PNO - Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) đã chia sẻ xung quanh những băn khoăn về quy trình lọc ảo trong tuyển sinh năm nay.
Phóng viên: Thưa bà, tại sao phải lọc ảo chung thay vì để các trường tự xác định theo tinh thần tự chủ, Bộ chỉ cần có giải pháp kỹ thuật để quản lý để giám sát việc các trường thực hiện quy chế tuyển sinh, ngăn những trường gọi thí sinh nhập học sớm, không công bằng với thí sinh khác?
Bà Nguyễn Thu Thủy: Phân tích số liệu tuyển sinh những năm qua cho thấy, có hiện tượng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo nhưng nhập học, một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn hoặc phải nộp tiền để giữ chỗ gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT)
Mặt khác, nếu thí sinh xét tuyển bằng kết quả học tập vào nhiều cơ sở đào tạo phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT phải mất thời gian sao in chứng thực kết quả học tập cho thí sinh gây tốn kém cho thí sinh và xã hội; các cơ sở đào tạo mất thêm thời gian cập nhật kết quả học tập của thí sinh để xét tuyển, một số cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập để sơ tuyển không có dữ liệu chính xác dẫn đến còn tồn tại khá nhiều sai sót trong xét tuyển.
Do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường nên tỷ lệ thí sinh ảo rất cao; hệ quả là: thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác; các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh không hoàn toàn đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm (trường không có điều kiện để lựa chọn các thí sinh có chất lượng tốt hơn). Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo xét thí sinh trúng tuyển nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, dự thảo quy chế tuyển sinh đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật đó là thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1.
Thực chất, hệ thống của Bộ không xét tuyển mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của các thí sinh dựa trên các ưu tiên của các em, để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất mà các em có thể trúng tuyển. Theo đó, thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất trong khả năng của mình, đồng thời hạn chế số lượng thí sinh ảo.
* Có ý kiến cho rằng, phương án này ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường?
- Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định, các cơ sở đào tạo được xét tuyển nhiều đợt trong năm, nhưng vẫn quy định lịch trình chung cho xét tuyển đợt 1, đồng thời quy định thí sinh phải tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp mới đủ điều kiện để xét và trúng tuyển vào đại học; vào cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Các trường hoàn toàn chủ động tổ chức xét tuyển sớm với các phương thức khác nhau (trước khi thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT), tuy nhiên phải chờ tới khi thí sinh có kết quả xét tốt nghiệp mới được công bố thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học.
Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022 tại Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM
Với quy định về hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung như trong dự thảo quy chế năm nay, lịch xét tuyển chung đợt 1 cơ bản không thay đổi so với các năm trước. Hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung cũng không làm thay việc xét tuyển của các trường, không ảnh hưởng đến quyền tự chủ xét tuyển của các trường; thời gian các trường có thể công bố danh sách thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học có thể chậm hơn 2-3 tuần so với các năm trước, nhưng mang lại lợi ích lớn hơn cho thí sinh và cho toàn hệ thống.
Các cơ sở giáo dục đại học vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định, áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng với các đối tượng thí sinh đa dạng, đồng thời dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa.
* Về dài hạn, Bộ dự định quản lý vấn đề lọc ảo trong tuyển sinh ra sao?
- Có thể nhận thấy từ những đổi mới cả về cấu trúc, nội dung và cách tiếp cận trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay, vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT và quyền tự chủ tuyển sinh của các cơ sở đào tạo đã được xác định rõ.
Dựa trên những yêu cầu chung và những nguyên tắc cơ bản quy định trong dự thảo, các cơ sở đào tạo tự chủ xây dựng và lựa chọn áp dụng phương thức tuyển sinh phù hợp nhất, thực hiện “thống nhất trong đa dạng”, bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh, cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát để phát hiện và khắc phục các bất cập trong công tác tuyển sinh, những điều chỉnh nếu có sẽ chủ yếu tập trung vào giải pháp kỹ thuật.
Hệ thống hỗ trợ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sẽ được tiếp tục phát triển, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu dân cư, từng bước sẽ trở thành một nền tảng cung cấp các dịch vụ và tiện ích tốt nhất cho thí sinh và cho các cơ sở đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, kết nối với cơ sở dữ liệu các bậc học, quản lý thông tin người học thông suốt từ quá trình tuyển sinh, đào tạo tới cấp bằng tốt nghiệp.