Lọc máu cho bệnh nhân suy thận: không cần đến bệnh viện

03/12/2014 - 11:04

PNO - PN - Lọc màng bụng là kỹ thuật lọc máu cho những bệnh nhân suy thận, có thể thực hiện tại nhà. Nhờ đó, người bệnh đi học, đi làm bình thường mà không phải bỏ học, nghỉ việc để đến bệnh viện chạy thận nhân tạo. Kỹ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Loc mau cho benh nhan suy than: khong can den benh vien

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo suốt đời tại BV

Lọc bằng máy hoặc tay… đều được

Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM là nơi duy nhất ở phía Nam điều trị suy thận mạn cho trẻ. Hiện BV đang có 40 trẻ chạy thận nhân tạo và 20 trẻ lọc màng bụng. Bệnh nhi B.N.N. (11 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) chọn phương pháp lọc màng bụng tại nhà, mỗi tháng đến BV tái khám một lần. Trong khi đó, em N.H.B. (15 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) đã phải bỏ học khi đang dang dở lớp 2 để lên TP.HCM chạy thận. Tôi đã gặp B. cách đây sáu năm. Từ đó đến nay em vẫn ở lại BV, không thể về quê vì mỗi tuần phải chạy thận ba ngày xen kẽ. Nhiều bậc cha mẹ có con chạy thận nhân tạo ở BV Nhi Đồng 2 phải bỏ công việc ở quê, lên TP.HCM tìm việc làm (bán vé số, giúp việc nhà, giữ xe…) để chăm con.

BV Nhân dân 115 TP.HCM hiện có 300/1.000 ca suy thận lọc màng bụng tại nhà. Chị H.L.Th. (42 tuổi, ngụ Q.10) cho biết: “Trước đây cứ 4g sáng tôi phải có mặt ở BV để chạy thận nhân tạo. Bác sĩ (BS) nói tôi có thể thực hiện phương pháp lọc màng bụng, nhưng tôi không an tâm. Một thời gian chạy thận nhân tạo, tôi bị biến chứng nhồi máu cơ tim, tụt huyết áp. Phương pháp lọc màng bụng, dường như hợp với tôi hơn”.

BS Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, BV Nhân dân 115 TP.HCM phân tích: suy thận mạn là tình trạng thận bị suy giảm từ từ và không hồi phục chức năng. Nếu bệnh ở giai đoạn một-bốn, người bệnh chỉ cần uống thuốc, nhưng đến giai đoạn cuối thì phải sử dụng các phương pháp điều trị thay thế cho thận như: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận.

Do nguồn cho thận rất hạn chế, người bệnh thường chọn chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng. Hiệu quả của hai phương pháp này như nhau, đôi khi lọc màng bụng vượt trội hơn, nhưng quyết định kỹ thuật nào là do người bệnh lựa chọn. Chi phí lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo đều được BHYT chi trả.

So sánh hai phương pháp này, BS Dung giải thích: chạy thận nhân tạo, bệnh nhân (BN) sẽ được lọc máu tại BV từ hai-bốn lần/tuần, mỗi lần mất từ bốn-sáu giờ. BN trước và sau khi chạy thận nhân tạo thường mệt mỏi. Hạn chế của chạy thận nhân tạo là do lực và tốc độ luân chuyển của máu quá nhanh, khiến người bệnh có thể tai biến tim mạch. Người bệnh cần hạn chế uống nước vì suy thận sẽ không còn khả năng thải nước tiểu như bình thường. Việc uống nhiều nước, cơ thể thoát nước khó khăn, dẫn đến phù nề; đã có một số trường hợp tử vong vì cơ thể dư nước.

Với phương pháp lọc màng bụng, người bệnh có thể lọc tự động bằng máy hoặc thực hiện bằng tay. Người bệnh chỉ cần truyền dịch vào trong màng bụng thông qua một ống thông mềm và nhỏ. Sau quá trình lọc rửa, nước thừa và các chất cặn bã có trong máu sẽ thải ra ngoài. Mỗi tháng, người bệnh đến BV khám và nhận dịch truyền.

Nếu lọc bằng máy thì máy sẽ tự động thay dịch trong đêm, ban ngày BN có thể đi làm, đi học… Lọc bằng tay thì phải thay dịch bốn lần/ngày, mỗi lần cách nhau bốn-sáu giờ. Lọc bằng tay dù không thuận lợi bằng máy, nhưng giữa các lần thay dịch, BN vẫn hoàn toàn tự do. Lọc màng bụng giúp máu được lọc liên tục 24/24 nên mang lại hiệu quả gần giống với chức năng thận. Nhờ đó, chế độ ăn kiêng ít nghiêm ngặt hơn và người bệnh có thể uống nước theo nhu cầu cơ thể, chức năng thận còn lại được bảo tồn tốt hơn.

Lọc màng bụng ít bị biến động về huyết áp, ít gây thiếu máu. Phương pháp này, nhờ điều chỉnh huyết áp tốt hơn so với chạy thận nên người bệnh giảm dùng thuốc điều trị cao huyết áp, giảm suy tim. Nếu lọc màng bụng được thực hiện tốt sẽ hiệu quả cao, thậm chí có thể tốt hơn chạy thận nhân tạo trong bốn năm đầu áp dụng.

Loc mau cho benh nhan suy than: khong can den benh vien

Bệnh nhân suy thận lọc màng bụng, không cần đến bệnh viện

Các nước áp dụng phổ biến

BV Nhân dân 115 hiện có 400 BN chạy thận nhân tạo với 60 máy chạy thận. Mỗi ngày, BV chia ra thành bốn đợt can thiệp, mỗi máy sử dụng cho bốn BN; bắt đầu từ 4g30 và có khi đến 2g sáng hôm sau mới kết thúc. Dù BN chạy thận nhân tạo vất vả chờ đợi, nhưng phương pháp lọc màng bụng lại ít được lựa chọn.

Ngoại trừ BV Nhi Đồng 2 và BV Nhân dân 115; số BN lọc màng bụng ở các BV khác chỉ vài ca, thậm chí không có ca nào. Thống kê cho thấy, Việt Nam chỉ có 1.700 ca lọc màng bụng/10.000 BN suy thận. Phần lớn những ca lọc màng bụng này do BS chỉ định vì BN không thể chạy thận nhân tạo do mắc bệnh tim mạch (suy tim, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ), xơ vữa mạch máu do mắc bệnh tiểu đường nhiều năm…

Ngược lại, tại các nước tiên tiến, số BN suy thận áp dụng phương pháp lọc màng bụng rất cao, đơn cử như Mexicô đạt 90% tổng số BN suy thận, Hồng Kông 80%... BS Tạ Phương Dung cho rằng, điều khiến người bệnh ít lựa chọn phương pháp lọc màng bụng vì kinh phí ban đầu mua máy khá cao, khoảng 200 triệu đồng.

Mặt khác, tại Việt Nam chưa có cơ sở bảo hành máy nên chỉ mới có vài người sử dụng lọc màng bụng bằng máy. Nếu áp dụng lọc bằng tay thì họ lo ngại việc nhiễm trùng, tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ nhiễm trùng rất thấp. Theo ghi nhận, tại Nhật Bản, mỗi BN trong 74 tháng lọc màng bụng, có một lần nhiễm trùng. Tại Việt Nam, con số ấy là 58 tháng. Riêng tại BV Nhân dân 115, trung bình mỗi BN khoảng 68 tháng lọc thì mới có một lần bị nhiễm trùng nhưng điều trị khá dễ và chưa có ca nào tử vong.

BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - máu - nội tiết, BV Nhi Đồng 2 khuyến cáo, lọc màng bụng là kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả không kém chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, nếu lọc màng bụng tại nhà, đòi hỏi phải có phòng sạch sẽ, nguồn nước tắm rửa đã qua xử lý. Đồng thời, BV phải có đội ngũ BS kinh nghiệm, tập huấn thân nhân và BN kỹ lưỡng cách tự lọc màng bụng, chăm sóc và vệ sinh để tránh nhiễm trùng.

Một giảng viên chuyên ngành thận học của Đại học Y Dược TP.HCM lý giải, ngoại trừ những trường hợp chống chỉ định lọc màng bụng như: mới phẫu thuật trong ổ bụng (mổ gan, lách, mật, ruột…), những trường hợp còn lại đều có thể thực hiện. Phương pháp lọc màng bụng đã có từ lâu nhưng người bệnh ít được tiếp cận vì đội ngũ BS có tay nghề về lọc thận khá hạn chế.

Mặt khác, trước đây các BV công được các công ty tặng máy chạy thận nhân tạo nên hễ có BN lọc máu thì chỉ ứng dụng phương pháp này mà bỏ quên phương pháp lọc màng bụng. Các BV tư, BV tuyến dưới cũng “đua” nhau làm theo BV tuyến trên. Đó là chưa kể, các BV tư không khuyến khích BN tự lọc thận tại nhà vì sợ mất nguồn thu.

VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI