|
Có nhiều đám cưới do "yêu lâu thì cưới, bác sĩ bảo cưới, cha mẹ đồng ý thì cưới"... mà thiếu "nghi thức cầu hôn" (Ảnh minh họa) |
Hồi tôi mới cưới, chị dâu nhìn tay tôi rồi hỏi: “Sao em lại đeo 2 chiếc nhẫn?”. Khi biết 1 chiếc trong đó là nhẫn cầu hôn, chị buồn buồn: “Ôi, hồi ấy anh chẳng cầu hôn gì. Bố mẹ 2 bên giục, anh dẫn chị về, thế rồi cưới…”.
Dù đã biết chuyện này, nhưng khoảnh khắc ấy, tôi thấy rõ sự chạnh lòng của chị. Và vì tôi biết, chị không nằm trong số ít những người đã kết hôn trong tình cảnh như vậy.
Đa phần các cặp đôi Việt đều “yêu lâu rồi thì cưới thôi chứ làm gì”, hoặc gia đình giục cưới, "bác sĩ bảo cưới"… Họ xuất hiện trong đám cưới của mình như một lẽ dĩ nhiên. Họ cứ vậy mặc váy cưới, bước chân lên xe hoa, về một gia đình khác… mà chưa hề được người đàn ông cầu hôn.
Một đám cưới thường được "chốt" khi nhà trai bắt đầu đi xem tuổi, xem ngày cưới, chứ hiếm khi từ lúc chàng trai ngỏ ý: "Em có đồng ý làm vợ anh không?".
Trong bài hát Em đồng ý đang “làm mưa làm gió” mới đây của Đức Phúc, tôi nhớ mãi câu điệp khúc I’ll be waiting til I hear you say, I do! (Anh vẫn sẽ đợi chờ để nghe em nói rằng em đồng ý). Nhưng tôi cho rằng, mấu chốt không nằm ở cái gật đầu “I do” (Em đồng ý), nó nằm ở câu hỏi: "Do you?" (Em có đồng ý cưới anh không?).
|
Bài hát mới của Đức Phúc đã làm rộn ràng cộng đồng những người trẻ, vì nói ra khát khao của họ về một đám cưới lãng mạn, văn minh (Ảnh minh họa) |
Nhiều người có thể tranh luận rằng lựa chọn cầu hôn hay không là do khác biệt về văn hóa, rằng ở phương Đông, việc nhà trai mang trầu cau sang hỏi cưới cũng là một cách cầu hôn.
Nhưng tôi cho rằng, đó là cách 2 gia đình hỏi nhau, chứ thực chẳng phải 2 người trong cuộc đang hỏi nhau. Trong buổi dạm ngõ, đại diện nhà trai sẽ đứng lên hỏi bố mẹ cô dâu rằng xin phép cho 2 nhà qua lại, chứ đâu phải chàng trai hỏi xin sự đồng ý của cô gái?
Dẫu Đông hay Tây, tôi vẫn tin rằng chắc chắn người phụ nữ nào cũng muốn được nghe một lời cầu hôn - hay đúng hơn, một câu hỏi. Vấn đề không phải là đích xác đáp án, càng không phải là vì nhẫn, vì hoa hay khung cảnh lãng mạn...
Với phụ nữ, lời cầu hôn là sự trân trọng trọn vẹn và chân thành nhất từ phía người đàn ông họ chọn làm bạn đời. Nó là minh chứng rõ nhất cho một điều: quyền quyết định cuộc đời cô ấy nằm trong tay cô ấy.
Quyền quyết định, suy cho cùng, chẳng phải là bản chất của sự tự do hay sao?
Có người từng tâm sự với tôi, dù cô ấy muốn nắm tay bước vào lễ cưới với người kia lắm rồi, nhưng cô ấy chưa gật đầu khi anh ấy bàn chuyện đám cưới, vì vẫn thấy thiếu "nghi thức cầu hôn".
Quay lại với câu chuyện 2 chiếc nhẫn trên tay tôi, thực ra đó cũng chẳng phải một màn cầu hôn lãng mạn như phim.
“Yêu lâu thế rồi thì cưới đi, chẳng lẽ hai đứa cứ định lông bông thế đến bao giờ?”; “Cô mới đi xem ông thầy này, ông ấy bảo năm nay hai đứa được tuổi đấy”; “Hôm nào hai đứa dẫn hai nhà sang gặp nhau đi, còn bàn chuyện…” - tôi cũng đã từng rơi vào tình cảnh “cưới vì đến tuổi” như vậy.
Những lời giục giã đến vào thời điểm tôi chưa hề chuẩn bị tâm lý. “Mình sẽ cứ vậy mà lên xe hoa ư?” - Câu hỏi này khiến tôi hoang mang, thậm chí khủng hoảng.
Sau mấy ngày trời khóc lóc suy nghĩ, than vãn với bạn thân, rốt cuộc, tôi cứng rắn nói với bạn trai: “Chúng ta sẽ không cưới chỉ vì mẹ anh đã xem ngày, hay vì ta đã yêu nhau 10 năm. Em cần một lời cầu hôn, và em cần suy nghĩ. Chúng ta sẽ chỉ cưới khi em đồng ý lời cầu hôn, khi cả hai đã chắc chắn”.
|
Có người cảm thấy không được cầu hôn như thiếu đi sự tôn trọng tối thiểu (Ảnh minh họa) |
Sự chạnh lòng, tiếc nuối của chị dâu tôi, hay nhiều người phụ nữ khác đến từ rất nhiều nguyên nhân. Có thể vì họ thấy buồn khi đã khiếm khuyết một khoảnh khắc trọng đại trong đời. Có thể họ nuối tiếc vì chưa được trao cơ hội suy nghĩ thật kỹ trước một quyết định lớn. Và phần nhiều, có lẽ họ chạnh lòng vì cảm giác thua thiệt, "thiếu thiếu gì đó".
Có người lại cảm thấy rõ rệt sự thiếu hụt cho một sự tôn trọng tối thiểu. Có người, thấy lo lắng, chưa rõ liệu nửa kia có sẵn sàng cho cuộc hôn nhân hay không. Có người, như tôi chẳng hạn, cảm thấy thiếu thời gian, cơ hội suy nghĩ kỹ trước một quyết định lớn.
Đúng vậy, với chúng tôi, lời cầu hôn rất quan trọng! Đó là minh chứng vững chắc nhất cho lời cam kết, khẳng định: Anh đã sẵn sàng để sát vai cùng em trong hành trình tiếp theo. Đó là dấu mốc, là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho cuộc hôn nhân của hai người. Đừng để cả 2 bước vào hành trình dài mà vẫn mông lung, “thiếu thiếu” điều gì đó.
Lâm Anh