Lối đi mờ mịt

31/10/2014 - 19:53

PNO - PN - Chị gọi điện, hồ hởi dặn: “Tuần sau em về nhé, dự đám cưới cái Linh”. Tôi hốt hoảng: “Chị tính kỹ chưa? Cuộc đời con bé còn dài lắm. Hay mình tính cách khác?”, “Em lo xa. Thời của chị, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lần đó, thấy con gái gầy ốm, xanh xao, chị cứ nghĩ Linh phải chịu áp lực học hành cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Một tối, chị vén màn ngó vào phòng định hỏi chuyện học của con thì bắt gặp Linh vừa xoa bụng vừa… khóc. Chị hỏi, con gái vẫn dối là đang đau bụng. Bắt Linh đứng lên kiểm tra, chị tá hỏa thấy bụng con to hơn bình thường. Chị làm dữ, Linh sợ sệt “không biết có phải con có thai không”. Tát con gái một bạt tai nổ đom đóm, chị gào lên: “Trời ơi là trời, tôi bận bịu buôn bán nuôi mấy người ăn học, giờ mấy người trả ơn tôi thế này đây. Mặt mũi đâu mà sống?”. Hôm sau, đưa con gái đến bệnh viện, nghe bác sĩ khuyến cáo thai đã năm tháng tuổi, chị vò đầu bứt tai...

Chị bắt con gái phải chỉ đường đi gặp thằng… trời đánh. Nhà Quang - “thằng trời đánh” ở huyện kế bên. Chị về gom bà con, thuê chiếc xe bảy chỗ, bức xúc sang hỏi chuyện. Thế rồi cơn bức xúc của “đàng gái” nhanh chóng được giải tỏa khi bên ấy “tra khảo” con trai. Quang vừa thừa nhận là họ gật gù: “Chửa rồi thì cưới, cần gì kéo cả làng qua đây ăn vạ”. Quang cũng vừa tốt nghiệp phổ thông như con gái chị, ngây thơ dặn “hai đàng”: “Cưới lẹ, con còn thi đại học”. Chị về, kể lại với tôi: “Học hành gì cái ngữ ấy. Mẹ thì đề đóm, chủ của mấy dây hụi. Cha thì lo lò mổ heo. Nhà đó có thấy ai ăn học tới nơi đâu. Cưới nhau về, vợ chồng nó phụ ông già, lo lò mổ cũng được. Nghe nói nhà đó đang ăn nên làm ra”. Tôi lo ngại: “Quan trọng hai đứa có thương nhau không. Tình cảm tuổi học trò vốn chưa chín…”. Chị xì một tiếng, cắt ngang: “Khỏi lo em ơi. Con Linh kể, hai đứa có nhiều bạn chung, thường đi chơi chung nên nảy sinh tình cảm. Nếu không thương, làm gì mà “thằng đó” chịu cưới, em?”. Mãi sau chị mới chùng giọng: “Vả lại, họ không cưới thì mình biết làm sao. Còn mặt mũi, thể diện họ hàng, chị sống không nổi đâu”. Tôi điện về cho Linh, hỏi cháu suy nghĩ kỹ chưa, hôn nhân không đơn giản, nhỡ đâu... “Người ta chịu cưới, mẹ con mừng lắm. Giờ không cưới, con cũng không biết phải làm gì” - Linh cộc lốc, tỉnh rụi.

Loi di mo mit

Nhà chị khá, đàng trai cũng có của ăn của để nên một tuần sau, đám cưới diễn ra rất linh đình. Hai đàng bắt tay nhau: “Con cái lỡ dại, mình người lớn tính thay. Âu cũng con cháu, cốt nhục, không thương sao đành”. Chỉ có cô dâu chú rể nhìn… “lạc nhịp”, trông non nớt, luýnh quýnh, vụng về, từ cái gật đầu chào khách đến trao nhẫn cho nhau. Khách của đôi trẻ - những cô cậu tú tài - để lại một nốt chùng trong buổi tiệc: “Chừng mình vô giảng đường là Linh sinh hả”; “Ủa, vầy rồi có đi học nữa không?”…

Ba ngày sau đám cưới, tôi chuẩn bị quay về Sài Gòn thì điện thoại reo, giọng Linh hốt hoảng: “Cô ơi, đến đưa giùm con về. Con bầu bì mệt mỏi mà họ bắt con làm không ngơi tay”. Tôi buộc miệng: “Chồng con đâu?”, “Ảnh đi học. Tuần sau thi rồi” - Linh đáp gọn. Tôi bối rối, tìm cách khuyên cháu, cuộc sống nhà người khác nhà mình, làm dâu phải chịu khó giúp gia đình chồng quán xuyến, còn chuyện Quang đi học nên ủng hộ, cũng là lo cho hai đứa mai sau. Tôi chưa hết câu thì nghe Linh nức nở: “Nói đi học chớ “nó” mà học gì, ngày nào cũng cuộn vở ra quán ngồi đánh bài. Còn mẹ chồng cứ thấy con rảnh là sai này, sai kia. Nhà đó cưới con về để thêm người giúp việc mà không phải trả lương. Giờ con muốn đi đâu, thèm ăn gì cũng không được vì tiền bạc mẹ chồng giữ hết. Hôm qua, chồng con còn kêu tháo nhẫn cưới bán trả nợ thua bài, con không chịu, "nó" đánh”. Tôi há hốc.

Chị đứng bên cạnh, nghe hết câu chuyện giữa tôi và Linh. Chị thở sườn sượt nhưng lại nhắc tôi ráng khuyên Linh chịu đựng. Chỉ đến lúc tôi cúp máy, quay sang mới thấy chị bần thần lau nước mắt. Rồi bất giác, chị ôm mặt thổn thức: “Ông trời thật bất công”. Lỗi nào phải của… ông trời. Lối đi của con gái, đâu phải chị không nhìn thấy trước sự tối tăm, bủa vây nhiều chướng ngại.

 PHONG VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI