Hôm nước ở nhà vừa rút, xung quanh tôi là phố xá xác xơ, làng mạc tiêu điều. Con đường mới hôm rồi đám trẻ nít chạy nhảy giờ bà con chèo đò qua lại. Những nơi nước vừa rút, cây cối bạc màu, bắt đầu mục rữa. Bùn đóng từng lớp, cào hoài cào mãi không đi. Nhiều vùng khác, dấu vết của làng mạc là một màu bàng bạc, ảm đạm. Nhà cửa đổ nát, bếp núc không còn một cái xoong hay chén bát nào. Rất nhiều ngôi trường tan hoang, sách vở học trò ướt nhẹp, hư hao.
Chị bạn là giáo viên, vừa dọn lũ nhà mình, vừa cào bùn ở trường, bảo thương quá đám học trò chừ chẳng biết lấy chi để học hành tiếp. Tưởng như chẳng còn lại gì, không một thứ gì trọn vẹn. Cho đến hôm rồi, khi cầm trên tay chiếc bánh tét được gửi từ Đắk Lắk với dòng chữ “Miền Trung cố lên”, chị bật khóc ngon lành. Rốt cuộc, thứ người miền Trung có được lúc này chính là vô vàn sự sẻ chia và yêu thương thiết tha từ mọi miền đất nước. Thứ chi không biết, chứ yêu thương, thường đọng lại lâu lắm.
Mỗi người con miền Trung luôn khắc ghi nghĩa đồng bào trong bão lũ… - Ảnh: Internet
Tưởng chừng năm 2020 là con số tròn trĩnh nhiều may mắn nhưng không ngờ lại quá khó khăn. Chúng ta trải qua cơn đại dịch và những hệ lụy ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ai cũng chật vật, lao đao, nhiều người lâu rồi không nhận lương, nhiều người làm ăn thua lỗ. Thế nhưng, khi nhìn thấy những mái nhà miền Trung chìm trong nước, của cải dành dụm cả đời trôi theo cơn lũ liên miên vừa rồi… Bao nhiêu người chẳng tiếc công và không tiếc của, họ mang về cho miền Trung sự ấm áp vô cùng.
Một cụ già xách thùng mì tôm gửi đoàn cứu trợ. Em bé lấy tiền tiết kiệm gửi cho bạn nhỏ miền Trung mua sách vở. Từng xóm nhỏ thức thâu đêm gói bánh. Từng cá nhân đoàn thể chắt chiu tiết kiệm từng đồng, gom hàng hóa, soạn áo quần, phân chia gọn gàng. Mấy bác tài xế chở hàng cứu trợ xuyên đêm, đói và lạnh nhưng chỉ dừng chân uống nước và ăn bánh mì. Không ruột rà, chẳng thân quen, từ người nổi tiếng đến một công dân bình thường, bao người sẵn sàng bỏ dở công việc, dành thời gian, tâm sức hướng về miền Trung bởi tiếng gọi chung của hai chữ đồng bào, bởi sự thôi thúc của lòng trắc ẩn.
Tôi có chị bạn vừa mở quán cơm, khai trương mấy hôm thì gặp giãn cách xã hội nên bán buôn khó khăn. Vậy mà, chị sẵn sàng mời cơm các đoàn cứu trợ. Chị bảo, họ cực nhọc về giúp quê mình thì mình tiếc chi mấy bữa cơm. Quán cơm mang tên Quảng Trị của anh sếp cũ cũng vậy, anh tạm gác kinh doanh để tập trung nấu cơm chào đón tất cả đoàn thiện nguyện về miền Trung.
Những khách sạn miễn phí chỗ ngủ, nhiều bạn trẻ gác công việc để hỗ trợ đón đưa, phụ việc cùng đoàn thiện nguyện ở tỉnh khác. Một mệ già từ chối nhận quà vì đã nhận đủ, mệ bảo nhường lại cho người khác dù căn nhà của mệ lúc này đã xiêu vẹo. Hội chị em phụ nữ thì túc trực trong bếp, nấu cơm canh nóng hổi đưa đến tay người dân đang bị cô lập. Còn bao câu chuyện thầm lặng khác để chúng ta tin vào những yêu thương chân thành, tin vào sẻ chia không nghi ngại giữa người và người lúc nguy nan.
Hôm rồi, lũ vào nhà, gấp gáp quá dì phải sang trú nhà hàng xóm. Bình thường, dì và hàng xóm hiếm dịp chuyện trò, lại khá xa cách bởi suy nghĩ khác biệt. Dì nói, ở nhờ vài ngày, ăn chung vài bữa thấy tình cảm khắng khít hơn, hiểu ra họ không hề xa cách như mình tưởng. Xóm tôi cũng vậy, mọi người tập trung ăn uống, chia sẻ từng hộp sữa cho các em bé, cho nhau từng cái đèn pin khi mất điện. Người trong xóm nhỏ cùng nhau thức khuya, chuyện trò để canh nước lên. Vậy là người miền Trung nhận được tình cảm từ trong lẫn ngoài, từ gần đến xa.
Hẳn nhiều người như tôi, từng ước ao giá như mình giàu có, no đủ hơn để có thể giúp nhiều người khác. Bạn bảo có hàng ngàn xe chở hàng cứu trợ, hàng vạn người đang giúp về tiền bạc, vật chất nhưng sự thiệt hại về kinh tế của miền Trung dễ gì bù đắp nổi. Thật vậy, trước sức tàn phá của cơn lũ ác nghiệt vừa rồi, cơ ngơi xây đắp của nhiều gia đình đã hoàn toàn đổ sông đổ bể. Có điều, tôi nghĩ về mặt tinh thần, người miền Trung chúng tôi đã nhận về rất đủ đầy và quá trọn vẹn.
Như chị bạn được ăn miếng bánh tét gửi từ miền xa, chị bảo đó là miếng bánh ngon nhất từng ăn. Bởi từ khâu chọn nguyên liệu đến công ngồi gói, ngồi canh lửa, công chuyên chở, đồng bào ở đó đã làm với tất cả trái tim và ân tình của họ. Từ tấm áo manh quần, từ chai dầu ăn, chai nước mắm hay gói mì tôm và những đồng tiền chắt chiu tiết kiệm, tất thảy là sự chu đáo đong đầy sẻ chia bất tận.
Là một người con của miền Trung, rưng rưng trong sâu thẳm lòng mình, thật biết ơn và cảm ơn đồng bào cả nước. Mỗi người chúng tôi tự tâm khảm vô cùng trân trọng và luôn khắc ghi nghĩa đồng bào trọn yêu thương này…