Lời cảnh báo từ thất bại của Fan cuồng

30/07/2016 - 06:28

PNO - Thị trường điện ảnh đang chứng kiến sự tham gia của rất nhiều nhà sản xuất mới, nhiều đạo diễn lần đầu thử sức với phim chiếu rạp. Cú ngã ngựa của Fan cuồng như lời nhắc nhở cần thiết đối với những “tân binh” làng...

Sau hai tuần ra rạp, bộ phim Fan cuồng (đạo diễn Charlie Nguyễn) thu hơn 18 tỷ đồng. Đây là con số không như mong đợi vì kinh phí làm phim lên đến 26 tỷ đồng, và đoàn phim là ê kíp (với bộ đôi chính Charlie Nguyễn-diễn viên Thái Hòa) từng tạo ra những tác phẩm đạt doanh thu “khủng” như Long ruồi, Tèo em, Để Mai tính 2. Thất bại của Fan cuồng không nằm ở tay nghề đạo diễn, đề tài rock khó gần với số đông hay cái tên Thái Hòa đã giảm sức hút, mà ở chỗ quy trình làm phim có vấn đề.

Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, Fan cuồng được ấn định thời điểm phát hành vào tháng 7/2016 khi mà kịch bản phim còn chưa hoàn chỉnh. Chính mốc thời gian phát hành đã buộc đoàn phim vào thế “phóng lao phải theo lao” nếu không muốn lỡ lịch ra rạp. Nếu như trước đây phim Việt sản xuất xong mới tìm ngày chiếu thì giờ, với tình hình phim chiếu rạp ngày càng nhiều (mỗi tuần trung bình có đến bốn phim nội-ngoại mới), các nhà sản xuất phải “xí” lịch phát hành trước khi sản xuất. Một khi phim không hoàn thành đúng tiến độ ra rạp, nhà sản xuất sẽ rất vất vả để chen chân, tìm lịch chiếu mới, nghĩa là thời gian hoàn vốn càng kéo dài. Vì vậy hiện tượng nhiều phim giờ chót không qua được cửa kiểm duyệt để trình chiếu đúng thời gian ngày càng phổ biến, khiến khán giả nôn nao chờ đón bỗng chưng hửng.

Loi canh bao tu that bai cua Fan cuong
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biế t những cảnh đinh trong Fan cuồng như cảnh trong nhà hàng Mỹ Kỳ này lẽ ra nên ghi hình ở những tuần cuối sẽ hiệu quả về mặt cảm xúc hơn thay vì quay ngay ba bốn ngày đầu bấm máy

Quy trình nghiệt ngã này đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với Fan cuồng. Đạo diễn Charlie Nguyễn bộc bạch: “Chuyện tình cảm tay ba của Gia Nghị-Mỹ Kỳ-Thái nên ướt át hơn, sự sụp đổ của nhóm Sexy Beast cần thê thảm hơn, yếu tố du hành vượt thời gian còn nhiều điểm phi logic. Những sơ suất này tôi thấy hết khi phim còn trên trường quay nhưng không thể sửa chữa vì không đủ thời gian. Các chuyên viên nước ngoài đã sang, bối cảnh đã đặt lịch quay, nếu lùi ngày bấm máy sẽ không kịp thời gian phát hành nên chỉ còn cách vừa quay vừa tranh thủ tối đa thời gian rảnh để trau chuốt kịch bản. Quy trình làm phim chuyên nghiệp lẽ ra không nên để xảy ra điều này”.

Sự cập rập cũng khiến đoàn phim không đủ thời gian để tìm người thay thế Phạm Anh Khoa - người được nhắm sẵn cho vai Gia Nghị - khi ca sĩ này từ chối. Diễn viên Johnny Trí Nguyễn vào thay và cũng như nhiều phim trước (trừ Dòng máu anh hùng), anh tiếp tục bộc lộ diễn xuất còn hạn chế ở dạng vai cần nhiều biểu cảm tâm lý. Chẳng thể trách Johnny Trí Nguyễn không biết lượng sức mình bởi dù sao anh cũng chỉ đang “cứu bồ” cho người anh trai đạo diễn của mình trước sức ép thời gian.

Có thể nói Fan cuồng hội tụ đủ những điều kiện lý tưởng đối với một bộ phim: nhà sản xuất chuyên nghiệp (hãng phim Chánh Phương, đã sản xuất các phim ăn khách Dòng máu anh hùng, Cưới ngay kẻo lỡ, Để Mai tính 2, Tèo em…), đầu tư tốn kém (26 tỷ đồng), sở hữu bộ đôi ăn ý và ăn khách Charlie Nguyễn-Thái Hòa, ê kíp có nhiều chuyên viên nước ngoài, được sự hậu thuẫn của đơn vị phát hành mạnh CGV, có chiến dịch quảng bá rầm rộ. Nhưng rốt cuộc, “bom tấn” Fan cuồng đã thành “bom xịt”.

Sự dấn thân, bỏ sở trường làm phim hài, thử sức với đề tài khó của ê kíp mà đứng đầu là đạo diễn Charlie Nguyễn là đáng hoan nghênh, nhưng khi sự mạo hiểm đó không đi kèm với sự chuẩn bị kỹ càng mọi thứ thì là liều lĩnh. Khó tin một tác phẩm điện ảnh tốn kém lại được triển khai chóng vánh khi mà nền tảng cơ bản nhất là kịch bản còn chưa hoàn thiện, chỉ có mỗi sự “bảo chứng” là cái tên “ông vua phòng vé” Thái Hòa. Tuy nhiên, “ông vua phòng vé” cũng có thể trở thành “thuốc độc phòng vé” một khi nhận phải vai diễn không hay, không được xây dựng tốt từ trên giấy.

Đáng lo là việc ỷ lại vào tên tuổi một ngôi sao đang là công thức được nhiều đoàn phim áp dụng. Ngoài Thái Hòa, những cái tên Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang… cũng trở thành át chủ bài của nhiều bộ phim gần đây. Thất bại của Fan cuồng và Thái Hòa xem như một lời cảnh báo cho chiêu dùng “sao” câu khách trong phim Việt hiện nay. Bởi dù diễn giỏi và được yêu thích đến mấy thì một diễn viên vẫn không thể cứu nổi một bộ phim có kịch bản yếu.

Từ Fan cuồng, chuyện đặt tên phim cũng là một bài học đáng nhớ. Đạo diễn Charlie Nguyễn thừa nhận: “Tựa phim Fan cuồng cũng có lỗi, khiến người xem lầm lẫn đây là bộ phim hài, với nhiều tình huống điên loạn gây cười chứ không phải một phim tình cảm nên họ thất vọng khi thấy phim quá nghiêm túc, ít chi tiết hài như các phim trước đây tôi làm”. Việc lựa chọn tên phim thiếu chăm chút khá phổ biến trong làng phim Việt hiện nay. Một khi tên phim không tạo được thiện cảm hay định hướng sai về tác phẩ m sẽ ảnh hưởng không ít đến sức hút trên phòng vé.

Phim Việt đang trên đà tăng trưởng không ngừng về số lượng, từ 40 phim của năm 2015 dự kiến sẽ lên 60 phim trong năm nay. Thị trường điện ảnh đang chứng kiến sự tham gia của rất nhiều nhà sản xuất mới, nhiều đạo diễn lần đầu thử sức với phim chiếu rạp. Cú ngã ngựa của Fan cuồng như lời nhắc nhở cần thiết đối với những “tân binh” làng phim.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI