Có thể xảy ra tai biến nguy hiểm
Nghe nói các phòng khám tư tại TPHCM có dịch vụ lọc mỡ máu rất hiệu quả, chị T.T.T.T. (45 tuổi, ở quận Gò Vấp) liền rủ chồng đến một cơ sở được đồng nghiệp giới thiệu. Ngoài lọc mỡ máu, hút mỡ, cơ sở này còn nhận điều trị mỡ máu cao bằng thuốc, thực phẩm chức năng. Khách hàng còn được khuyến mãi thực đơn theo tháng do bác sĩ dinh dưỡng thực hiện, cam kết sẽ không bị tăng cân, mỡ máu trở lại.
|
Các bệnh viện lớn đều có thiết bị lọc máu, sử dụng để cấp cứu cho người bệnh chứ không dùng để phòng ngừa đột quỵ - Ảnh minh họa |
Tại cơ sở này, nhân viên tư vấn cho chị T. rằng lọc mỡ máu an toàn hơn hút mỡ bụng bởi bác sĩ chỉ dùng kim, dây truyền để dẫn máu của bệnh nhân đi qua máy lọc. Sau đó, máy sẽ bơm “máu sạch” vào lại cơ thể. Quy trình lọc máu khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, tùy theo mức độ mỡ trong máu. Sau khi lọc máu, lấy được mỡ thừa ra ngoài, người bệnh sẽ giảm 90% nguy cơ đột quỵ.
“Một liệu trình lọc từ 15-20 triệu đồng, tôi cho rằng khá rẻ, nếu giới thiệu người khác tới còn được giảm 5 triệu đồng. Tôi thấy phương pháp cũng đơn giản, không phải can thiệp quá nhiều như hút mỡ bụng. Nhất là nếu lấy được mỡ máu thì đúng là phòng ngừa được đột quỵ” - chị T. cho biết. Tuy nhiên, chị đang lưỡng lự vì chồng chị không đồng ý thực hiện do anh đang điều trị gan nhiễm mỡ. Trong một lần đi khám bệnh, anh đã hỏi ý kiến bác sĩ về phương pháp này. Bác sĩ khuyên anh và gia đình nên cẩn trọng, bởi hiện tại các bệnh viện uy tín tại TPHCM không cung cấp dịch vụ này.
Thấy trên mạng xã hội quảng cáo về lọc mỡ máu ngừa đột quỵ, chị N.H.H. (48 tuổi, ở huyện Bình Chánh) liền nghĩ đến việc cho mẹ mình (82 tuổi) đi lọc máu. Chị H. kể mẹ của chị vừa bị suy thận, khả năng phải chạy thận nhân tạo cao, theo thông tin quảng cáo, nếu đi lọc mỡ máu ngay sẽ còn cơ hội điều trị. “Mẹ tôi đã lớn tuổi, nếu phải đi lọc thận định kỳ tôi lo mẹ sẽ không chịu nổi. Nếu lọc mỡ máu có thể kéo dài thời gian không phải chạy thận nhân tạo thì tốt quá” - chị H. chia sẻ.
Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Đình Ân - Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 TPHCM - cho biết lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại, chuyên dụng. Bác sĩ thực hiện phải có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể, được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu mới có thể thực hiện được. Trên thực tế, trong quá trình lọc máu vẫn có thể xảy ra tai biến nguy hiểm cho người bệnh. Hệ thống lọc máu gần giống như lọc thận nhân tạo, chỉ khác là lọc máu diễn ra liên tục, không lấy dịch thay thế mà đưa máu từ cơ thể vào quả lọc. Sau khi máy đi qua quả lọc sẽ quay trở lại cơ thể. Tùy từng màng lọc mà máu được loại bỏ các tạp chất, chất độc hay mỡ máu. Hiện nay, phương pháp này đã được triển khai ở nước ngoài, tuy nhiên chi phí rất cao.
“Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11mmol/L kèm theo viêm tụy. Đối với người bình thường, chỉ số cholesterol cao nhưng chưa có biểu hiện về mặt lâm sàng cũng không cần phải lọc. Chỉ khi có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến triệu chứng lâm sàng thì mới cần lọc máu. Vì vậy, người dân không nên tin vào các quảng cáo, hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm” - bác sĩ Vũ Đình Ân nhắc nhở.
Mỡ máu không phải là nguy cơ tăng đột quỵ
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - có rất nhiều nguyên nhân gây đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, hẹp động mạch nội sọ, nghiện thuốc lá, rượu bia, mỡ máu cao, dị dạng mạch máu não, người cao tuổi… Trong đó, không kiểm soát tốt tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây gia tăng đột quỵ chứ không phải mỡ máu. Vì vậy, cứ nghĩ về mỡ máu, đi lọc máu là hết sức sai lầm.
Mỡ máu cao có thể dẫn đến đột quỵ hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu chỉ mỡ máu cao nhưng người bệnh được phát hiện, điều trị kiểm soát nguy cơ kèm theo sẽ ít khả năng dẫn đến đột quỵ. Mỡ máu cao chỉ làm gia tăng sự tổn thương thành mạch và gia tăng sự hình thành cục máu đông có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ về lâu về dài.
“Việc điều trị tăng mỡ máu phải phối hợp các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân như tiểu đường, thừa cân béo phì, uống rượu bia… chứ không phải là lọc máu. Hiện nay, không có chỉ định lọc mỡ máu để điều trị dự phòng đột quỵ” - bác sĩ Trần Chí Cường nhấn mạnh.
Đa số bệnh viện lớn đều có thiết bị lọc máu nhưng chỉ dùng để lọc máu cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân có tổn thương gan, thận nặng, ngộ độc cấp tính, nhiễm trùng nặng, ngưng tim ngưng thở, suy tạng… Ví dụ người bệnh bị đột quỵ, sau đó ngưng tim, ngưng thở, ngưng tuần hoàn thì cơ thể bị nhiễm chất độc nặng như nhiễm toan, suy thận cấp, nhiều chất độc tích tụ… phải nhanh chóng loại bỏ chất độc, khi đó bác sĩ mới chỉ định lọc máu. Lọc máu để phòng ngừa đột quỵ như thông tin quảng cáo là không hợp lý. Càng không có chuyện lọc máu 1 lần có thể ngăn ngừa mỡ máu lâu dài. Việc điều trị mỡ máu phải kéo dài thường xuyên và phối hợp thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục... mới có hiệu quả.
Do đó, bác sĩ Trần Chí Cường cảnh báo: Không phải bất kỳ ai cũng có thể lọc mỡ máu, trong tình huống người bệnh đang có dị tật, dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não không được điều trị túi phình mà đi lọc máu, sẽ làm gia tăng xuất huyết não cho bệnh nhân, rất nguy hiểm. Hoặc người bệnh có tình trạng hẹp động mạch nội sọ, thiếu máu lên não, khi lọc máu sẽ làm chậm đi vòng tuần hoàn máu của bệnh nhân. Tức là thay vì một lượng máu lên não của người bệnh thì lại về máy lọc kéo dài quá trình đưa máu lên não, gây thiếu máu não, lúc này nguy cơ xảy ra đột quỵ trong khi lọc máu rất cao.
Phạm An