Lộc hẹn tôi ở một quán cà phê ven sông Hàn, tình cờ gần chỗ mà hơn 20 năm trước, đạo diễn Trần Anh Hùng từng hoan hỉ băng qua đường để chặn anh lại và nghiêm ngắn nói: “Tôi muốn mời anh đóng phim”. Cái tên “Lộc Xích lô” bắt đầu gắn bó với anh chàng lái xe khách đường dài Lê Văn Lộc từ đó…
“Cả cái xe to đùng, tui còn lái được!”
Nghề lái xe đường dài có thể giúp Lộc có mặt ở khắp nơi, nhưng lại chẳng thuộc về đâu, kể cả thành phố bên bờ sông Hàn quê anh. Nhắc đến đạo diễn phim Xích lô (Sư Tử Vàng LHP Venice 1995), Lộc vẫn quả quyết: “Nếu Trần Anh Hùng xui tui nhảy vào lửa, tui cũng nhảy!”.
Hào quang từng có thì đã lùi xa, để mà nhắc lại. Nhưng vào chuyện mới biết, hơn hai mươi năm qua, cái tên Trần Anh Hùng và “Xích lô” vẫn còn đó, trong đầu Lộc. Lộc có một “đức tin” rất lớn vào người đã từng đưa anh đến Venice, không hẳn vì “hào quang để đời” của bộ phim mà là vì cái duyên “bắt được sóng” của nhau giữa hai con người xa lạ trong đời sống vốn lắm lúc “nhiễu sóng” này.
Trong cuộc trò chuyện, rất nhiều lần Lộc quả quyết: “Cái đầu Trần Anh Hùng dễ sợ lắm, hiểu được thì đã là thượng cấp!”, “Chỉ cần anh Hùng bảo một câu, tui làm liền”... Chỉ duy nhất một lần anh “chống lại ông thần hộ mệnh” của mình là lần Trần Anh Hùng bảo anh nhảy lên chiếc xích lô tập thử để chuẩn bị cho vai diễn, thì Lộc cứ ngồi ì ra, đoạn bướng bỉnh bảo: “Mắc chi phải tập! Cả cái xe to đùng, chở bốn-năm chục người, tui còn lái được!”.
Đến đóng phim là chuyện lần đầu tiên trong đời mà anh còn chẳng buồn tập: “Tui toàn một phát ăn ngay thôi à, không biết bị chửi là gì, trong khi mấy ông tài tử to đùng toàn bị chửi và quay đi quay lại hoài!” – Lộc cười khoái chí. Hẳn vì, có vẻ như cái ngơ ngác của anh chàng lái xe đường dài trong lần đầu chạm ngõ điện ảnh cũng gần như trùng khớp với cái ngơ ngác của anh chàng đạp xích lô lần đầu vào đời và cùng đứng trước một thế giới anh ta chưa từng biết?
Lộc thì lý giải khác: “Tại trước khi quay, anh Hùng có nói với tui, một câu thôi nhưng vì thế mà tui phải cố mà làm cho hết sức: “Phim này nếu làm hỏng là người ta không cho tôi tiền làm phim nữa đâu, anh Lộc ạ!”. Mà phim này hỏng thì chỉ có thể là do tui chứ do ai. Tui đóng vai chính, lại chỉ có mình tui là chưa đóng phim bao giờ. Người ta đã nói thế, tức cái phim này nó là tính mạng, là nồi cơm của người ta rồi chi nữa, nên mình phải cố mà làm cho tốt!”.
Cách Lộc “cố làm cho tốt” kể cũng là chuyện hiếm có trong điện ảnh! Cảnh ấn tượng nhất trong Xích lô là lúc cái mặt của anh chàng lái xích lô bị nhấn chìm trong bể cá, và một đàn cá cứ thế lao vào rỉa. Cảnh này hóa ra không hề phải dùng đến kỹ xảo mà chỉ đơn giản là dùng “mẹo vặt” của chính anh chàng diễn viên nghiệp dư này: “Cứ bỏ đói cá, rồi... ngậm nó vào mồm, sau đó nhả ra, cá vừa đói, vừa từ chỗ tối ra, kiểu gì cũng bị quẩn, rỉa loăng ngoăng vào mặt mình là chắc!”.
Trong Xích lô cũng có một cảnh ấn tượng khác: ấy là cái ổ điện bị hở mà hết Lương Triều Vỹ, Hoàng Phúc... đến Lê Văn Lộc khi vô tình chạm tay vào đều giật bắn người, mà là giật thật (vì đạo diễn cần có được những cảnh quay thật). Cú giật tuy không đủ gây chết người, nhưng cũng là một phen hết hồn! Hỏi Lộc cú chạm ngõ điện ảnh có đủ khiến anh “hết hồn” để mà khó trở lại với đời thường sấp ngửa hay không, Lộc cười: “Đời tui tới chừng này dễ gì mà vấp! Ôi giời, ta đi làm phim, ta lấy tiền ta ăn! Hết thì lại đi làm việc khác, cái việc mà mình giỏi nhất, mắc chi mà hết hồn!”. Nhưng nghề lái xe đường dài, nay đây mai đó, thức đêm thức hôm, dám gì không vấp? “Kệ chứ! Mình cứ sống theo kiểu của mình thôi. Hư thì đã hư lâu rồi! Mà nghề này phải tỉnh chị ơi! Chợp mắt một cái là coi như đưa người ta vô chỗ chết. Ống kính còn được phép sai số, chứ lái xe thì đừng đùa!...”.
Bảo là quên dễ dàng, nhưng thật ra, Lộc còn lâu mới quên! Anh thậm chí nhớ như in những giây phút gặp gỡ đầu tiên với vị đạo diễn người Pháp gốc Việt tài danh, lúc Trần Anh Hùng vừa gặp đã bảo: “Tôi muốn mời anh đi đóng phim”, và Lộc la lên: “Trời, tui xấu như ma, đóng cái gì! Anh nói giỡn hay nói thiệt đó?”. Cả mấy tiếng sau đó, Trần Anh Hùng tìm đến nhà anh, khẽ khàng gọi: “Anh Lê Văn Lộc ơi, cho tôi gặp!”. Đoạn, bảo anh ra ngồi bên cái khung cửa sổ to, chụp thử vài tấm xem chơi, lại cầm cái máy quay, bảo anh thử làm một điệu bộ gì đó ra vẻ sốt ruột nôn nóng. Lộc chơi luôn, ngán gì. Anh vắt hờ cái áo lên vai, giả bộ lao đao từ ngõ đi vào, lập bập mở sợi xích cổng, rồi nhào vô bếp cầm cái ấm tu một mạch, chẳng kịp đổ ra cốc...
- Thế, chả bất an, nóng ruột là gì! (Lộc bảo, thật ra, khi nóng ruột, thường, anh lại ngồi một chỗ). Đề ra tiếp theo: “Anh thử làm điệu gì vẻ như đang buồn bực xem!”, Lộc kêu: “Trời, mặt tui vầy, sao buồn được? Ít nhất phải cho tui mười phút!”. Nhưng thật ra không cần tới mười phút, vì chỉ cần dồn mấy cái không hay vào đầu, kiểu như: “Tối nay mà để một cái thằng mặt xầm xầm xì xì như thế chạy xe, lỡ có chuyện gì thì chết!” (Là Lộc giả bộ nghĩ đến cái nghề cầm lái của anh)...
Làm chơi thế thôi mà tối đó, anh được mời tới ăn một bữa thịnh soạn cùng đoàn tiền trạm của bộ phim ở Bạch Đằng - khách sạn lớn nhất Đà Nẵng hồi đó. Rồi sau đó là những ngày đóng phim được lo ăn ở, đưa đón “sướng như vua” ở Sài Gòn. Có điều, khi phim ra, mẹ anh vừa coi vừa khóc, kêu: “Sao con tui hồi giờ lái xe khắp nơi không bị ai đánh, mà làm tài tử, cứ bị đánh đập hoài vậy trời!”... Và phê nhất là cái lần được mời “sang bển” (cũng chính là lần đầu tiên xuất ngoại của Lộc) để sờ vào con “Sư Tử”: “Bữa đó tui bồi hồi lạ! Nên cứ sểnh ra là lại trốn ra ngoài đốt thuốc...”.
“Chúc anh trở thành một người bình thường!”
Mà thôi, hơn 20 năm rồi, “Sư Tử” có to mấy thì giờ cũng thành chuột nhắt rồi còn đâu! Quên đi mà sống tiếp! Lộc nói.
Đời sống có cái kiểu vô tình của nó, thế mà lại hay! Khách du lịch từ khắp nơi, lên xuống xe Lộc lái, hiếm ai nhận ra Lộc là “tài tử điện ảnh”, mà thường chỉ nhớ đến anh như một bác tài vui tính, nhiệt tình. Lúc đóng phim 21 tuổi, giờ 43 tuổi, Lộc vẫn đi về một bóng một mình.
Trên mặt Lộc, khó hiểu nhất có lẽ là đôi mắt rất rộng của anh. Nó vừa có chút gì đó loay hoay, quấy quá, vẻ như từng “làm đại”, sai sai ở đâu đó - kiểu như nếu tôi là người yêu của anh, khéo tôi không yên tâm; lại vừa cháy lên hơi lửa của lòng nhiệt thành, tận tụy – kiểu như nếu tôi giao việc cho anh, chắc là tôi tin được. Những người mất ngủ dài ngày, thường có một đôi mắt như thế!
Nhưng tôi nghĩ, Lộc có mất ngủ, thì bất quá cũng chỉ là vì cái nghề lái xe đường dài của anh, chứ hơi đâu vì một vầng hào quang đã tắt ngóm từ hơn hai mươi năm trước. Kết phim Xích lô, có một câu thoại mà tôi nhớ mãi: “Chúc anh trở thành một người bình thường!”. Nhưng khi rời Đà Nẵng, tôi thấy không cần phải chúc (thật ra là nhắc) Lộc điều ấy.
Nhà báo Lê Quân