Lời chào của con làm mềm thế giới

02/12/2020 - 13:00

PNO - Giữa một đứa trẻ luôn biết “dạ, thưa”, chào hỏi lễ phép và một đứa trẻ đối đáp trổng không, quả thật là một sự khác biệt rất lớn về cách giáo dục.

Một phân cảnh trong bộ phim truyền hình đang phát sóng: nhà có khách, người mẹ - ra tiếp chuyện, dắt theo đứa con gái nhỏ (tầm 6-8 tuổi). Trong đoạn hội thoại, đáp lại lời khách, con bé trả lời trống không (người mẹ phải nhắc con rằng “nói chuyện với người lớn phải dạ, thưa”). 

Xem xong, tôi nhớ đến vài trường hợp, mình cũng như nhân vật trên phim kia, cũng vui vẻ hỏi thăm những cô bé/cậu bé nhưng đáp lại cũng là những câu trả lời “trổng không”.

Cảm giác chạnh lòng là có thật. Dẫu không đòi hỏi gì về sự lễ phép bắt buộc của những “đối tượng” nhỏ tuổi hơn mình nhưng lúc nào gặp một đứa trẻ lễ phép, biết “dạ thưa” quả thật cảm thấy rất ngọt ngào. 

Nhớ một hôm về đến nhà, thang máy chung cư giờ tan tầm khá đông. Mọi người ai nấy đều tỏ vẻ mỏi mệt sau một ngày làm việc, đứng chen chúc nhau trong im lặng. Chạy được một tầng, cửa thang máy mở ra đón thêm hai vị khách từ khu sinh hoạt cộng đồng. Sẽ chẳng có gì khác biệt nếu khách cứ thế bước vào, nhấn số tầng và đứng im chờ.

Nhưng không, có cô bé con vừa bước vào đã khoanh tay chào hết một lượt. “Con chào cô, con chào chú, con chào ông…”. Tự nhiên không khí chật hẹp trong thang máy trở nên thoáng đãng, dễ chịu. Những khuôn mặt bắt đầu giãn ra, cười với cô bé. Tôi cũng mỉm cười dù đang rất mệt. Người bà đi cùng cô bé khuôn mặt cũng thoáng vui. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự hồn nhiên trong trẻo của trẻ con là món quà dành tặng cho người lớn. Đó là điều quý giá vô hình - nhưng có lẽ không phải người lớn nào cũng nhận ra. Cùng một bối cảnh nhưng tôi cũng từng chứng kiến một hình ảnh đáng lo ngại khác. Hai vợ chồng to tiếng với nhau trong thang máy, người ngoài chẳng hiểu vì chuyện gì nhưng tôi quan sát đứa trẻ đi cùng họ đang đứng nép vào một góc. 

Thằng bé không phản ứng gì, mặt chỉ cúi gằm nhìn xuống đôi bàn chân. Đi cùng một lúc, tôi lại thấy thằng bé cáu kỉnh ném dép. Mẹ quát lớn thì nó lại lao vào cắn mẹ. Rồi nó bị ba đánh một phát vào mông…

Mỗi gia đình đều có nếp sống, sinh hoạt, cách nuôi dạy con cái khác nhau. Nhưng những gì diễn ra trước mắt khiến tôi lại nghĩ đằng sau sự cáu kỉnh, dễ nóng giận của thằng bé chính là cách ứng xử thường ngày của người lớn mà bé nhìn thấy. 

Nhiều người lớn tôi biết mỗi lần được nhắc đừng to tiếng với nhau trước mặt con cái, đều gạt ngang: “Con nít biết gì!”. Con nít biết hết đấy! Chúng quan sát cha mẹ rất kỹ, để ý cả những điều rất nhỏ và ghi nhớ mọi chuyện lâu hơn chúng ta nghĩ.

Hôm trước, tôi nghe đứa cháu mười tuổi nói chuyện về những mong ước/dự định khi lớn lên, giật mình nhận ra bức tranh gia đình đằng sau những lời vô tư của trẻ nhỏ. Giữa một đứa trẻ luôn biết “dạ, thưa”, chào hỏi lễ phép và một đứa trẻ đối đáp trổng không, quả thật là một sự khác biệt rất lớn về cách giáo dục.

Rất nhiều lần tôi nhìn thấy sự ngượng ngùng của cha mẹ khi bảo mãi mà con không chịu chào khách, hoặc nhận quà/tiền rồi chạy biến đi mà quên mất lời cảm ơn. Người khó xử chỉ cười giả lả, người bực mình quá lại lớn tiếng, trách mắng làm các con càng sợ hãi. Quả ngọt cần được bắt đầu từ những dạy dỗ mềm mại, ân cần. 

Một dạo, mạng xã hội chia sẻ clip một cô bé học sinh người Nhật cúi chào bác tài xế, chào cô giáo trước khi bước lên xe. Bé còn ngoan ngoãn lấy nước rửa tay khô xoa xoa hai bàn tay cho sạch rồi mới ngồi vào ghế.

Clip vài phút mà lan tỏa sự dễ thương ngọt ngào. Lời chào của con có thể làm mềm thế giới người lớn. Những đứa trẻ được sinh ra trong thế hệ này rồi sẽ tiếp tục trở thành những “rường cột tương lai”, là những “công dân toàn cầu”, thế hệ được trang bị công nghệ “tận răng”, với những ước mơ/thành tựu lớn, có thể là những thiên tài, cá nhân kiệt xuất.

Thế nhưng, đứa trẻ nào cũng cần phải được học trước nhất những điều đơn giản nhất, như là những lời chào hỏi người lớn, những tiếng “dạ, thưa”…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI