PNO - Cải lương đề tài sử Việt yếu thế trước cải lương tuồng tích Trung Quốc là chuyện không mới. Thế nhưng, nói như đạo diễn Hoa Hạ, khi tuồng tích Trung Quốc chiếm đến 80% là hiện tượng bất thường.
Năm 2015, lặn lội xuống Bạc Liêu xem cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn lập tức bị vở cải lương Trung thần (tác giả - đạo diễn: Hoa Hạ, chuyển thể: Hoàng Song Việt) chinh phục. Vở diễn về nhân vật lịch sử có công lớn với vùng đất Sài Gòn - Gia Định là Tả quân Lê Văn Duyệt được ông Tuấn đánh giá đã cân bằng được yếu tố nghệ thuật và tính giải trí, có cốt truyện kịch tính, dàn dựng hấp dẫn, vũ đạo đẹp mắt, nghệ sĩ sáng đẹp, ca hay diễn giỏi.
Một vở cải lương chất lượng, hấp dẫn như Trung thần cũng không thể thu hút được nhiều khán giả
Sau đó ông Tuấn đã đề xuất hợp tác với Hội Sân khấu TPHCM thực hiện dự án Tôi yêu cải lương, đưa Trung thần và các vở cải lương chất lượng đến công chúng. Dù hướng đến khán giả bình dân và học sinh - sinh viên với giá vé chỉ khoảng 200.000 đồng nhưng tác phẩm chỉ diễn được 2 suất tại nhà hát Bến Thành (dự kiến 4 suất), mỗi suất khán giả chỉ khoảng 2/3 rạp.
Năm 2023, ông Huỳnh Anh Tuấn lại nung nấu ý định làm cải lương khi liên kết với đạo diễn Nguyên Đạt mở chương trình Sân khấu cải lương tại nhà hát Thanh Niên bằng vở Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt). Vở diễn đạt Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu thủ đô 2022, khai thác câu chuyện lịch sử ít người biết cùng nhiều “trò diễn” hấp dẫn. Ông Tuấn kỳ vọng vào một điểm diễn cải lương mới cho người trẻ. Thế nhưng tình hình bán vé không khả quan buộc ông phải tạm hoãn kế hoạch. “Tôi cho rằng lượng khán giả cải lương đã co cụm và phần đông là fan của nghệ sĩ chứ không hẳn đến vì chất lượng vở diễn. Trong đó, nghệ sĩ cũng phải hát đúng sở trường họ mới xem. Khán giả vẫn chịu Vũ Luân, Tú Sương, Bình Tinh… hát tuồng Hồ Quảng hơn là tuồng sử Việt” - ông Tuấn nhận định.
Có một nghịch lý là dù gần như vắng bóng trên các sàn diễn nhưng tuồng sử Việt mới vẫn đều đặn ra đời, nhất là trong mùa hội diễn. Có không ít tác phẩm chất lượng như: Chiếc áo thiên nga, Dấu ấn giao thời, Đế đô sóng cả, Bão táp một vương triều, Bến nước Ngũ Bồ, Đêm trước ngày hoàng đạo, Truyền thuyết chàng Sa Mộc, Phận má đào, Thiên mệnh… Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ học đạo diễn đã chọn dựng cải lương lịch sử để báo cáo tốt nghiệp. Chẳng hạn Mỹ Hằng với vở Lê Công kỳ án, Kim Tiến với Thủy chiến, Minh Trường với Chân dung người mở cõi, mới nhất là Thanh Toàn với Ngược dòng Tây Sơn. Trong đó, Minh Trường và Kim Tiến đã nỗ lực tổ chức diễn doanh thu nhưng cũng không hơn được 3 suất diễn.
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang cho biết, sân khấu tuồng cổ mang tên anh qua 2 năm thành lập, diễn được 3 vở với mức đầu tư trung bình khoảng 200 triệu đồng. Sân khấu chỉ hòa vốn hoặc lời chút ít nếu diễn được 4-5 suất và bán hết vé. Nhưng đến nay chỉ dừng lại 2 suất/vở. “Mỗi suất, tính hết mọi chi phí, lỗ đều đều khoảng 40 triệu đồng. Mà đó là tuồng tích Trung Hoa, có tệp khán giả quen với chi phí cũng nhẹ hơn so với dựng tuồng sử. Việc bán vé tuồng sử Việt thực sự rất gian nan đối với sân khấu xã hội hóa” - Trường Giang chia sẻ.
Cần đa dạng hơn
“Chúng ta không thiếu kịch bản đề tài lịch sử nhưng lại thiếu sự đa dạng khi chỉ nói về chiến tích của người anh hùng mà thiếu sự phong phú về các khía cạnh cá nhân, nhất là tình yêu lãng mạn mà khán giả cải lương rất thích” - ông Huỳnh Anh Tuấn nhận xét.
Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên, vở diễn có kịch bản mới lạ, nhiều trò diễn nhưng cũng không có nhiều suất diễn
“Tại sao cải lương có Lưu Kim Đính phá tứ môn mà mình không triển khai đề tài Bùi Thị Xuân phá ải Trấn Ninh? Tại sao tuồng về Hai Bà Trưng thì chỉ đến lúc khởi nghĩa là hết tuồng, còn kết cục của 2 bà ra sao? Có những số phận để lại rất mơ hồ trong sử sách mà muốn chạm đến những bí ẩn, những mơ hồ đó thì người viết, nhất là người trẻ, lại sợ” - Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ những băn khoăn khi tiếp cận đề tài sử Việt. Anh cho biết đang có trong tay các kịch bản lịch sử và dã sử là Hỏa công đầm Thị Nại, Ngược dòng Tây Sơn, Truyền tích tiểu tiên, Huyết mạch của những vị thần sẵn sàng để khai thác. Chưa đủ lực làm sân khấu, anh thăm dò sự tiếp nhận của khán giả qua hình thức “web drama cải lương” trên kênh YouTube riêng với 3 sản phẩm là Cái chết của vua Cảnh Thịnh, Vận mệnh vương triều và Mãnh hổ Trần Quang Diệu.
“Tôi vẫn ấp ủ kế hoạch làm cải lương tuồng cổ đề tài sử Việt, nhưng cần thêm thời gian và phải kéo khán giả coi những tuồng có tích Trung Quốc của mình trước đã, để họ thấy được thực lực của đoàn, làm quen với phong cách dàn dựng, biểu diễn của sân khấu… thì khi dựng tuồng sử Việt họ sẽ ấn tượng mà ủng hộ” - Lê Nguyễn Trường Giang nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút khán giả, cần đa dạng hóa hướng khai thác đề tài lịch sử vì lịch sử không chỉ có công cuộc chống xâm lăng mà còn nhiều vấn đề xã hội rộng lớn, các câu chuyện nhân sinh, góc nhìn trữ tình, nhân văn và cả huyền bí, ly kỳ trong các truyền thuyết, giai thoại dân gian.
Ninh Lộc
Theo Nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ, cần có định hướng, hỗ trợ từ Nhà nước để các đơn vị xã hội hóa đủ sức “tự bơi”, người làm nghề cảm thấy an ủi, được động viên trong nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa nước nhà. “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn cho biết sẽ đại diện các đơn vị sân khấu xã hội hóa kiến nghị thành phố: miễn hoặc giảm 50% kinh phí thuê rạp cho các đơn vị xã hội hóa làm cải lương sử Việt. “Ví dụ, thuê rạp Hưng Đạo tốn 18 triệu đồng, thêm 15 triệu đồng màn hình LED. Nếu được giảm 50%, nghĩa là tiết kiệm được 16 triệu đồng, có thể giúp giá vé giảm ở mức 500.000 đồng, phù hợp túi tiền nhiều đối tượng khán giả hơn, giúp kéo giảm chi phí sản xuất…” - ông Tuấn nói.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.