Tây như gió… Người phụ nữ gia đình ở Sài Gòn xưa chưa phổ biến cả hai vợ chồng đi làm. Chỉ có giới nghèo đi buôn bán mới lao nhọc. Nhiều phụ nữ ở nhà chăm con cho chồng đi làm. Giáo dục gia đình rất được chú ý. Hồi sau 1975, nhiều người vào đây ngạc nhiên thấy con em có khi đã là thanh niên vẫn khoanh tay chào người lớn và xưng con (trong khi phổ biến ở miền Bắc là xưng cháu).

Có người thắc mắc, sao Sài Gòn cũng là nơi nhiều người tứ xứ, nhập cư, nhưng không thể đem các thói xấu ở các nơi về làm tệ hại Sài Gòn nhiều như các nơi khác? Ở quê ra Sài Gòn bưng bê phục vụ khách thôi, phải học cái chuyên nghiệp của Sài Gòn. Để cho khách than phiền là chủ đuổi việc. Giữ chữ tín, thương hiệu. Sống ở Sài Gòn phải giống Sài Gòn chứ không bắt Sài Gòn theo thói xấu của mình vì thị trường và nhân văn nơi này không chấp nhận thế. Cái tốt, sự chuyên nghiệp của Sài Gòn có sức mạnh như luật sống tự nhiên vậy. Sài Gòn có sức mạnh truyền thống văn hoá thị trường chuyên nghiệp, giàu cái tình, nhạy bén và hiểu nỗi éo le. Những thứ đó vẫn đang được giữ bền vững từ trong văn hoá gia đình. Vẫn cố giữ lấy cái tình đằm thắm của Sài Gòn, của Nam bộ.



NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI