Lợi dụng dịch COVID-19, giả danh bác sĩ lừa người bệnh

16/06/2021 - 11:39

PNO - Thời gian qua, bệnh nhân ở các bệnh viện Đại học Y Dược, Chợ Rẫy… đã nhận được cuộc gọi từ những số lạ tự giới thiệu là bác sĩ của bệnh viện, yêu cầu tư vấn, khám bệnh từ xa nhằm phòng, tránh COVID-19.

Khám từ xa, mua thuốc qua tài khoản “bác sĩ”

Vài ngày trước, nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã phản ánh với bệnh viện về việc nhận được các cuộc gọi “khám bệnh từ xa”. Theo người bệnh, người gọi điện thoại biết rất rõ bệnh tình của bệnh nhân, tư vấn việc nghỉ ngơi, hỏi thăm về thuốc điều trị. Qua chuyện trò, người gọi khuyên người bệnh, ngoài thuốc cần uống thêm “thuốc” chức năng theo chương trình hỗ trợ thuốc của Bộ Y tế để nhanh khỏi bệnh. Có bệnh nhân đã mua các loại “thuốc” chức năng như gợi ý.

“Họ nói chuyện chuyên nghiệp đến mức tôi đã hỏi tên, chuyên khoa điều trị, lịch khám bệnh… và đều được trả lời rất rành rẽ, đến bệnh của tôi họ cũng biết, nên tôi không còn e ngại. Tôi cũng thấy, thành phố đang giãn cách, việc bác sĩ gọi điện thoại khám bệnh từ xa là hợp lý. Mình cũng ngại đến bệnh viện trong thời gian này, nên đã nghe theo. Nhưng đợi giao thuốc mãi vẫn không thấy, gọi đến bệnh viện hỏi thì mới hay mình bị lừa”, bệnh nhân cho biết.

Khi các y, bác sĩ của các bệnh viện tại TP.HCM dốc toàn lực cứu người bệnh thì có những kẻ đã mạo danh nhằm trục lợi
Khi các y, bác sĩ của các bệnh viện tại TPHCM dốc toàn lực cứu người bệnh thì có những kẻ đã mạo danh nhằm trục lợi

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, không chỉ một bệnh nhân mà bệnh viện đã nhận được phản ánh của nhiều bệnh nhân về việc một người nào đó tự xưng là bác sĩ gọi điện cho bệnh nhân để nói rằng Bộ Y tế có chương trình hỗ trợ thuốc…

“Nghe bệnh nhân kể lại, tôi nhận thấy thủ đoạn của người gọi rất tinh vi, họ đã tìm hiểu hầu như tất cả thông tin về bác sĩ mà họ “đóng vai” nên nhiều người đã bị thuyết phục. Đa số cuộc gọi đều đề cập đến thực phẩm chức năng, điều này hoàn toàn sai. Bởi bác sĩ không được phép kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc của bệnh nhân. Chính vì vậy, nếu ai nói với bà con về chỉ định sử dụng thực phẩm chức năng, hay thuyết phục này nọ thì người bệnh hoặc thân nhân hãy liên lạc với bác sĩ điều trị để đảm bảo mình không bị lừa”, bác sĩ Phạm Thanh Việt nói.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết thêm, nếu người bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện, bệnh viện sẽ cung ứng thuốc cho bệnh nhân theo quy định. Những trường hợp thuốc điều trị hiếm hay kho thuốc của bệnh viện chưa kịp cung ứng, bác sĩ sẽ có giải thích cụ thể. Khi ấy, người bệnh mới đi mua thuốc ngoài, bác sĩ không gọi điện thoại sau đó.

Bác sĩ Việt khuyến cáo, tất cả cuộc gọi giới thiệu chương trình thuốc của Bộ Y tế gửi thuốc điều trị tới nhà đều là lừa đảo. Ngay cả các công ty dược muốn hỗ trợ thuốc cũng phải thông qua, phối hợp với bệnh viện. Nhưng hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy không liên kết với công ty, tổ chức, cá nhân nào để cung ứng và giao thuốc hoặc thực phẩm chức năng cho bệnh nhân.

Mạo danh để trục lợi

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng cho biết, mới đây, một số cá nhân sử dụng đầu số điện thoại lạ, tự nhận là bác sĩ của bệnh viện để gọi cho bệnh nhân tư vấn sức khỏe.

Người gọi khuyến cáo người bệnh không nên đến bệnh viện trong giai đoạn giãn cách xã hội, tư vấn mọi người tự mua thuốc tại nhà hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại nhà thuốc ngoài bệnh viện để… được giảm giá 50%. Thậm chí, họ còn gợi ý người bệnh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để bác sĩ mua thuốc và gửi về nhà giúp nhằm phòng, tránh dịch COVID-19.

Thạc sĩ - bác sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết, tuy địa bàn thành phố đang trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng bệnh viện vẫn tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân từ thứ Hai đến thứ Bảy, không có chuyện khám qua điện thoại.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng cho biết: “Khi nhận được thông tin, lãnh đạo bệnh viện lập tức làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và rà soát lại tất cả quy trình khám, cấp thuốc tại bệnh viện. Bệnh viện xác nhận, đây là trường hợp lừa đảo, giả mạo nhân viên y tế nhằm mục đích trục lợi”.

Mặc khác, theo quy định của bệnh viện, khi cần liên hệ người bệnh để tư vấn về tình trạng bệnh, tình hình sử dụng thuốc và nhắc lịch tái khám, nhân viên y tế của Khoa Khám bệnh sẽ sử dụng số điện thoại cố định tại các phòng khám chuyên khoa để gọi cho người bệnh, tuyệt đối không sử dụng điện thoại cá nhân.

Bệnh viện tuyệt đối không tư vấn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để mua thuốc cho người bệnh, hoặc hướng dẫn người bệnh đến nhà thuốc ngoài. Nếu nghi ngờ có sự bất thường, người bệnh nên liên hệ ngay đến bộ phận Chăm sóc khách hàng 1900.7178 (trong giờ hành chính) hoặc số điện thoại tổng đài bệnh viện 028.3855.4269 (24/7) để được hỗ trợ.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng khuyến cáo, người bệnh, người nhà cần nâng cao cảnh giác với các hành vi lừa đảo để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế người bệnh. Để xác định số điện thoại gọi đến có đúng là của bệnh viện không, người bệnh và người nhà nên lưu các số điện thoại của bệnh viện và phòng khám chuyên khoa mình đã đến khám. Số điện thoại chính thức được in trên toa thuốc của bệnh viện.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng cho biết, nơi đây từng tiếp nhận phản ánh của người dân về việc có số điện thoại lạ nhắn tin thông báo tới người dân rằng họ phải cách ly tập trung và yêu cầu gọi lại để xác nhận. Đại diện HCDC khẳng định, đây là tin nhắn giả mạo.

Theo đại diện HCDC, trong quá trình khoanh vùng, điều tra dịch tễ, nếu một khu vực có ca nghi nhiễm COVID-19, nhân viên y tế sẽ lập danh sách người tiếp xúc gần. 

“Nếu bạn nằm trong diện thực hiện cách ly tập trung hoặc tại nhà thì chính quyền địa phương, nhân viên y tế sẽ làm việc trực tiếp với bạn. Bạn sẽ nhận được quyết định cách ly từ chính quyền địa phương. Vì vậy, tất cả cuộc gọi, tin nhắn liên hệ khác, mọi người cần đề cao cảnh giác, không để kẻ gian giả mạo nhân viên y tế lừa đảo nhằm mục đích xấu”, vị này cho biết. 

Phạm An
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI