Chuyện các giọng ca nhí phải thể hiện những bài hát của người lớn về tình yêu hay nhạc nước ngoài không phù hợp lứa tuổi và sự phát triển của trẻ đã không còn mới mẻ nữa. Thế nhưng, khi việc đó vẫn diễn ra khi số lượng ca khúc thiếu nhi mới đã hiện diện không ít, thì không thể không đặt câu hỏi.
|
Quán quân Giọng hát Việt nhí 2018 Hà Quỳnh Như gây ấn tượng với một loạt ca khúc người lớn siêu khó. |
Phải chăng không có sáng tác mới cho thiếu nhi?
Trong đêm chung kết xếp hạng The Voice Kid 2018 diễn ra đầu năm nay, trong 4 phần trình diễn chỉ có duy nhất tiết mục của Đào Đình Anh Tuấn được đa phần người xem đánh giá là phù hợp với lứa tuổi khi Vũ Cát Tường và Soobin Hoàng Sơn lựa chọn bản mashsup Quê hương Việt Nam và Về nhà ăn tết; Quán quân Hà Quỳnh Như và 2 bạn thí sinh khác sử dụng các ca khúc của người lớn cực khó như Trên đỉnh Phù Vân, Sắc màu…
|
Đào Đình Anh Tuấn thể hiện bản mashup Quê hương Việt Nam và Về nhà ăn tết |
Ngay từ vòng Giấu mặt, phần lớn thí sinh chọn những bài hát quá sức, đòi hỏi kỹ thuật cao lẫn trải nghiệm các kiệt tác nổi tiếng như Độc huyền cầm, A moment like this… để thuyết phục ban giám khảo. Điều đáng nói là không thiếu sáng tác mới phù hợp cho lứa tuổi của các em.
Đơn cử như từ năm 2015 nhạc sĩ Vũ Hoàng, tác giả của các nhạc phẩm đi cùng năm tháng như Bụi phấn, Mùa hè xanh, Phượng hồng… đã ra mắt tập sách nhạc gồm 216 ca khúc viết cho thanh thiếu niên. Hay nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, nổi tiếng với tác phẩm Hổng dám đâu cũng giới thiệu đến công chúng tập sách nhạc 147 bài hát được ông sáng tác và phổ thơ.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 5, tác giả trẻ Nguyễn Văn Chung vừa thông báo đã hoàn thành ca khúc thiếu nhi thứ 300. Anh mất đến 8 năm sự nghiệp, tạm ngừng sáng tác các bản ballad về tình yêu vốn được xem là sở trường để theo đuổi dự án. Anh chia sẻ: “Trong tuyển tập sách nhạc lần này hầu hết là những bài đơn giản dễ nhớ dễ thuộc cho đại đa số các bé, cũng có một vài bài hát ở mức độ cao dành cho các em thiếu nhi có năng khiếu”.
|
Tập sách nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cho rằng: “Hiện nay chúng ta không hẳn thiếu ca khúc thiếu nhi mà vấn đề chính nằm ở khâu quảng bá, phát hành. Dường như việc phổ biến các tác phẩm trên phương tiện truyền thông có vấn đề hoặc có thể có lợi ích nhóm ở đây. Rất ít ca khúc đúng lứa tuổi các em được sử dụng trong các chương trình âm nhạc, thay vào đó là các bài hát nước ngoài hoặc các ca khúc người lớn được chỉnh sửa lời. Điều này một phần do trình độ quản lý và biên tập kém, mặt khác cũng có thể do kinh tế thị trường tác động họ chạy theo thị hiếu”.
Ở góc độ NSX chương trình, một đơn vị cho biết việc sử dụng ca khúc mới cho các em là một phương án mạo hiểm về rating, một phần gây khó cho các thí sinh vì chưa bao giờ được tiếp xúc kể cả khâu phối khí khi thời gian chỉ vỏn vẹn trong 1 tuần. Hệ quả là những ca khúc quen thuộc cứ nhai đi nhai lại hoặc những bài hát người lớn bị sửa lời...
|
Tuyển tập sách nhạc dành cho thanh thiếu niên của nhạc sĩ Vũ Hoàng. |
Câu chuyện phát hành
Rõ ràng, việc thiếu ca khúc thiếu nhi không hề diễn ra, nhưng công chúng vẫn không thể thưởng thức các ca khúc mới. Bởi, nhạc sĩ sáng tác nhưng lại không thể tự đưa ca khúc ấy đến với công chúng mà việc thu âm, phát hành lại là quy trình của những người sản xuất âm nhạc.
Có lẽ, cái khó lớn nhất là các bài hát thiếu nhi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức bởi hầu hết các nhà sản xuất đều cho rằng đây là phi vụ “lỗ vốn”. Khác với các ca khúc ballad… được các ca sĩ tranh nhau đặt bài, quay MV, quảng bá trả tiền tác quyền giúp nhiều nhạc sĩ nổi danh thì ca khúc thiếu nhi chỉ gói gọn trong một đối tượng, hiếm ca sĩ thể hiện và cũng không đem lại tiếng tăm lẫn thu nhập cho các nhạc sĩ.
Chưa kể, theo các nhạc sĩ, ngày nay các em nhỏ được tiếp xúc với internet, âm nhạc từ khá sớm, bị dòng nhạc Âu Mỹ, nhạc Kpop bắt tai tràn lấp mà bỏ quên các dòng nhạc truyền thống, đúng lứa tuổi. Ngoài ra, các sân khấu thiếu nhi, các nhà văn hóa thanh niên lại gặp khó trong khâu quản lý, tổ chức nên đánh mất địa điểm truyền bá các ca khúc.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chính thức hoàn thành dự án 300 ca khúc thiếu nhi vào ngày 20/5. |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Khi quyết định thực hiện dự án các ca khúc thiếu nhi, tôi đã nghĩ và chấp nhận việc khó thu hồi vốn. Tôi may mắn có được những anh em đồng nghiệp tốt luôn hỗ trợ chi phí sản xuất với giá tốt nhất, được các phụ huynh và một vài công ty cùng chung chí hướng giúp đỡ ít nhiều. Thế nhưng, chúng ta đều biết để làm 1 dự án lớn như vậy thì kinh phí rất lớn, 60-70% là mình tôi tự cáng đáng. Tôi tin vào điều mình làm dù ít hay nhiều cũng sẽ mang lại những điều tốt đẹp sau này”.
Bởi thế, nói về mặt động lực, các ca khúc thiếu nhi chỉ là một “cuộc chơi phụ” của những nhạc sĩ có lòng với âm nhạc trẻ thơ và khó đòi hỏi ở họ một sự đầu tư chỉn chu. Những người có tâm huyết thì lại thiếu ca sĩ nhí thu âm và khó trong khâu phát hành, quảng bá.
Thu Hương