KỶ NIỆM 55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969-2024)

Lời Bác mãi soi đường, dẫn lối

02/09/2024 - 06:07

PNO - Cách đây tròn 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi ra đi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho cả dân tộc. Nhưng những lời căn dặn tâm huyết trong Di chúc của Người vẫn tiếp tục soi đường, dẫn lối trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Lời Bác thôi thúc mỗi người cống hiến

Tháng 9/1969, hàng triệu triệu con tim Việt Nam đau buồn thương tiếc khi nghe tin Bác mất. “Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại...” - người dân khắp mọi miền đất nước nghẹn ngào khi nghe điếu văn do Tổng bí thư Lê Duẩn đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc, tháng 1/1967 - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc, tháng 1/1967 - Ảnh tư liệu

Đại tá Bùi Nam Từ - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 3, TPHCM - nhớ lại: “Lớp học hôm ấy lặng lẽ lắm. Những đứa học sinh tinh nghịch chúng tôi rơm rớm nước mắt thương nhớ Bác. Chúng tôi được nghe điếu văn như những lời hiệu triệu: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề, giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”. Từ lúc ấy, tôi và nhiều bạn học đã ươm trong mình lý tưởng vào bộ đội, cầm súng bảo vệ quê hương”.

Ông kể, những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng quê cách mạng Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình của ông là nơi tập kết lương thực, vũ khí để chi viện cho chiến trường miền Nam, cũng là nơi bị Mỹ ném bom thảm sát khiến hàng trăm người dân vô tội thiệt mạng. Vùng đất đau thương mà anh hùng ấy đã ươm mầm cho bao thế hệ thanh niên, cứ lớp sau tiếp bước lớp trước lên đường chiến đấu. Năm 1971, chàng trai 18 tuổi Bùi Nam Từ vào quân ngũ.

Ông theo sư đoàn ô tô vận tải 471 đóng quân tại tỉnh Quảng Bình, làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí qua các trọng điểm, cửa khẩu trên đường mòn Hồ Chí Minh. Lái xe trên cung đường hiểm trở với những khúc cua “tử thần” dưới làn bom đạn ác liệt của địch, những người lính luôn đối mặt với hiểm nguy.

Thế nhưng, lời Bác dặn trong Di chúc luôn tiếp thêm sức mạnh cho họ: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Tháng 4/1975, ông Bùi Nam Từ đã lái xe đưa những người lính của quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc. Sau ngày hòa bình, người lính ấy vẫn không ngừng học tập, cống hiến. Ông đã nghiên cứu thành công công trình xử lý nước biển dùng cho nhà vệ sinh và trong 5 năm (từ 2008-2012), ông cùng đồng đội lắp đặt công trình này cho các điểm đảo ở Trường Sa.

Ngày 27/8 vừa qua, ông nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2019-2024. Ở tuổi 71, học Bác, ông vẫn bền bỉ tham gia các hoạt động an sinh xã hội, an ninh trật tự.

Nghe theo những lời trong Di chúc của Bác, năm 1972, học xong phổ thông, ông Bùi Hồng Phăng (quê Nghệ An) lên đường chiến đấu. Vào tiểu đội trinh sát của binh trạm 35, ông tham gia nhiều chiến dịch ác liệt, để lại một phần thân thể nơi chiến trường Tây Nguyên.

Thời bình, người thương binh nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 12, quận 8, TPHCM luôn tích cực tham gia các hoạt động hội, khu phố, chăm lo cho gia đình chính sách, con em các cựu chiến binh.

Ông nói: “Với những người lính từng vào sinh ra tử trên chiến trường, mỗi lời dạy của Bác luôn thấm trong tim, trong óc, thời chiến thì không tiếc máu xương, thời bình thì ra sức cống hiến. Tôi luôn tâm niệm mình phải sống, chiến đấu và cống hiến sao cho xứng đáng là người lính Cụ Hồ”.

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch  - Ảnh tư liệu
Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch - Ảnh tư liệu

Di chúc có giá trị trường tồn

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - giảng viên chính của Học viện Cán bộ TPHCM - cho rằng, Di chúc của Bác không chỉ nhắc nhở mỗi chúng ta về tinh thần cống hiến cho đất nước, mà đó còn là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Di chúc được Bác viết trong những năm 1965-1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, Người khẳng định “dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”.

Di chúc như một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội, như đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, công bằng xã hội...

Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước, bởi theo Người, đổi mới là một tất yếu để phát triển, đổi mới là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Người yêu cầu Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. “Những tâm nguyện ấy cho thấy tầm vóc, trí tuệ cũng như sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của Di chúc” - tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nhận định.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu

Theo ông, 55 năm thực hiện Di chúc của Người và gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Các bài học trong Di chúc vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục phát huy trong giai đoạn mới.

Đó là bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; quan tâm sâu sắc tới thế hệ trẻ; chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân...

Nhớ Bác, tuổi trẻ TPHCM nuôi hoài bão tươi đẹp, khát vọng tiên phong

Tuổi trẻ Việt Nam nói chung và tuổi trẻ TPHCM nói riêng xem Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam soi đường cho các thế hệ thanh niên.

Trong Di chúc, Bác viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.

Những lời căn dặn của Người có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn đang đặt lên vai thế hệ thanh niên trọng trách lớn lao.

Nếu như trong đấu tranh giải phóng dân tộc, các thế hệ thanh niên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (nay là TPHCM) đã làm rạng rỡ truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc Việt Nam bằng các phong trào đấu tranh trực diện trong lòng đô thị, đóng góp tích cực vào đại thắng mùa xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập, thanh niên TPHCM tiếp tục giữ vững tinh thần của lực lượng xung kích, tình nguyện, luôn có mặt ở các mặt trận, là nguồn lực quan trọng để xây dựng thành phố.

Kế thừa và tiếp nối các phong trào tiền thân, phong trào “Thanh niên tình nguyện” ngày càng thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sẵn sàng đảm nhận những việc khó, việc mới, được xã hội và nhân dân ghi nhận.

Phong trào tình nguyện do đoàn, hội phát động đã thực sự gắn kết với hoài bão tươi đẹp, khát vọng tiên phong của thanh niên cho thành phố, cho đất nước. Không chỉ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, phong trào còn là môi trường tốt đẹp để bạn trẻ cống hiến, rèn luyện và trưởng thành, như lời dạy của Bác.

Để góp phần xây dựng người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội “vừa hồng vừa chuyên”, Thành đoàn TPHCM đã có nhiều hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn” nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ Di chúc của Bác, tuổi trẻ TPHCM nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng thành phố và đất nước, sẵn sàng xung phong, không ngại khó khăn, thử thách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nỗ lực rèn luyện các giá trị hình mẫu thanh niên TPHCM.

Anh Ngô Minh Hải - Bí thư Thành đoàn TPHCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI