Lối đi mới của văn học giả tưởng

27/02/2023 - 06:44

PNO - Nếu những năm trước, văn học giả tưởng trong nước còn bị cho là “thiểu số”, “truyện thiếu nhi”, “xa rời thực tế”… thì gần đây tình hình đã khác, nhiều tác giả đã mạnh dạn dấn bước vào thể loại này.

Làn gió mới từ các cây bút trẻ 

Văn học giả tưởng là tên gọi chung của các tác phẩm hư cấu, kỳ ảo. Lâu nay, thể loại này chưa nổi bật ở thị trường trong nước.

Từ “làn sóng thứ nhất” là các tác phẩm giả tưởng nổi tiếng dành cho thiếu nhi như Chuyện xứ Langbiang (Nguyễn Nhật Ánh), các tác phẩm của Phan Hồn Nhiên… nhìn chung, văn học giả tưởng Việt Nam chưa có tên tuổi nào thực sự bật lên. Điều này do thị hiếu của độc giả trong nước vẫn thiên về hướng hiện thực hơn là tưởng tượng như các nghiên cứu cho thấy. 

Một số tác phẩm giả tưởng nổi bật gần đây
Một số tác phẩm giả tưởng nổi bật gần đây

Một thời gian dài, thị trường của dòng văn học này vẫn nghiêng về tác phẩm dịch. Nhưng với sự mở cửa, giao thoa văn hóa… gần đây, độc giả trẻ đã dần quen với dòng sách này, tạo nên “làn sóng thứ hai” của văn chương giả tưởng; từ đó hình thành một thị trường đọc và xuất bản đa dạng với sự tham gia của nhiều tác giả trong nước.

Mới đây, nhà văn Đức Anh giới thiệu tiểu thuyết giả tưởng Nhân sinh kép; dự án thuộc thể loại siêu nhiên mang tên Ác duyên sắp ra mắt. Tác giả trẻ Nguyễn Duy Tùng cũng góp mặt với cuốn Dòng máu rồng tiên.

Ngoài sản phẩm riêng lẻ còn có những tác phẩm được viết theo bộ. Mới nhất, tác giả Nam Thanh đã cho ra mắt tập 2 Hậu duệ của Thép thuộc bộ Aftermath (dự kiến 7 tập). Nguyễn Dương Quỳnh cũng hoàn thành xong bộ 3 Thiên cầu ma thuật. Loạt 10 cuốn Cơn bão cuối cùng của Nguyễn Lê Sang cũng từng gây sốt trên mạng xã hội…

Kết hợp với trí tuệ nhân tạo

Với “làn sóng thứ hai” của văn học giả tưởng, có thể thấy các tác giả đang thử sức ở nhiều hình thức, nội dung mới hơn và độc đáo hơn. Các bộ sách ngày càng phức tạp, đòi hỏi quá trình sáng tạo cũng như tìm cảm hứng lâu dài. Tác giả Nam Thanh cho biết, ngay từ tập đầu của Ác quỷ rừng phế tích, anh đã có sẵn ý tưởng cho toàn bộ truyện. Sẽ có “biến số” trong quá trình viết nên việc sáng tạo vẫn được triển khai tuần tự.

Dự án Ác duyên được lên ý tưởng từ tháng 11/2022. Thành viên ban đầu gồm tác giả Nguyễn Bảo Ngọc nghiên cứu chủ đề, định hướng thông điệp cho tác phẩm; nhà văn Nhật Phi thiết kế bối cảnh chung cho toàn series và nhà văn Đức Anh lên cốt truyện chính cho tập thứ nhất. 3 nhà văn tương tác với AI Story Maker để tìm thêm gợi ý, mối quan hệ ngầm giữa các nhân vật để gây bất ngờ cho độc giả. 

Các tác phẩm cũng độc đáo về mặt hình thức. Cơn bão cuối cùng gồm 10 tập nhưng chỉ 1 tập chủ chốt là được khuyến khích đọc phía sau cùng, trong khi 9 tập còn lại có thể đọc một cách ngẫu nhiên. Gần đây loạt phim truyền hình Kaleidoscope của Netflix hay phim tương tác Late Shift cũng đi theo hướng “mở” này, cho thấy một sự “nhìn trước” độc đáo của tác giả Việt.

Với Ác duyên, đơn vị xuất bản là Linh Lan Books cũng đã mở ra một “trại sáng tác” cho các tác giả tham gia. Không còn giọng văn riêng lẻ, đây là tác phẩm có sự chấp bút của nhiều cá tính. Nhà văn Đức Anh bật mí: “Mỗi câu chuyện trong sách sẽ đứng độc lập, nhưng được kết nối với nhau. Đề tài chung là về một hoặc nhiều nhân vật được trao những quyền năng phi thường, tuy nhiên đó lại không phải là những quyền năng mang lại hạnh phúc. Qua đó, các đề tài của xã hội đương đại sẽ được thể hiện dưới góc nhìn kỳ ảo”.

Tác giả Đức Anh và tác phẩm mới Nhân sinh kép
Tác giả Đức Anh và tác phẩm mới Nhân sinh kép

Các công ty sách cũng đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)  vào tác phẩm. Theo đó, Ác duyên sẽ có một khung cốt truyện được Story Maker - một AI thiên về kể chuyện - hỗ trợ, phần hình minh họa do Mid Journey - AI chuyên về thiết kế đồ họa - đảm nhiệm.

Nhà văn Đức Anh cũng chia sẻ thêm: “Hiện tại AI là công cụ trợ lực sáng tạo rất tốt. Khi chúng tôi tạo ra một nhân vật phụ, AI sẽ hỏi ngược lại nhân vật này có mục đích gì không và nó sẽ thử đưa ra gợi ý để kết hợp nhân vật này với trục truyện chính. Nếu không đưa ra được gợi ý, nó cũng nhắc lại cho chúng tôi khung lý thuyết mà nó học được. Tôi không nghĩ đến việc AI có sáng tác được hay không. Vấn đề là chúng ta sử dụng các ý tưởng như thế nào và bản thân con người có chiều sâu về nội tâm, trải nghiệm sống của một nhà văn đích thực để biến những gì ngoài kia (gồm cả những thứ AI gợi ý) thành thứ độc đáo duy nhất”.

Nhà văn Nam Thanh cũng chia sẻ rằng mình đã thử ứng dụng nhưng nhận ra AI vẫn chưa đảm nhiệm được chuyện sáng tạo nếu đòi hỏi cao. “Tôi yêu cầu cao về giọng văn nên không dùng được AI, nhưng trong tương lai thì khó nói trước, bởi bản thân là một người viết khoa học giả tưởng mà lại khước từ công nghệ thì vô lý quá”.

Với sự quan tâm của thế hệ độc giả mới, các tác giả trong nước cũng đã cố gắng đem đến cách tiếp cận mới, độc đáo, thú vị hơn và đến gần hơn với thị hiếu thế giới. Hy vọng văn học giả tưởng sẽ sớm giành được vị thế xứng đáng trên văn đàn. 

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI