Lời cảnh báo 'thứ n' cho các đô thị

12/12/2018 - 14:00

PNO - Vụ việc điện giật chết người trong mưa ở TP.Đà Nẵng là lời cảnh báo cho TP.HCM và TP.Hà Nội - vốn đang ngổn ngang, khó kiểm soát về hạ tầng.

Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về vấn đề quản lý đô thị, văn hóa đô thị.

* Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, Chủ tịch Javinet chương trình hợp tác Việt - Nhật:

“Vấn đề của mình là không thấy vấn đề gì quan trọng hết”

Loi canh bao 'thu n' cho cac do thi
TS Nguyễn Trí Dũng

Chuyện thương tâm xảy ra trong đợt mưa lũ vừa qua ở Đà Nẵng, nói một cách đơn giản nhất là, cơ quan quản lý nhà nước về đô thị có thật sự muốn cùng với người dân giải quyết các tồn tại đó hay không mà thôi.

Tai nạn kiểu này đâu phải lần đầu, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra trong tương lai, nếu tình trạng quản lý cứ như thế này. Chuyện vướng dây điện vắt ngang đường cũng tương tự như ngập nước, kẹt xe, rác thải khắp nơi, công trình hạ tầng ngổn ngang. Muốn giải quyết, phải tổ chức nghiên cứu triệt để và làm nghiêm túc.

Vấn đề văn hóa giao thông cũng tương tự. Khi trao đổi với đại diện nhiều cơ quan chức năng ở Việt Nam, tôi thấy họ chưa đủ quyết tâm nghiên cứu, giải quyết. Có những vấn đề đôi khi chỉ “nhỏ” như việc chôn rác, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhưng tác hại lâu dài ảnh hưởng đến hàng triệu người dân đô thị, mà mình có thấy quan trọng đâu! Vấn đề là mình không thấy vấn đề gì quan trọng hết cả.

Trong đó, nhiều vấn đề cũng không phải ngoài khả năng của chúng ta. Hãy khoan nói đến đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Chúng ta cần hành động, thực hiện làm sao cho người dân thấy an tâm thực sự trong sinh hoạt hằng ngày và từ đó tin tưởng vào xã hội mình đang sống.

Ở Nhật Bản hay ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, vấn đề trách nhiệm rất lớn. Khi xảy ra một vụ việc như vậy, ai chịu trách nhiệm, phải rõ ràng. Ở mình, có ai chịu trách nhiệm gì đâu? Đơn vị, cá nhân nào phải có trách nhiệm trả lời công chúng và có trách nhiệm với vụ việc?

Nhiều học trò tôi chia sẻ: “Mỗi sáng ra đường, em hay bị xuống tinh thần ghê gớm. Nhìn cảnh mọi người di chuyển trên đường một cách vô trật tự thì có thể hình dung được tính tuân thủ ở Việt Nam đang như thế nào. Sinh hoạt hằng ngày mà còn như vậy thì nói chi đến chuyện tuân thủ những vấn đề xã hội khác trọng đại hơn? Lẽ nào người Việt Nam mình cứ mãi vậy sao?”.

Cái chết tức tưởi của người dân trong mưa lũ do bị điện giật khiến ta ngao ngán, không biết đến bao giờ trình độ quản lý của đất nước mình thực sự phục vụ tốt cho người dân.

* Ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA):

Cần giáo dục về trách nhiệm trong công vụ

Loi canh bao 'thu n' cho cac do thi
Ông Trần Nhật Minh

Theo tôi, vụ việc thể hiện cả trách nhiệm dân sự lẫn hình sự của những người quản lý trực tiếp ở khu vực để xảy ra tai nạn.

Không chỉ có tai nạn điện, còn nhiều hình thức tai nạn khác khi mưa xuống như sụt hố nước, lọt hầm ga… Các quy định xung quanh các công trình công cộng đã có rồi thì phải thực thi.

Thực tế cho thấy, cần tăng cường thực thi các quy định hiện hành về cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực giao thông công cộng.

Theo tôi, cần phải có chương trình riêng nâng cao ý thức trách nhiệm của công nhân ngành điện.

Nếu tổng hợp các trường hợp tai nạn điện đô thị, phân tích nguyên nhân, tôi cho rằng, nhiều nhà quản lý công cộng vẫn chưa có ý thức đào tạo về trách nhiệm công ích cho người lao động mà họ sử dụng trong các tác vụ công. Vì vậy, cần phải có các chương trình nâng cao ý thức này.

Quốc Ngọc ghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI