Xe đắt tiền thành sắt vụn
Ghi nhận tại bãi tạm giữ xe vi phạm của Công an TP Thủ Đức (TPHCM) trên đường Thống Nhất (phường Bình Thọ), hàng ngàn xe máy, xe ba gác... được dựng san sát nhau, chật kín, bít lối đi. Do không có mái che nên các phương tiện bị phơi mưa nắng, lâu ngày trở nên cũ nát, gỉ sét, hư hỏng... Tại bãi xe này từng xảy ra hỏa hoạn vào năm 2021.
Kho tang vật lớn nhất của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TPHCM (tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) rộng hơn 20.000m2 với 9 khối nhà 2 tầng có mái che, từ lâu cũng đã quá tải, vô số xe phải xếp ngoài trời, nhiều xe nằm chỏng chơ mặc cho dây leo đeo bám.
Tại các vách tường rào, xe máy được chất đống cao 4 - 5m, tựa đống sắt vụn. Nhiều xe có giá trị như Vespa, Vision, Exciter và ô tô đều cùng số phận dãi nắng dầm sương.
|
Bãi tạm giữ xe vi phạm của Công an TP Thủ Đức (TPHCM) quá tải, cả ngàn xe phơi mưa nắng |
Tại giao lộ Võ Trần Chí - Hồ Văn Long, bãi giữ xe của Công an quận Bình Tân cũng có cả ngàn xe máy, hằng ngày đang bị nắng “đốt”, tả tơi, chẳng khác gì mớ phế liệu. Tương tự, bãi tạm giữ xe của Công an quận 7 (phường Phú Thuận) cũng có hàng ngàn xe đang ngày đêm thi gan cùng tuế nguyệt…
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM - cho hay, thời gian qua, lực lượng CSGT TPHCM đã ra quân thực hiện nhiều chuyên đề xử lý các lỗi vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt là xử lý chuyên đề liên quan nồng độ cồn. Năm 2023, lực lượng CSGT TPHCM đã phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.537 ô tô, 153.493 mô tô, xe máy và 1.283 xe 3-4 bánh.
Do mức phạt tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nên không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng xe bị tạm giữ tại các kho, bãi.
Hiện nay, do diện tích kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tang vật, phương tiện vi phạm, nên hàng ngàn phương tiện phải để ngoài trời, nhiều đơn vị CSGT còn tận dụng cả khoảng trống tại trụ sở làm nơi tạm giữ. Theo thống kê sơ bộ, hiện TPHCM thiếu hơn 10.000m2 kho, bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.
Người có lỗi chứ xe không có lỗi
Luật sư Thái Văn Chung - Giám đốc hãng luật Nguyên Giáp - cho biết, lượng xe tại các bãi tạm giữ hiện nay gồm 3 loại: xe bị tịch thu để tiêu hủy, xe bị tịch thu chờ thanh lý và xe tạm giữ. Theo ông, đối với những trường hợp tịch thu phương tiện để tiêu hủy, cần rút ngắn thủ tục để tiêu hủy sớm, tránh phải lưu kho quá lâu. Với những trường hợp tịch thu nhưng không tiêu hủy thì nên đơn giản hóa thủ tục để thanh lý tài sản, sung công quỹ. Với những xe bị tạm giữ có thời hạn, nên tiến tới sửa quy định để bỏ hình thức phạt bổ sung này và có thể xem xét các hình phạt bổ sung khác như: phạt tiền, giữ giấy tờ, giữ biển số, lao động công ích...
Thực tế cho thấy, việc giam xe đang có quá nhiều bất cập: chiếm diện tích lớn, đòi hỏi nhân sự và chi phí nhiều nhưng vẫn không thể bảo quản tốt được tài sản của người dân; nguy cơ cháy nổ, mất an toàn; khó khăn cho cơ quan công an và cả người dân; gây lãng phí lớn. Hình phạt tạm giữ xe cũng không thực sự răn đe, vì rất nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ luôn xe.
“Như vậy, việc giam xe đang lợi bất cập hại. Chúng ta cần xác định con người có lỗi chứ phương tiện không có lỗi. Khi thấy quy định hiện hành không phù hợp thì cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Nhiều nước có hình phạt bổ sung như trừ điểm giấy phép lái xe. Nếu vi phạm nhiều, chủ phương tiện sẽ gặp khó khăn khi đăng kiểm, xin cấp lại bằng lái, đăng ký phương tiện mới, hạn chế quyền tiện ích trong sử dụng cơ sở hạ tầng công cộng... Nghĩa là có rất nhiều cách chế tài phù hợp với trình độ quản lý hiện đại và xu hướng số hóa” - luật sư Thái Văn Chung góp ý.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cũng đồng tình với quan điểm bỏ hình phạt tạm giữ phương tiện. Theo ông, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng hình phạt tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm hành chính “trong trường hợp thật cần thiết”. Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) và Nghị định 123/2021/NĐ-CP (về sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan) đã mở rộng quá nhiều trường hợp tạm giữ xe.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, chỉ nên tạm giữ xe trong trường hợp cần xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá, thu hẹp đối tượng, tiến tới bỏ việc giam xe và có các hình phạt thay thế hiệu quả và đủ sức răn đe.
Đối với hàng ngàn phương tiện đang tồn đọng tại các bãi tạm giữ hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Hậu, do quy định về thủ tục, trình tự tịch thu, xử lý, bán đấu giá phương tiện bị tạm giữ quá phức tạp, trải qua nhiều bước: xác minh, giám định, lập phương án xử lý tang vật, phương án đấu giá...
Thủ tục kéo dài có khi đến vài năm khiến thời gian lưu kho đối với phương tiện quá lâu. Xe phơi nắng, phơi mưa, lúc mới tạm giữ còn giá trị, đến khi thanh lý chỉ là sắt vụn.
Cho nên, luật sư này kiến nghị đơn giản thủ tục, rút ngắn trình tự xử lý xe bị tạm giam để vừa tránh quá tải kho bãi, vừa tăng nguồn thu. Nên sửa theo hướng, sau khi hết thời hạn tạm giữ phương tiện đối với lỗi vi phạm, nếu quá 3 lần thông báo hợp lệ mời người vi phạm lên đóng phạt để lấy lại xe mà họ không thực hiện thì cơ quan công an được quyền tịch thu, bán đấu giá, sung công quỹ.
Xe phơi mưa nắng dài ngày coi như... vứt đi Hiện nay đa phần các bãi tạm giữ phương tiện đều quá tải, xe bị bỏ ngoài mưa nắng dài ngày, khó tránh khỏi hư hỏng nặng. Nếu để ngoài mưa thì nước mưa chảy vào động cơ, trong khi mưa ở nước ta chủ yếu là mưa a xít do không khí ô nhiễm, dẫn đến các trang thiết bị điện, điện tử, giắc ghim sẽ bị hư, về sau xe dễ trục trặc. Xe để lâu không chạy thì chắc chắn hư bình ắc quy, nắng sẽ làm nở và nhão cao su, gây hỏng lốp xe. Ngoài ra, xăng dầu trong xe sẽ bốc hơi, keo lại, trong môi trường ẩm ướt các vi khuẩn yếm khí sống trong bình xăng gây thối xăng và tạo ra chất cặn mà sau khi lấy xe ra sử dụng sẽ thường xuyên bị nghẹt kim phun xăng. Chưa kể động cơ rất mau mòn, gỉ sét vì bị hơi ẩm ướt, lâu ngày không hoạt động. Tóm lại, sau một thời gian không hoạt động, bị phơi mưa nắng thì coi như... vứt luôn cái xe! Việc tạm giữ xe không những cần kho bãi đảm bảo quy chuẩn mà phải có phương pháp bảo quản khoa học, còn vứt lăn lóc như hiện nay là làm lãng phí tài sản xã hội. Bên cạnh đó, nguy cơ cháy nổ tại các bãi tạm giữ phương tiện là rất lớn. Việc chuột cắn dây điện, cắn ống xăng dễ xảy ra, lại để cả ngàn phương tiện san sát nhau, chật kín không lối thoát, cho nên xác suất cháy nổ rất cao. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng Phó chủ tịch Hội Ô tô - Máy động lực TPHCM |
Nhiều vụ cháy bãi tạm giữ phương tiện - Ngày 9/3/2024, đám cháy bùng phát tại bãi giữ phương tiện mô tô vi phạm trong khuôn viên trụ sở Công an huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận khiến hơn 200 xe tang vật bị thiêu rụi. - Trước đó, vào tháng 6/2022, hỏa hoạn lớn cũng đã xảy ra tại bãi tạm giữ xe vi phạm thuộc PC08 - Công an TPHCM (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM). - Tháng 5/2022, bãi giữ xe vi phạm ngoài trời của Công an phường Tân An, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) bị cháy, hơn 140 xe máy bị thiêu rụi. - Tháng 3/2021, bãi tạm giữ xe vi phạm Công an TP Thủ Đức bị cháy gây hư hỏng tài sản của người dân. |
Minh Linh