Lời cảm ơn cắt ngàn nhát dao vào tình cha con

14/04/2025 - 19:00

PNO - Ông tôi viết lời cảm ơn xa lạ và nhức nhối: "Cảm ơn thí chủ đã giúp đỡ kẻ nghèo hèn suốt thời gian qua. Kẻ cơ nhỡ này không bao giờ quên ơn..."

ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà mất sớm, ông nội về sống cùng gia đình tôi. Dù ba mẹ không khá giả (mẹ tôi là giáo viên, ba là công nhân đường sắt) nhưng ba mẹ chăm sóc ông chu đáo hết mức có thể.

Mẹ tìm mua vải lụa may vài bộ đồ cho ông mặc đẹp và thoải mái nhất. Ba cẩn thận đẽo một chiếc gậy từ tre ngà để ông tiện đi lại. Trong túi ông lúc nào cũng có tiền để thong thả trà nước với bạn bè. Nhà lúc nào cũng có sữa, để tha hồ chế biến đủ món ông thích: sữa pha bia, sữa vắt chanh… Ba mẹ còn tìm các câu lạc bộ người cao tuổi, đặt lịch gội đầu, lấy ráy tai cho ông - những dịch vụ xa lạ ở quê thời ấy.

Tối đến, anh em chúng tôi phải học bài thật khẽ, nói chuyện thật nhỏ để ông ngủ ngon, bởi người già thường đi ngủ sớm và khó ngủ. Mâm cơm ngày nào chúng tôi cũng dọn sẵn 3-4 món hợp khẩu vị ông. Mỗi năm, ba mẹ đưa ông về quê 4-5 lần, dù quãng đường 300km không hề nhẹ nhàng với túi tiền gia đình. Tất cả để ông được vui.

Nhưng rồi, chỉ một chuyện nhỏ đã làm mọi thứ thay đổi. Tháng 8 năm ấy, ông muốn về quê. Ba đắn đo rồi khuyên ông chưa nên đi vì năm nay đã đi lại nhiều, tốn kém không ít. Hơn nữa, tháng 10 cũng phải về quê dự một lễ lớn, lúc đó việc trở về sẽ thuận tiện hơn. Lời khuyên xuất phát từ sự lo toan, nhưng lại vô tình làm tổn thương ông.

Ông tôi giận. Giận đến nỗi thu dọn áo quần, không cần đến chiếc vali ba mua, mà gói tất cả vào chiếc võng dù, chống gậy ra đi. Mẹ tôi chạy theo níu kéo không được, chỉ kịp bắt xe cho ông và dúi vào tay ông vài triệu đồng tiền đi đường.

Sau khi dự lễ ở quê, ông không trở lại nhà tôi mà vào Nam sống cùng con trai út. Và rồi, một lá thư gửi về nhà tôi. Bức thư ấy không một lời trách móc, không một câu nặng nề. Chỉ là lời cảm ơn xa lạ và nhức nhối: "Cảm ơn thí chủ đã giúp đỡ kẻ nghèo hèn này suốt thời gian qua. Kẻ cơ nhỡ này sẽ không bao giờ quên ơn thí chủ..."

Ba tôi cầm thư, mắt rưng rưng nước. Ông tôi không còn xem ba mẹ là con cháu, mà chỉ là "thí chủ" ban ơn cho một người qua đường. Lâu lắm tôi mới thấy ba khóc. Mẹ tôi im lặng. Một sự im lặng chất chứa nỗi đau của người vợ chứng kiến chồng bị cha ruột từ bỏ.

Từ đó, giữa ba và ông là một khoảng cách vô hình. Ba vẫn chu toàn chuyện ở quê, nhưng không vào Nam thăm ông. Ông cũng chẳng về quê nữa. Ba gọi điện vài lần, nhưng ông không nghe điện thoại. Rồi ba cũng thôi, không còn liên lạc.

Năm tháng trôi qua trong im lặng. Rồi ba tôi mất vì cơn tai biến bất ngờ. Tin báo tới, ông nội tôi sững sờ, nhưng đã quá muộn. Ngần ấy năm, cha con chưa kịp nói với nhau một lời nào, ngay cả cơ hội cuối cùng cũng không còn nữa. Ông già rồi, không thể về chịu tang. Chỉ ngồi lặng, như một cái bóng.

"Ra năm khỏe ông về…", đó là nội dung cuộc gọi đầu tiên kể ngày ông gửi tới chúng tôi bức thư "cảm ơn thí chủ". Lời hứa ông sẽ ra thăm mẹ và mấy đứa cháu chưa thành thì ông bệnh nặng và mất.

Rốt cuộc, suốt những năm tháng đó, giữa ba và ông tôi chưa từng có một lời hòa giải. Lớn lên, tôi vẫn bị ám ảnh bởi bức thư năm nào. Và cứ nghĩ đi nghĩ lại về nỗi đau của ba, của ông. Để rồi cuối cùng, tất cả chỉ còn là một khoảng cách vô hình, mãi mãi.

Ngọc Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lexixo Cách đây 2 ngày

    Ba bạn không có lỗi, cái lỗi của ba mẹ bạn là quá chu toàn với ông, bất kể hoàn cảnh kinh tế của gia đình, khi ông ở cùng gia đình bạn, đến nỗi ông nghĩ những điều đó là hiển nhiên, được cưng chiều quá nên ông của bạn đã không còn nhận ra những cơ cực của con cháu khi phải phụng dưỡng mình. Mẹ mình, còn không nỡ ăn ngon một mình khi con cháu không cùng ăn kìa. Âu cũng là một bài học, cái gì quá tốt cũng không tốt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI