Lộc Bình gượng dậy sau bão dữ

30/10/2013 - 17:17

PNO - PNO - Về Lộc Bình, huyện Phú Lộc những ngày này đi đâu cũng thấy cảnh tượng cây cối đổ ngã nằm ngổn ngang khắp đầu làng cuối xóm. Trong lúc đó gần 171 ngôi nhà tốc mái của bà con xã Lộc Bình đang được các cấp hội, lực...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Huế ở thôn An Bình giữa cơn mưa nặng hạt. Chị Huế thẫn thờ nhìn mưa rơi xối xả, nước lênh láng trong nhà mà không có cách nào để chống dột. Người hàng xóm ở cạnh nhà chị Huế cho biết, mấy ngày nay nhà lớn của gia đình chị Huế bị tốc mái ngói. Hai vợ chồng không có tiền mua ngói lợp nhà nên cứ để liều mặc cho nước mưa tuôn thẳng vào nhà. Để “tiếp tục duy trì cuộc sống” anh chị và đứa con út đang học lớp 9 phải qua tá túc bên nhà con gái.

Loc Binh guong day sau bao du
Nhà chị Huế bị gió bão đánh sập, tốc ngói, mưa trút xuống tràn đầy nhà

Chị Huế tâm sự: “Không còn chi nữa chú ơi, thôi thì cứ đành để nhà cửa vậy. Nhìn nhà cửa mưa dột như ri tui ứa nước mắt. Nhưng thật lòng mà nói đến giờ phút này tui cũng hết cách rồi, đành chịu thua trời. Tội cho con bé út đang học lớp 9 gió bão bất ngờ đổ bộ trong đêm làm nhà tốc mái, sách vở của cháu để trong nhà ướt rách tả tơi. Mấy hôm nay đi học lại cháu phải ghi tạm bài vào cuốn vở nháp".

Theo thống kê của UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, sau bão số 1, toàn xã Lộc Bình có 3 nhà bị sập, số hộ có nhà tốc mái hiện chỉ lợp lại phần mái chưa đầy 40%. Đa số những nhà bị tốc mái ở xã này đều rơi vào các hộ nghèo, những hộ sống trong nhà tạm, ven phá thuộc các thôn Mai Gia Phường, Hòa An, An Bình. Riêng 3 hộ có nhà bị sập hoàn toàn tập trung tại 2 thôn Hòa An và Tân Bình đến nay vẫn không có tiền để làm nhà lại, phải tá túc sang nhà bà con để ở tạm.

Loc Binh guong day sau bao du
Lãnh đạo Hội nông dân Việt Nam tặng quà cho gia đình ông Hòa, xã Lộc Bình

Ông Trần Đe, ngụ thôn Mai Gia Phường kể: 3 giờ sáng ngày 15/10 nhà tôi tốc mái hết cả, vợ tôi và 3 đứa con phải di chuyển đi tránh trú bão nơi khác. Hết bão, về nhìn thấy nhà cửa tan hoang tôi không thể nhận ra đó là mái ấm từng che mưa che gió cho cả gia đình mình”. Hôm chúng tôi ghé thăm mấy cha con ông Đe vẫn dùng áo mưa để che tạm mái hiên nhà. Riêng nhà dưới đã được lợp lại hơn nửa. “Bây giờ sau bão ai cũng khổ như nhau. Chừ ráng đến mô hay đến đó. Ai thương tình cho chi thì lấy nấy thôi” -ông Đe buồn bã nói.

Loc Binh guong day sau bao du
Rừng keo trồng từ 2 đến 4 năm tan nát sau bão số 11

Đang cùng chồng vác tấm tôn xi măng về lợp lại nhà, chị Trần Thị Tình ở thôn Mai Gia Phường lúi húi dọn dẹp đống đổ nát, cố lượm lặt những gì còn xót lại trong nhà, chị tâm sự: “Mấy ngày ni mỗi lần đi ra chợ là nghe bà con than thở về rừng keo. Còn hơn một năm nữa là bà con trồng keo ở xã Lộc Bình có thể thu hoạch được. Ai ngờ bão quét vào, rừng keo tan tác. Nguyện vọng của những hộ trồng keo tại xã mong muốn ngân hàng gia hạn nợ và cho bà con vay thêm vốn để tiếp tục trồng keo cũng như trang bị ngư cự khai thác thủy sản trên đầm Cầu Hai”.

Loc Binh guong day sau bao du
Người dân thôn Hòa An, xã Lộc Bình cố gắng lượm lặt những gì còn sót lại sau bão dữ

Ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình cho biết, đến thời điểm này, toàn xã có 3 nhà sập, 171 nhà tốc mái; 165ha rừng keo, tràm 2-4 tuổi gãy đổ, thiệt hại trên 70%. Ông Lê Túy nói, trong hoàn cảnh khó khăn, người dân nơi đây tự động viên nhau, người còn thì của còn, để vượt qua cơn hoạn nạn, khốn khó.

THUẬN HÓA
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI