Lợi dụng mô hình kinh doanh mới để chiếm đoạt tiền

30/05/2024 - 06:17

PNO - Drop shipping là mô hình kinh doanh mà người bán chỉ cần tìm đơn hàng rồi đưa thông tin cho nhà sản xuất, nhà cung ứng để được nhận hoa hồng, không cần nhập sản phẩm về kho, không cần tiền vốn. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, mô hình này đã bị lợi dụng để biến thành chiêu lừa tiền.

Mô hình kinh doanh "5 không"

Đang thất nghiệp, chị H.K.N. (TPHCM) được một nhóm người tự giới thiệu là nhân viên Công ty Amazon Việt Nam hướng dẫn tham gia kinh doanh theo mô hình drop shipping.

Theo đó, chị không cần đặt tiền cọc để lấy hàng hóa nhưng nếu khách mua hàng không thanh toán trước thì chị phải ứng tiền, đến khi khách nhận được hàng, chị sẽ được nhận lại số tiền đã ứng kèm hoa hồng 15 - 20%. Ban đầu, khi ứng trước cho các đơn hàng trị giá tương đương vài USD, chị N. nhận lại tiền hoàn trả rất nhanh, nhưng khi thanh toán những đơn lớn, số tiền thanh toán dồn lại nhiều, chị bị đẩy ra khỏi hệ thống, mất khoản tiền đã ứng.

Nhan nhản các mẩu quảng cáo kinh doanh theo mô hình drop shipping trên Facebook, Zalo
Nhan nhản các mẩu quảng cáo kinh doanh theo mô hình drop shipping trên Facebook, Zalo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số nhóm đã lên các mạng xã hội có đông người dùng như Facebook, Zalo để mời chào những người muốn khởi nghiệp mà không cần vốn tham gia kinh doanh theo mô hình này. Một trang trên Facebook có tên “JD Việt Nam” thường xuyên đăng ảnh, clip quảng cáo mô hình drop shipping, tạo cảm giác kiếm tiền đơn giản, dễ dàng.

Trong một video, trang này thuyết minh đây là công việc phù hợp với nghề nhà giáo do không mất quá nhiều thời gian, không cần quá nhiều kinh nghiệm, có ưu thế “5 không”: không bỏ vốn nhập hàng, không có hàng tồn kho, không vận chuyển, không tốn nhiều thời gian, không ôm hàng. Chúng tôi truy cập vào trang này thì thấy địa chỉ kinh doanh ở Trung Quốc và không có thêm thông tin nào khác.

Trên một trang khác cũng lấy tên “JD Việt Nam”, chủ trang cam kết “trong vòng 3 ngày, sẽ có ít nhất là 1.000 đơn hàng bởi hệ thống có sẵn tệp khách hàng; người mới tham gia kinh doanh sẽ được hỗ trợ lượt truy cập gian hàng”. Trang này không có địa chỉ, không có thông tin gì ngoài các video kêu gọi mọi người kinh doanh.

Khi chúng tôi nhắn tin tỏ ý muốn tìm hiểu, người của trang này tư vấn: “Bên chị là thương mại điện tử quốc tế nên rất uy tín. Hoa hồng cho mỗi đơn hàng lên tới 20%; nhập hàng, giao hàng, tồn hàng, quảng cáo đã có bên chị lo, mỗi ngày em chỉ việc đăng bán sản phẩm trong vòng 2-3 giờ, cam kết thu về hàng chục triệu đồng/tháng”.

Một số trang như “Chuyên gia thương mại điện tử”, “Đối tác thương mại toàn cầu” có chung nội dung quảng cáo: “Bạn muốn mở cửa hàng trực tuyến nhưng chưa có nguồn, chúng tôi đến đây để hướng dẫn bạn. Tham gia nền tảng của chúng tôi, bạn không cần quảng cáo để có đơn hàng, không lo tồn kho hay vận chuyển. Bạn có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, không cần bằng cấp”.

Nền tảng mà các trang này giới thiệu để người kinh doanh tham gia là các sàn thương mại điện tử thế giới như Amazon (Mỹ), Coupang (Hàn Quốc). Điểm chung của các trang là không có tick xanh - biểu tượng xác nhận tài khoản “chính chủ” của Facebook.

Nạp càng nhiều tiền, càng được thưởng lớn

Liên hệ với trang “JD Việt Nam” với lý do mong muốn có thêm thu nhập, chúng tôi nhận đường một đường dẫn (link) đến trang web jd-drop.com để tham khảo, tìm hiểu mặt hàng muốn kinh doanh. Theo hướng dẫn sơ bộ, chúng tôi sẽ đem các sản phẩm này quảng cáo; nếu có khách đặt hàng và thanh toán, trang web sẽ thông báo và tự chuyển đơn hàng cho khách, cứ mỗi đơn hàng được giao thành công, chúng tôi sẽ nhận hoa hồng là 20%.

Tuy nhiên, do là người mới, chưa thông thạo hình thức kinh doanh này nên chúng tôi được chủ trang đề nghị học kinh doanh với giá 499.000 đồng/khóa, là mức giá được cho là đã giảm 70%. Sau khi học xong, chúng tôi mới được hướng dẫn tạo tài khoản và các bước tiếp theo trên nền tảng này.

Một ứng dụng  giả mạo nền tảng thương mại điện tử  Coupang  (Hàn Quốc)  để yêu cầu người tham gia  nạp tiền,  nhận hoa hồng
Một ứng dụng giả mạo nền tảng thương mại điện tử Coupang (Hàn Quốc) để yêu cầu người tham gia nạp tiền, nhận hoa hồng

Tiếp tục liên hệ với một số trang quảng cáo mô hình drop shipping qua sàn thương mại điện tử Coupang, chúng tôi được người tư vấn cho xem giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tên “Công ty TNHH Coupang”, có trụ sở ở tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, khi tra cứu mã số thuế in trên giấy chứng nhận này, chúng tôi thấy đây là mã số thuế của một công ty có tên là “Công ty TNHH Thương mại Hàn Quốc”, nhưng công ty này không còn hoạt động ở địa chỉ đã đăng ký. Người tư vấn cũng gửi cho chúng tôi link đi đến một ứng dụng có tên Coupang, yêu cầu chúng tôi tải về để nhận tiền thưởng từ hệ thống.

“Đây là phần thưởng dành cho mỗi gian hàng. Nếu em nạp vào tài khoản 1.000 USD (1 USD = 25.468 đồng) thì sẽ nhận thưởng 10%, nạp 3.000 USD sẽ nhận thưởng 15%, nạp 5.000 USD sẽ nhận thưởng 20%, nạp 8.000 USD sẽ nhận thưởng 25%, nạp 10.000 USD sẽ nhận thưởng 30%. Mỗi gian hàng chỉ có thể nhận thưởng 1 lần/ngày” - người này hướng dẫn. Để tạo niềm tin, người này còn gửi cho chúng tôi hình ảnh một số gian hàng đã nhận thưởng 4.000-5.000 USD.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo online thông qua việc mời tham gia mô hình drop shipping. Theo đó, một nạn nhân tên H. ở TP Hà Nội đã bị lừa lấy 12 tỉ đồng khi bán hàng qua ứng dụng Supply Helper; một nạn nhân tên N. (cũng ở TP Hà Nội) bị lừa lấy 340 triệu đồng khi bán hàng trên trang “taobaovn Store”.

Đại diện Droppii - nền tảng thương mại điện tử theo mô hình drop shipping - cho biết, gần đây, đơn vị này phát hiện và nhận được thông tin từ đối tác về việc một số đối tượng dùng thương hiệu Droppii để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lấy cắp các video, nội dung quảng cáo của Droppii rồi tự chạy quảng cáo để khách hàng liên hệ, sau đó thông báo trúng thưởng giả, yêu cầu thanh toán hoặc ứng phí trước cho đơn hàng, thực hiện nhiệm vụ… Droppii cảnh báo, khi nhận được các link được cho là của Droppii, khách hàng nên kiểm tra lại cẩn thận, không nên truy cập khi chưa xác minh. Droppii không bao giờ yêu cầu khách hàng thanh toán phí không qua các kênh giao dịch chính thức.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) - đánh giá, drop shipping là mô hình bán lẻ khá tiện lợi, tinh gọn, có nhiều ưu điểm như tổ chức dễ dàng, chi phí đầu tư thấp, rủi ro thấp, bán hàng xuyên biên giới… nên khá phù hợp với xu hướng thương mại điện tử, phù hợp với điều kiện của nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập. Mô hình này khá phổ biến ở nước ngoài và đang ngày càng phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng mô hình này để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Theo ông, muốn trở thành nhà phân phối sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử thông qua mô hình drop shipping, người tham gia phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Nếu thấy ai đó quảng cáo rằng kiếm tiền dễ, hoặc ngay từ đầu đã “nhá” ra mối hời ngon ăn thì nên cẩn trọng, để tránh bị lừa.

Chiêu lừa na ná “tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng”

Ông Phạm Nguyễn Hoàng Bảo - Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena - cho rằng, lừa đảo qua mô hình drop shipping cũng na ná với chiêu lừa “tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng” trên các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee trước đây.
Sở dĩ có nhiều người vẫn bị lừa mất số tiền lớn khi tham gia mô hình drop shipping là do các đối tượng lừa đảo thành lập các ứng dụng giả mạo có giao diện y hệt các nền tảng thương mại điện tử quốc tế đang phát triển mô hình này. Ban đầu, người đặt mua hàng không phải là khách hàng thực sự mà là người của nhóm lừa đảo nhằm tạo lòng tin, cho người tham gia thấy mình có nhận được hoa hồng. Khi nạn nhân thấy “dễ ăn”, nhóm lừa đảo mới dụ nạn nhân tự bỏ tiền ra đặt hàng để nhận hoa hồng. Khi thấy số tiền đủ nhiều, nhóm lừa đảo sẽ cho sập ứng dụng hoặc cắt quyền truy cập của nạn nhân.

Theo ông Phạm Nguyễn Hoàng Bảo, đứng sau chiêu lừa mới này là cả một đường dây, tổ chức quốc tế. Đường dây lừa đảo tìm kiếm những công ty đã thành lập có tên na ná với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế để tạo nên các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giả rồi lừa nạn nhân. Khi tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội, người dân cần xác minh kỹ thông tin từ nhiều nguồn, tra cứu trên Google với các cụm từ liên quan đến đơn vị, tổ chức mà mình sắp tham gia. Cần luôn cảnh giác với các mối lợi phi lý như “làm nhiệm vụ nhẹ nhàng, lãnh hoa hồng cao”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI