Lộc của ông bà

20/01/2015 - 19:44

PNO - PN - Năm nào cũng vậy, mấy đứa nhỏ trong nhà tôi bắt đầu chộn rộn từ khi tờ lịch đầu tiên của tháng Chạp được gỡ xuống. Các con nôn nao nhắc mẹ sắp đến ngày về quê ngoại lặt lá mai. Nói về quê cho oai, thật ra chỉ nửa...

Cũng từ khi tờ lịch đầu tiên của tháng Chạp được gỡ xuống, mẹ tôi bắt đầu gọi điện cho con cháu, thông báo tình hình vườn mai năm nay ra sao. Nhà mẹ có đến mấy chục gốc mai, toàn mai già, có cây được trồng từ thời ông sơ tôi còn sống. Mai cổ thụ quý hiếm nên rất nhiều người trả giá cao, nhưng ba mẹ nhất định không bán. Mẹ tôi còn cẩn thận ghi vào sổ từng chi tiết về nguồn gốc của mỗi cây mai, ai đã trồng, ai chăm sóc, ai di dời chúng đến vị trí hiện tại… Mẹ nói ông bà ngày xưa nghèo, chỉ để lại cho con cháu mảnh đất này và của gia bảo là cây trái trong vườn, trong đó có những cội mai. Bởi thế, dù giá đất ngoại ô mấy năm nay tăng vọt, mọi người chia nhau phân lô bán nền, nhà cửa mọc lên san sát, ngôi nhà nhỏ của mẹ vẫn bình yên nằm giữa khu vườn rợp bóng cây xanh.

Loc cua ong ba

Có lần tôi nghe đám cháu thắc mắc, sao phải về nhà bà lặt lá mai, trong khi ở nhà ông bà cũng có thể tự lặt được, không có tụi con thì ông bà làm lâu một chút thôi. Tại sao ông bà lại để dành vườn mai cho các cháu? Mẹ tôi cười bảo đó là lộc ông bà muốn lì xì cháu con. Lặt lá mai là chuẩn bị đón Tết, là ươm mầm cho mùa xuân. Mỗi đứa được phép chọn cây mai yêu thích rồi một mình lặt lá cho nó. Nếu muốn, hai đứa có thể lặt chung một cây. “Luật” là vậy, nhưng đa số các cháu thích làm một mình để hưởng trọn thành quả. Đến Tết, cây mai nào ra hoa nhiều và đẹp, bà sẽ bảo nhờ công người giỏi lặt lá. Phần thưởng cho chủ nhân của cây mai ấy dĩ nhiên “nặng ký” hơn. Ngoài phần thưởng, mỗi đứa đều được bao lì xì và chụp hình chung với cây mai của mình để dán vào sổ truyền thống gia đình. Những cháu lớn còn tranh thủ đem ảnh và quà thưởng khoe trên facebook.

Các con tôi rất háo hức. Mùa hè về ngoại chơi, chúng đã ngấm ngầm chọn cây mai đẹp cho cuộc thi cuối năm. Mấy đứa cháu con của các anh chị tôi cũng vậy. Kết quả là chưa qua mùa thu, việc lặt lá mai trong vườn đã được các cháu tự nguyện đăng ký gần hết. Và dù bận học, mỗi đứa đều hoàn thành nhiệm vụ thay áo mới cho các cội hoa trước rằm tháng Chạp. Chúng nôn nao từ đó, ăn ngủ không yên, cứ liên tục gọi điện về hỏi thăm tình hình “cây mai của con”.

Trong khi bọn trẻ vừa làm vừa chơi rộn ràng ngoài vườn, mấy chị em tôi phụ mẹ dọn nhà, giặt chăn màn. Kỷ niệm những ngày xuân xa xưa ùa về. Tết của chúng tôi không phải chỉ vài ngày đầu năm. Tết thật sự là cả một mùa dài. Việc con cháu chộn rộn thi lặt lá mai như một bước khởi đầu, một lễ nhỏ trước khi mùa xuân đến. Tôi cảm giác gia đình mình được vui Tết hai lần. Truyền thống gia đình đã giúp các con, những đứa trẻ đất phố, có được một mùa Tết không tẻ nhạt.

 LƯU HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI