Hình má rõ từng vết nhăn, gương mặt nửa đời chìm trong nước mắt còn lưu dấu nỗi đau đâu đó giữa những vết chân chim và dấu đồi mồi như bao người đàn bà ở thế hệ má. Dáng hình ấy bất động, phóng to giữa màn hình sân khấu khi ca sĩ Đức Tuấn hát: “Tôi muốn làm ngọn gió/ để đến bên mẹ/ hôn lên đôi mắt/ hằn sâu dấu chân chim…”. Hội trường không một ánh đèn. Đứng sau lưng tôi ở dãy cuối hội trường, một vị cán bộ trong ban tổ chức thẫn thờ nhắc lại lời của MC Quỳnh Trâm trước đó: “7 ngày, mất 3 đứa con trai...”.
Đức Tuấn vẫn hát “Tôi muốn làm hạt nắng/ để đến bên mẹ/ ươm lên mái tóc để tóc sáng lóng lánh”. Từng tấm bằng “Tổ quốc ghi công” ba người trai ấy lần lượt hiện ra trong cái lặng người của cả khán phòng bên dưới.
|
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm xúc động tặng hoa cùng lời tri ân đến chị Phan Thị Thắm - con gái của liệt sĩ Trần Thị Hết |
Những ngày này, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 liên tục được gợi nhắc ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng riêng ở Hội trường Thành phố chiều 5/2, trong chương trình họp mặt kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 “Tri ân và tiếp bước” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức, “Mậu Thân” trở thành cái tên cũ của một cuộc trùng phùng mới.
Và giữa cuộc trùng phùng của 700 nhân chứng, những người mẹ, người con, người cháu và những vị lãnh đạo thành phố - Mậu Thân 1968 đã trở thành những câu chuyện kể từ những mái nhà, lướt cả qua những “chương” đã im lìm bom đạn. Những ngày tháng bi hùng ấy vẫn lặng lẽ len lên nỗi đau lẫn tình yêu được hun đúc từ chính những nghịch-cảnh-được-chọn - điều mà muôn đời đất nước vẫn kính cẩn gọi là “hy sinh”.
Những dòng trần thuật rất thật được đọc lên bởi MC Quỳnh Trâm, hay từ những nhân chứng chất phác, đều giàu sức nén: “Bảy ngày, mất ba người con”, “Đêm văn nghệ rợp cờ đỏ, hào hùng tiếng hô “quyết chiến!” giữa sân trường học của chính quyền quốc gia”, hay lời kể bình thản “Tôi khi ấy 7 tuổi, chạy lại tìm mẹ giữa cánh đồng đầy xác người”.
MC Quỳnh Trâm hơn một lần khó nhọc kết nối mạch chuyện, trong những giọt nước mắt tri ân và thấu cảm của người tham dự. Trong cái bi hùng ngập tràn từ cả không gian âm nhạc lẫn hình ảnh, người ta vẫn bàng hoàng theo từng tình tiết tiếp theo của mỗi câu chuyện.
Như cuộc đau đáu đợi tin kết thúc bằng chính nỗi đau mà lòng mẹ đã trải suốt những ngày thấp thỏm mong con.
Cũng những năm 1960, má Trương Thuận Huê mất chồng, phải một mình nuôi 10 người con. Ở khu Lò Siêu - Chợ Lớn cũ, giữa cảnh lam lũ chạy lo từng bữa cơm, má Huê lặng lẽ nhận thấy 5 đứa con lần lượt thoát ly theo cách mạng. Mỗi đêm, nằm trên cái chõng ở gian nhà trước, thấy đứa con cả se sẽ dắt em đi; bà lại dằn lòng im lặng, để sáng mai lại nghe người ta râm ran về “mấy thằng Việt cộng rải truyền đơn đầy đường”.
Đêm nào cũng vậy, cứ đến chừng 2g mà thấy có đứa chưa về, “đếm” con thấy “thiếu”, má lại ra sau nhà đứng ngó chừng. Những ngày ấy, chị Dương Tú Phụng, con gái thứ năm của má cứ sáng sáng thấy cảnh người mẹ tháo vát lầm lũi sau nhà, mắt đỏ hoe thì lại biết là đêm qua các anh chưa về “đủ”.
Những người phụ nữ còn lại vẫn chia nhau việc nhà; nhưng câm lặng, cô độc trong cái “bí mật chung” mà cắn răng không nói với nhau nửa lời, sợ “lỡ má chưa biết”, hay lo “đứa con gái vụng về không giữ được bí mật”. Đến khi các anh “công khai” với má chuyện “theo cách mạng”, má mới chậm rãi nói mấy câu: “Các con không “đi”, ở nhà cũng bị bắt lính. Má không cần con cái báo đáp gì, miễn con thỏa chí hướng của con là má vui rồi…”
Những tháng ngày tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, các anh đi biền biệt. Ở nhà, đêm nào má cũng lặng nghe động tĩnh, mà tự mình tranh đấu với những hình dung khốc liệt nhất về từng đứa con ngoài chiến trận. Những hình dung oan nghiệt ấy rồi trở thành sự thật.
Ngày 8/5/1968, đồng chí Dương Hiền Thơ hy sinh.
Ngày 10/5/1968, đồng chí Dương Quy hy sinh.
Ngày 15/5/1968, đồng chí Dương Giai hy sinh.
Sau giải phóng, đón hai người con Dương Trường Lập và Dương Bình trở về, má vừa vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ thì lại giật mình “đếm con”, rồi chết ngất khi nghe Lập thừa nhận: “Anh Quy, anh Giai cũng hy sinh rồi”. Thanh xuân của má dành trọn cho những cuộc hạnh ngộ ngắn ngủi và những đợi trông đằng đẵng.
Như những lần “gặp mẹ” kỳ lạ, vừa thảng thốt vui mừng đã ngằn ngặt tiếng khóc mồ côi.
Trong “Đêm trắng Vĩnh Lộc” có 32 nữ dân công hỏa tuyến hy sinh ở Bưng Láng Sáu (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM), tôi hay nghe má Nguyễn Thị Khỏi kể về cái phút sinh tử náo loạn cả khúc đồng, khi “các chị” thảng thốt căn dặn những đồng đội đã chạy thoát lên bờ. Trong đó, có tiếng chị Trần Thị Hết nói dồn: “Mày về nhắn má tao nuôi giùm con tao!”.
Lời căn dặn đó ám ảnh cả một đời má Khỏi và làm rớt nước mắt những người từng nghe má kể đến đoạn ấy. Nhưng, đến chiều 5/2, trong chương trình “Tri ân và tiếp bước”, tôi mới thảng thốt nhận ra, lời sau cùng ấy thực sự chứa đựng số phận của hai con người - là hai đứa con mà má Hết trao gửi.
Đứng giữa hội trường, chị Phan Thị Thắm nhớ lại cái đêm cách đây tròn 50 năm. Suốt đêm vắng mẹ, chị Thắm cùng chị gái là chị Phan Thị Đằm dỗ nhau ngủ ở nhà ngoại. Sáng, thấy mẹ không về, Thắm không chịu theo chị sang hàng xóm, ngồi lỳ ở nhà, chực chờ dáng mẹ từ đầu ngõ. Nhưng mẹ không về, người hàng xóm hốt hoảng chạy sang nói như la làng mấy câu gì đó. Thấy chị Thắm, ông nói thất thần: “Ra đồng nhận mẹ đi!”.
Người lớn trong nhà sấp ngửa chạy đi. Chạy theo ra đến đồng Bưng Láng Sáu, Thắm thấy người làng tập trung khá đông, lật tìm từng người trong những xác chết nằm đó. Khi người nhà vẫn ngơ ngác, Thắm chạy một mạch lại bên xác người phụ nữ đang nằm đó, chỉ vào đôi bông tai quen thuộc, kêu to: “Mẹ! Mẹ con đây!”.
Lần “gặp mẹ” cuối cùng cũng là lần đầu chị Thắm biết cảnh tử biệt. Hồi đó là tháng 6/1968, chị 7 tuổi. Đến tháng 10, gia đình lại nhận tin ba chị hy sinh. Hai chị em Đằm - Thắm lãnh trọn nghĩa cái chữ “mồ côi” mà người ta hay tặc lưỡi nói từ ngày má chị hy sinh.
Hay những cuộc hạnh ngộ máu mủ mà tủi mừng trong những khập khiễng, tréo ngoe. Chia ly nhỏ để hoạt động cách mạng, đến năm 1973, khi tổ chức cần một gia đình ba thế hệ sống chung để làm bình phong, che mắt địch, gia đình bà Diệp Tú Anh được lệnh đoàn tụ để làm nhiệm vụ.
Ở ngay tại thành phố với nhiệm vụ của một nữ biệt động thành, bà Tú Anh đón con trai nhỏ Diệp Dũng từ Đà Nẵng vào, con trai lớn Diệp Tuấn từ Nam Vang về. Gặp nhau giữa Sài Gòn, mẹ con, anh em chưa kịp vui mừng đã vấp phải rào cản ngôn ngữ, khi Diệp Tuấn chỉ biết tiếng Khmer, Diệp Dũng nói được tiếng Việt giọng Đà Nẵng, chỉ có người mẹ quen dùng cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt. Giao tiếp gia đình không gặp trở ngại, bởi hai anh em trai dù xa cách lâu năm, lại bất đồng ngôn ngữ, nhưng vẫn gần gũi, chơi chung được.
Chỉ có việc “che mắt địch” là hơi trở ngại, khi gia đình không dùng cùng một ngôn ngữ. Vậy nên, suốt thời gian dài sau cuộc đoàn tụ, bà Diệp Tú Anh dành toàn bộ thời gian rỗi việc, để bí mật dạy tiếng cho con.
|
Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung trong vòng tay yêu thương, hạnh phúc của bà Diệp Tú Anh - dứng cạnh là hai người con trai Diệp Tuấn và Diệp Dũng |
Và những phút giây hào hùng đồng hiện với bí mật vẻ vang chỉ một lần được trải qua trong đời của Đêm văn nghệ Quang Trung trong lời kể của kỹ sư Trần Thiện Tứ, hay những chia sẻ trong sáng, những lời hẹn đầy sức sống mới của những “truyền nhân cách mạng thời phát triển đất nước” của em Lê Ngọc Mai Uyên - cháu nội anh hùng Lê Thị Riêng.
Trên tất cả những lời thề “tiếp bước”, sự có mặt của Uyên là hiện ảnh chân thật nhất về sự tiếp nối, truyền trao. 50 năm đã qua, sự tiếp nối thế hệ tưởng chừng “đứt gãy” khi ba Uyên sớm qua đời. Nhưng mỗi lần họp mặt, Uyên còn được nhìn thấy ở nhà chú mình một kỷ vật thiêng liêng của đại gia đình, đó là chiếc va-li màu da bò của bà nội Lê Thị Riêng.
Chiếc va-li chứa đựng những lá thư viết tay bà nội Uyên gửi cho bà Mai Khanh - phu nhân đồng chí Phạm Hùng, hỏi thăm hai đứa con trai. Lá thư gửi từ Nam Vang (Campuchia) vào ngày 14/5/1964 viết: “Chúng nó còn nhắc mẹ không chị? Công nay đã viết được chữ chưa? Mong được thơ chúng nó xem học hành ra sao”.
Trước những khoảnh khắc của lịch sử, của đời người ấy, biết nói gì hơn một lời cảm tạ? Nói như bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM: “Cuộc họp mặt này là sự thành kính tri ân những con người đã ngã xuống, tri ân những con người thầm lặng gánh chịu những mất mát của chiến tranh, để san sẻ tình riêng cho vận mệnh chung, để đâu đó vẫn chấp nhận cả những thiệt thòi chưa kịp bù đắp trong thời hậu chiến.
Lòng biết ơn sẽ dẫn dắt những bước đi, những sự tiếp nối để làm sao sống cho xứng đáng, cho không hổ thẹn trước những hy sinh để làm nên chiến thắng của thế hệ trước mà thế hệ sau được nhận lãnh, truyền trao và thụ hưởng”. Đó là lời phát biểu của hậu thế, thay cho cảm tạ của non sông.
Thanh Tân - Nghi Anh