Về làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) gặp người làm hai quả trống Sấm lớn nhất Việt Nam- nghệ nhân Phạm Chí Khang, thăm cơ sở sản xuất với hàng chục lao động, mỗi tháng xuất đi cả trăm chiếc trống của ông, tôi đã thấy mình hồ đồ vì từng nghĩ: người làm nghề truyền thống chỉ dừng ở mức “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” chứ chẳng gọi là khấm khá được.
|
Đọi Tam có lẽ là nơi duy nhất có một đội trống chiêng mà 100% thành viên là phụ nữ (ảnh NVCC). |
Gánh tiếng trống làng từ Bắc vào Nam
Sắp đến cái tuổi thất thập cổ lai hy, nghệ nhân Phạm Chí Khang thấy cuộc sống của mình được an nhiên tự tại như ngày hôm nay chính nhờ nghề làm trống nghìn năm truyền thống của làng. Ông cao, gầy, giọng nói lẫn lộn “n” với “l” vẫn không làm giảm đi sự lôi cuốn trong từng câu chuyện mà ông kể.
Ông Khang có cái chân chất của người nông dân, có tâm huyết của người nghệ nhân già hai phần cuộc đời gắn bó với nghề, có chút bảo thủ như nhiều nhà Nho thuở trước khi nhất quyết chỉ làm duy nhất loại trống cổ truyền làng Đọi. Ông lại có cả ước mơ, khao khát như người trẻ khi nói đến những nỗ lực và kế hoạch để tiếng trống Đọi Tam vang xa hơn nữa. Cái say nghề và tâm thế với nghề của người nghệ nhân ấy thật lạ!
|
Làm trống Sấm chào mừng 990 năm Thăng Long – Hà Nội là kỷ niệm không thể quên trong đời làm nghề của ông Khang (ảnh NVCC). |
Từ nhỏ ông Khang đã nhớ như in câu chuyện lịch sử nghề trống làng mình: Biết tin vua Lê Đại Hành sắp về làng làm lễ tịch điền để khuyến nông, hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã hạ cây mít trong vườn nhà, thịt con trâu lấy bộ da để làm trống đón vua. Mùa xuân năm Thiên Phúc thứ 7 thời vua Lê Đại Hành (tức năm 987), ngài đã xuống ruộng hành lễ tịch điền ở Đọi Sơn trong tiếng trống của anh em Năng, Bản. Cũng chính bởi tiếng trống vang như sấm mà sau này hai ông được tôn làm Trạng Sấm, và Đọi Sơn là làng nghề hiếm hoi trong cả nước biết rõ được năm sinh, năm mất của cụ tổ nghề Nguyễn Đức Năng (925-990).
Mười ba tuổi, cậu bé Phạm Chí Khang bắt đầu theo bố học nghề làm trống. Cũng như bác phó cối, bác phó mộc, người thợ trống Phạm Chí Vượng bấy giờ mang theo gánh hành trang gồm cái cưa, cái bào, cuộn da trâu; đến làng nào mặt trống đã thủng thì cụ Vượng bưng lại, làng nào chưa có trống muốn làm, hỏi có cây mít không, bảo có là hai bố con hì hụi kéo cưa lừa xẻ ngả thân mít xuống làm ngay dưới gốc. Cùng bố đi bộ ròng rã ngày này qua ngày khác, đến khắp các làng quê đồng bằng Bắc bộ, hai chân phồng rộp, đỏ tấy, Khang mếu máo, tập tễnh vừa đi vừa thầm trách bố. Nhưng chính những cuộc đi đó đã khiến cậu bé yêu nghề lúc nào không hay.
|
Hồi làm trống mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phải mất nhiều tháng ông Khang và những thợ giỏi Đọi Tam mới tìm được nguyên liệu (ảnh NVCC). |
Sau này rời quân ngũ, ông Khang về làng làm trống, rồi người dân bầu ông làm đội trưởng đội sản xuất, được 2 năm 4 vụ thì ông nói với lãnh đạo: “Thôi bác cho em về để em đi bưng trống”. Ông quyết về thật, lại tiếp tục mang nghề trống đi khắp nơi, tận Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh… hễ nơi đâu cần tiếng trống là ông dừng chân.
Những lần mang tiếng trống đến khắp các làng quê từ Bắc vào Nam ấy, ông Khang thấy mỗi miền lại có cách làm trống và thẩm mỹ khác nhau: tang trống miền Nam không ghép mà lấy nguyên một thân cây rồi làm rỗng ruột, tang trống cao và gần như không có độ cong; mang trống Đọi Tam vào miền Trung thì người dân bảo: trống gì mà lại cong tròn như là quả cam, thế là làm trống cho miền Trung phải giảm bớt độ cong của tang trống...
Tự hào với trống Sấm “made in Đọi Tam”
Những sản phẩm mang đậm văn hóa Việt như trống Đọi Tam thường kén chất liệu, kén tay thợ, từ việc chọn gỗ mít trên 50 năm, kẻ dăm, xẻ tang đến việc chọn da trâu cái còn tươi, rồi phơi da, bào da. Và sơn ta phải lấy từ cây sơn trước buổi mặt trời mọc.
Ông Khang từng làm trống cho Ban Quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám để họ tặng Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương), làm trống ở Đền Sóc thờ thánh Phù Đổng Thiên Vương, rồi lên máy bay vào Nam khảo sát để làm trống ở đền thờ Côn Đảo… Làm nhiều trống ở các di tích, địa danh nổi tiếng, song để lại nhiều kỷ niệm nhất vẫn là hai lần ông làm hai quả trống lớn nhất Việt Nam.
|
Ông Khang đang gắn thương hiệu lên chiếc trống của mình. |
Khi kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tìm đến nghệ nhân Phạm Chí Tịnh (người làm trống nổi tiếng nhất ở Hà Nội) để đặt 1000 quả trống hội. Là truyền nhân của dòng họ Phạm Chí làm trống danh tiếng, giỏi nhất nhì Đọi Tam nên ông Khang được nghệ nhân Phạm Chí Tịnh tin tưởng giao cho việc chỉ đạo làm bộ trống và trực tiếp làm quả trống Sấm. Riêng quả trống Sấm khi đó ông Khang, anh em họ Phạm Chí và một số thợ giỏi của Đọi Tam đã làm liên tục trong ba tháng.
Tang trống được ghép bởi 34 miếng dăm bằng gỗ của một cây mít trăm năm tuổi do một người thợ làng Đọi Tam lập nghiệp ở Huế mang ra; thân trống được đóng 1.999 đinh mũ bằng tre tương ứng với con số năm cuối của thiên niên kỷ; trống cao đến 2m65, đường kính mặt trống 2m01, thể tích 10m3. Hiện nay trống Sấm được đặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và được sử dụng như một nghi thức mỗi dịp đón nguyên thủ các nước đến thăm Văn Miếu cũng như những ngày lễ tết đặc biệt.
Chiếc trống Sấm khi đó đã xác lập kỷ lục là trống lớn nhất Việt Nam, song ông Khang và thợ trống Đọi Tam vẫn ấp ủ sẽ làm được chiếc trống lớn hơn nữa vào dịp Đại lễ Thủ đô nghìn năm tuổi. Ông nhớ: “Khi nhận làm trống sấm cao 3m, đường kính 2m35 phục vụ Đại lễ, tôi lo lắm, vì việc tìm được con trâu có tấm da ngoại cỡ như thế là điều không hề dễ”. Ngay từ đầu năm 2010, những người thợ trống giỏi đã đi khắp nơi tìm gỗ mít, da trâu, “đến khi báo về là ở Thanh Hóa có một con trâu 6 tạ tôi cũng chưa hết lo, phải đến lúc tìm được một con 6 tạ nữa ở Thái Bình mới thấy nhẹ cả người”.
|
Hiện nay trống Đọi Tam đã được dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc. |
Ngày 16/9, dân làng Đọi Tam tề tựu làm lễ đưa rước chiếc trống Sấm nặng 1,3 tấn về Thủ đô chuẩn bị phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trống làm xong, ông Khang đã gầy lại càng rạc đi, hai hốc mắt trõm sâu, cũng may là 700 chiếc trống nhỏ phục vụ Đại lễ mà xưởng của ông làm (trong tổng số 2000 chiếc) đã có vợ và con cái lo.
Trong “lộc” nghề còn là hồn thiêng sông núi
Với một quốc gia nông nghiệp, tiếng trống đã gắn bó với đời sống của người Việt từ hàng nghìn năm nay. Thường xuyên phải chống lại giặc giã, tiếng trống trận lại uy phong cổ vũ khí thế chiến đấu của quân sĩ. Thời Tây Sơn nổi tiếng với Nhạc võ, trống được dùng để các võ sĩ luyện tập; người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã sử dụng dàn trống 12 chiếc to nhỏ khác nhau tượng trưng cho thập nhị địa chi gắn liền với đời sống tâm linh người Việt (Thìn, Tỵ, Ngọ…) để làm hiệu lệnh, cổ vũ tinh thần chiến đấu ba quân. Rồi tiếng trống trường, trống đội vui tươi, trống hội hào sảng… Nhiều đình chùa, lễ hội quanh năm, trống là thứ không thể thiếu trong mỗi ngôi làng, mỗi đời người.
|
Làng Đọi Tam của nghệ nhân Phạm Chí Khang, trai đinh ai cũng biết làm trống, hộ gia đình nào cũng làm nghề, song để mở xưởng sản xuất quy mô như gia đình ông thì có khoảng năm mươi hộ. Làm trống cũng có mùa: đầu xuân mùa lễ hội; vào thu, dịp khai giảng và Rằm tháng Tám là những tháng trống xuất đi nhiều nhất. Hai mùa ấy xưởng nhà ông lúc nào cũng có hàng chục tay thợ trống. Mỗi tháng xuất đi cả trăm chiếc trống nên thợ của xưởng ông phần nhiều là thợ tay nghề cao, lương tháng 7-8 triệu đồng; vài thợ vừa là phụ, vừa học nâng cao tay nghề lương cũng khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.
Hệ thống đại lý ông xây dựng ở miền Bắc đã lên con số 15, trống ông làm cũng đã có mặt ở các đại lý miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Có những đợt khách Hàn Quốc, Nhật Bản tìm về tận xưởng của ông đặt hàng. Các con dâu rể, trai gái của ông cũng đều là thợ trống, người con út đang làm với ông, anh thứ hai Phạm Chí Nam đã mở xưởng trống trong Nghệ An, xưởng của anh cả Phạm Chí Long thì nằm ngay đầu ngõ, quy mô khá lớn. “Tôi phải rút dần thôi, sắp 70 tuổi rồi, cũng phải để cho các con độc lập rồi đứng vững với nghề truyền thống của làng nữa”.
|
Ông Khang đang làm nốt công đoạn vẽ hoa văn, hoạ tiết lên trống trước khi giao cho khách. Chiếc trống này có giá trị lên đến mấy chục triệu đồng. |
Khắp trong nhà ngoài ngõ, nhà ngang, nhà ăn, sân, vườn đều chất đầy các cỡ trống. Loại trống cao 1m làm từ gỗ lõi cây mít, giá của mỗi quả là hơn chục triệu đồng. Thấy tôi nhẩm tính, ông Khang cười hồn hậu: “Một trăm chiếc xuất đi mỗi tháng nhưng phần lớn là trống chèo, trống chầu văn giá gần triệu đồng thôi. So với ở quê, so với nông nghiệp hay công của thợ làng nghề nói chung thì thu nhập như thế là cao lắm rồi. Gọi là được “lộc” của nghề thôi chứ nói giàu thì biết thế nào là đủ”.
Vừa nói ông vừa cầm cọ vẽ lên tang chiếc trống lớn đặt giữa sân. Trống đó trị giá mấy chục triệu đồng, ông làm theo đơn đặt hàng của khách ở Thanh Hoá. Bên nước sơn ta thắm đỏ, nét mặt người nghệ nhân giãn ra, ánh mắt lấp lánh.
Uông Ngọc