Chương trình giao lưu Từ trong đất lửa - Kỳ 4

Lời Bác sáng mãi muôn đời

05/12/2022 - 08:07

PNO - Chương trình "Từ trong đất lửa" số 4 của Báo Phụ nữ TPHCM giao lưu với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Bảo Huy và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng sẽ được phát sóng vào ngày 5 và 6/12, với 2 tập: "Lời Bác sáng soi ngàn năm" và "Di chúc Người còn đó".

Từ trong đất lửa là chương trình do Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện, nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật được trao giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010-2020).

Chương trình giao lưu với văn nghệ sĩ cùng các nhân vật bước ra từ trang sách, cũng như các vở diễn sân khấu, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm múa; với những sáng tác có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, ca ngợi vẻ đẹp của đất và người ở thành phố mang tên Bác.

Số 1: Hoa trong lửa

Số 2: Vở cải lương "Thành phố buổi bình minh": Một thời gian khó, một thời thương

Số 3: Huyền thoại tàu không số

Chương trình giới thiệu 3 trong 10 ca khúc được trao giải thưởng chủ đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010-2020): Di chúc Người còn đó (nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thể hiện), Sáng một niềm tin (nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện) và Lời Bác sáng mãi muôn đời (nhạc sĩ Bảo Huy). 

Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cho các vị khách mời của chương trình: nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (trái), nhạc sĩ Bảo Huy và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng
Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa cho các vị khách mời của chương trình: nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (trái), nhạc sĩ Bảo Huy và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng

Phóng viên: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện và nhạc sĩ Bảo Huy, 2 anh có thể chia sẻ nguồn cảm hứng sáng tác nên 2 ca khúc về Bác?

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Tôi đã nghe nhiều ca khúc về Bác rất hay của các nhạc sĩ đàn anh. Trước đó, tôi không nghĩ mình sẽ viết thêm 1 ca khúc về Bác. Nhưng khi sáng tác ca khúc theo yêu cầu của Thành ủy TPHCM về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi đã chọn viết về Bác theo cách mới hơn, phóng khoáng, trẻ trung hơn về cả ca từ lẫn giai điệu - như 1 bày tỏ suy nghĩ của người trẻ bây giờ về Bác. Và dù là bút pháp trẻ hơn, nhưng ca khúc Sáng một niềm tin vẫn mang dáng dấp thính phòng. 

Nhạc sĩ Bảo Huy: Tôi cũng như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, không nghĩ mình sẽ viết về đề tài lớn lao này. Nhưng 1 chuyến đến thăm làng Sen quê Bác, tôi đã vô cùng cảm động, vừa lên xe là lấy giấy bút ra ghi xong phần lời. Bắt đầu ngay với câu “Ngàn vì sao chiếu soi trên bầu trời cao…”. Sau đó về TPHCM, chỉnh sửa đến 6 tháng sau thì hoàn thiện ca khúc Lời Bác sáng mãi muôn đời. Phải nói rằng, vai trò nhạc sĩ phối khí cho tôi rất nhiều kinh nghiệm với giai điệu, nhưng phần lời ca khúc này tôi đã phải chăm chút rất lâu, cân nhắc từng chữ. 

* Với ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, anh cảm nhận thế nào về ca khúc Di chúc Người còn đó?

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: Từ thuở nhỏ, tôi đã được đọc những bài thơ, được lắng nghe những ca khúc về Bác. Bố tôi là chiến sĩ Trường Sơn, ông thường kể tôi nghe về thời chiến tranh, về Bác. Nghe nhiều nên tình yêu dành cho Bác đã thấm vào lòng, từ khi tôi còn rất nhỏ. Khi trở thành ca sĩ, thể hiện rất nhiều thể loại âm nhạc, nhưng khi hát về Bác, lúc nào tôi cũng cảm thấy thật gần gũi và xúc động. Việc được hát ca khúc Di chúc Người còn đó, cũng như tham gia cùng ê kíp thực hiện MV cho bài hát này, với tôi là 1 kỷ niệm đẹp, vừa nói lên tình cảm đối với Bác, vừa tri ân thành phố - nơi luôn dang rộng vòng tay yêu thương mình, đồng thời mong muốn gửi gắm những gì tốt đẹp nhất cho khán giả. 

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thể hiện ca khúc Di chúc Người còn đó trong tập 2 của chương trình - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thể hiện ca khúc Di chúc Người còn đó trong tập 2 của chương trình - Ảnh: Nguyễn Quang

* Các MV ca khúc được trao giải thưởng đều được ghi hình tại các di tích về Bác Hồ tại TPHCM. Sự lựa chọn bối cảnh này phù hợp. Tuy nhiên, liệu rằng sự giới hạn và trùng lặp về bối cảnh có khiến những MV về Bác cũng có phần trở nên thiếu sự thu hút đối với khán giả? Và theo các anh, làm thế nào để các ca khúc được trao giải thưởng chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” có thể đến được rộng rãi hơn với công chúng?

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Để lan tỏa các sáng tác, cần phải chú ý đến tần suất các tác phẩm xuất hiện trên truyền hình, cũng như phát thanh. Tôi nhớ những đợt bầu cử đều có những sáng tác được đưa vào phát thường xuyên trên các kênh truyền hình. Sau đợt bầu cử, người ta cũng nhớ ngay các ca khúc “đi bầu”. Điều đó nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng đối với những ca khúc mang tính tuyên truyền, để góp phần lan tỏa, quảng bá. Không cần phải làm 1 chương trình, mà cứ phát nửa bài đan xen giữa các chương trình phát sóng cũng được. Thủ pháp này tôi thấy rất thành công. 

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: Theo tôi thì việc giới thiệu các di tích về Bác, các công trình nổi bật của thành phố trong các MV cũng tốt. Đó cũng là cách quảng bá du lịch, để du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu. Nhưng tôi nghĩ còn có nhiều cách nữa để đưa hình ảnh Bác đi trực tiếp, sâu thẳm hơn vào trong trái tim mỗi người. 1 ca khúc có sức sống lâu bền thì phải được đưa vào ứng dụng, được hát nhiều hơn và công chúng phải biết đến nhiều hơn. 

Nhạc sĩ Bảo Huy: Hiện nay, công nghệ số phát triển và không gian mạng rất rộng mở, nếu mình có 1 kênh riêng để phát triển, quảng bá, giới thiệu các ca khúc - không chỉ là các tác phẩm đoạt giải chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mà dành để tập trung giới thiệu các hoạt động nghệ thuật, quảng bá các tác phẩm của Nhà nước đầu tư thì quá tốt. Hiện nay không gian mạng tràn ngập các kênh giải trí, mà lại không có kênh dành cho các tác phẩm văn học - nghệ thuật được Nhà nước đầu tư. 

* Từng tham gia những chuyến về nguồn, đến thăm quê Bác, những nơi Bác từng sống, làm việc, hoạt động cách mạng. Cho đến bây giờ, khi nhắc lại những nơi chốn, hình ảnh xúc động nhất về Bác, các anh sẽ nhớ nhất những điều gì? 

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Tôi đã đến thăm nhiều nơi Bác từng sống và hoạt động cách mạng, ngay cả những nơi gần gũi nhất là bến Nhà Rồng - nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước cũng để lại bao cảm xúc cho nghệ sĩ sáng tác. Theo tôi, điều cốt lõi nhất để tưởng nhớ Bác, chính là chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, những giá trị cao đẹp mà Bác đã để lại cho nhân dân. 

Nhạc sĩ Bảo Huy: Ngoài làng Sen quê Bác, tôi cũng về thăm Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp). Mới đây nhất là về Huế - thăm nơi Bác từng sống cùng cha và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm thuở nhỏ. Nghe kể câu chuyện về Bác thời còn chạy chơi trên bãi sông, tôi đã lang thang một mình hết con đường ấy, trong lòng rất nhiều cảm xúc. Tôi cũng đã đến thăm Trường Dục Thanh (Phan Thiết), nơi Bác từng dừng chân dạy học để tiếp tục hành trình vào Nam. Những câu chuyện về Bác luôn có điều gì đó rất gần gũi, giản dị, nhưng cũng từ những điều đó mà đúc kết nên 1 tâm hồn, 1 nhân cách bao la, vĩ đại. Thật sự luôn khiến thế hệ sau cảm động khi nghĩ về. 

* Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: Có 1 điều mà tôi luôn cảm thấy rằng: Bác chính là quê hương. Về thăm nhà Bác ở làng Sen, 1 mái nhà tranh đơn sơ, gọn gàng, ngăn nắp đã gợi cho tôi nhiều sự xúc động, thấy quê Bác cũng như quê mình. Bác là hiện thân của cả 1 dân tộc, trong hình ảnh của Bác chứa đựng tất cả những giá trị tốt đẹp mà bản thân là 1 nghệ sĩ, tôi luôn muốn học hỏi tấm gương đạo đức ấy. Hoặc đến thăm Pác Pó (Cao Bằng), sống trong điều kiện rất khó khăn, nhưng từ nơi đó, Bác đã có những đường hướng chính trị sâu sắc để thay đổi đất nước. 

* Với những điều đã trải qua, đã chiêm nghiệm cùng với lý tưởng sống của tuổi trẻ mình, các anh muốn nhắn nhủ điều gì với thế hệ trẻ hôm nay?

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Đối với thế hệ chúng tôi, đất nước thống nhất và cuộc chiến tranh dai dẳng không còn nữa. Đó là 1 điều rất đáng mừng. Ngày ấy, thế hệ thanh niên cùng nhau dốc sức xây dựng đất nước, những căn nhà, những kênh đào; sức trẻ và lời ca rộn vang trên những nông trường… Những hình ảnh đó đã trở thành ký ức 1 thời, không thể nào quên được. Nhưng điều đẹp đẽ nhất chính là hình ảnh Bác đứng lên trên tất cả, như 1 người dẫn đường, soi lối, cho tất cả chúng ta - những thế hệ sống và tiếp nối dựng xây, phát triển đất nước.  

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: Sự dung hòa khoảng cách thế hệ là điều tôi lưu tâm nhiều nhất. Bất kể độ tuổi nào, chúng ta cũng có sự liên kết rất mật thiết với nhau. Âm nhạc cũng vậy, âm nhạc không có tuổi. Những bài hát về Bác sẽ mãi mãi là những bài hát gắn liền với tuổi trẻ. Khi hát những ca khúc này tôi cảm nhận như mình gửi gắm vào đó cả những tình cảm yêu thương của cha mẹ mình, các thế hệ đi trước, những người đã vượt qua dãy Trường Sơn. Ngày xưa chính nhờ những bài hát này, mà mọi người có động lực để chiến đấu, vượt qua những gian lao. Là thế hệ đi sau, mình vẫn muốn bảo tồn những giá trị truyền thống, và bên cạnh đó, vẫn luôn khao khát được tiếp cận những sáng tác mới của các nhạc sĩ đàn anh. 

* Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Bảo Huy và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng. 

Lục Diệp (thực hiện)  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI