Lời ai điếu cho một con voi

11/12/2020 - 15:09

PNO - Sẽ chẳng biết lan rộng đến đâu tin tức về cái chết của con voi Yă Tâu ở tận làng Plei Pa Kdranh (xã Chư Mố, H.Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Yă Tâu là cá thể voi cuối cùng trên đại ngàn phía bắc Tây Nguyên hùng vĩ, nơi trước đây nổi tiếng vì nhiều voi và gắn liền với voi như một tập tục văn hóa sinh hoạt lâu đời.

Mất dần rồi đến mức tuyệt chủng, con vật khổng lồ trên cạn ấy, biểu tượng sánh ngang với nhà rông, nhà dài, với cồng chiêng và rượu cần ấy, có lẽ chỉ còn tồn tại trong ký ức, trong những nét điêu khắc thô mộc mà người dân gửi gắm trên xà nhà. Một con voi ngã xuống không khác bóng hình sử thi tan vụn và chỉ để lại nỗi khắc khoải bất tận nơi lòng người, nơi đại ngàn vốn dĩ dần thưa vắng cổ thụ. 

Sử Việt không tỉ mỉ nhưng dân gian và huyền thoại thì đã sớm đặt hình ảnh voi trong chiến trận, chiến trường là quan trọng ra sao. Ở đó, Hai Bà Trưng hay bà Triệu cưỡi voi đánh trận, trả thù nhà nợ nước, quả là điểm nhìn phi thường hóa đàn bà đất Việt, khiến tráng chí bốn phương ngưỡng mộ. Không như các du khách ngày nay cố sức ngồi cho vững trên lưng voi để chụp ảnh “cúng phây”, bà Triệu “cưỡi voi đánh cồng” đã hằn in trong câu hát ru của bao đời, đủ chứng cứ để tin rằng người con gái diễm lệ, kiên trung bất khuất ấy rất có tài điều khiển voi chiến.

Voi Yă Tâu - con voi cuối cùng của
Voi Yă Tâu - cá thể voi cuối cùng của phía bắc Tây Nguyên đã chết

Hơn 15 thế kỷ sau, voi chiến thực sự gây choáng ngợp trong cánh quân tượng binh của Quang Trung, khi thần tốc tiến quân ra Bắc đánh đuổi nhà Thanh. Tượng binh, vốn xuất phát và được chỉ huy bởi những người “miền Thượng”, đã quăng quật tướng sĩ nhà Thanh dễ dàng như một đồ chơi, khiến sử sách phương Bắc chưa hết rùng mình khi ghi chép lại.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, voi vẫn xuất hiện trong Tử Cấm thành nhà Nguyễn, thường với một lối đi riêng gọi là đường “tượng đạo”, và cũng thường được tham gia trong một số nghi lễ triều đình đón rước vua quan. Lữ khách phương Tây là Charles Hocquard đã không khỏi thán phục những quản tượng An Nam khiêm tốn chiều cao cân nặng lại có thể ra lệnh, sai bảo tài tình loài voi thân hình đồ sộ. Một lần chứng kiến đàn voi quỳ xuống trước mặt mình, ông đã “boa” chúng vài đồng xu và ngay lập tức, chúng dùng chiếc vòi dài hút tiền rồi chuyển qua tay quản tượng.

Không có mặt trong tứ linh của văn hóa Việt, nhưng voi thiết thực công việc và oái oăm thay, rất được giới quyền quý cao sang nhòm ngó những cái ngà trắng muốt. Tuy họ vẫn hay mặc áo rồng phượng hoang đường tưởng tượng và đắp nổi những kỳ lân sư tử khắp nhà, nhưng phải đến bộ ngà voi mới làm họ thực sự thỏa mãn mức độ oai phong đường bệ.

Ngoài chăm chỉ săn lùng sừng tê giác để rắp tâm cải thiện sinh lý, rất nhiều quý ông Việt cũng quẳng tiền để mua bằng được ngà voi gắn vào ghế bành, hệt như hai gọng kìm châu vào thân người to lớn vòng bụng. Ngay cả hóa công cũng bất lực bài trí cảnh tượng theo phong cách quái dị với cả đầu hươu nai hoặc da hổ da báo treo tường, cộng thêm vài bình rượu rắn giương mắt trừng trừng trong những phòng khách được coi là sang chảnh.

Nhại theo một quy luật bất thường thì động vật quý hiếm không phải bỗng dưng biến mất, mà nó chỉ chuyển từ những cơ thể sống sinh động nơi đại ngàn sang đặc sản bàn nhậu hoặc nội thất trọc phú. Biến căn nhà thành nơi phơi xác hoặc một phần thân xác động vật hoang dã, xét cho cùng, là gắn mình vào thời tiền sử mông muội, nơi loài linh trưởng Homo Sapiens tinh khôn biết cách tiêu diệt dòng giống cùng loài, rồi lấy đó khoe mẽ chiến công và sức mạnh.

Nghe nói, vào thế kỷ XVI, khi bị vua Lê giam cầm trong ngục, nghệ nhân lắm tài nhiều tật Vũ Như Tô đã dùng móng tay khắc những hạt gạo thành một đàn voi trắng nhỏ xíu. Nhà vua hay chuyện, liền truyền đem chúng lên xem thì vô cùng kinh ngạc vì đàn voi quá giống đời thực. Cảm tài, nhà vua tha mạng cho Vũ Như Tô. Chắc chắn, nếu sống đến hôm nay, Vũ Như Tô cũng chỉ biết nhìn voi qua tranh ảnh. Và rất có thể, thay vì tạc một đàn voi trắng say mê sự sống nơi thiên nhiên rộng rãi, ông sẽ tạc những con voi kiệt sức, già nua vì phải sống gần con người. Cả những con voi đã chết không một tiếng kêu cuối cùng. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI