Lọc ảo: càng lọc càng ảo!

12/12/2018 - 08:16

PNO - Các đại biểu cho rằng, tham gia xét tuyển nhóm có lợi cho cả trường lẫn thí sinh. Cái lợi dễ thấy và lớn nhất chính là giúp các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) bớt “sụp hố” thí sinh ảo.

Ngày 11/12, đại diện 86 trường đại học, cao đẳng thuộc nhóm lọc ảo tuyển sinh phía Nam đã tổng kết công tác “lọc ảo, xét tuyển 2018 và bàn công việc cho kỳ tuyển sinh 2019”. 

Các đại biểu cho rằng, tham gia xét tuyển nhóm có lợi cho cả trường lẫn thí sinh. Cái lợi dễ thấy và lớn nhất chính là giúp các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) bớt “sụp hố” thí sinh ảo. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Hải Quân - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhóm xét tuyển phía Nam sử dụng phần mềm lọc ảo thực hiện lọc những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào một trường thành viên giúp các trường xét tuyển phù hợp yêu cầu và giảm tỷ lệ thí sinh ảo. Các trường hoàn toàn tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh tỷ lệ gọi trúng tuyển (chỉ tiêu xét tuyển) và xác định điểm chuẩn cho từng ngành, nhóm ngành hay chương trình. Kết quả của việc xét tuyển theo nhóm đã đạt được kỳ vọng của các trường. 

Loc ao: cang loc cang ao!
Thí sinh tham gia xét tuyển đại học năm 2018

Nhìn thấy lợi ích của việc cùng nhau lo chuyện xét tuyển, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương - Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - khẳng định việc xét tuyển nhóm rất hiệu quả và sẽ tiếp tục tham gia ở kỳ tuyển sinh 2019.

Chính vì sợ thí sinh trúng tuyển “ảo” quá lớn ảnh hưởng đến hiệu suất tuyển sinh nên các trường đã dựa vào nhau để cùng… chống ảo. Năm 2018, cả nước có gần 292 trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Có 86 trường tham gia nhóm xét tuyển phía Nam (gần 30%) và 57 trường thuộc nhóm phía Bắc (gần 20%). Như vậy, có đến một nửa số trường ĐH, CĐ gia nhập nhóm lọc ảo, xét tuyển chung. 

Các trường cho rằng, lợi ích rõ nhất của thí sinh khi các trường xét tuyển theo nhóm là tăng khả năng trúng tuyển. Năm 2016, một số trường đưa ra điểm chuẩn cao quá nên chỉ tuyển được 40-80%. Với việc tham khảo số liệu phần mềm lọc ảo chung của nhóm, các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp và điều này cũng giúp thí sinh không bị rớt oan. Nhưng kỳ thực, việc tham gia lọc ảo chỉ mang lại lợi ích cho trường trong việc “chống lại” lỗ hổng mà quy chế tuyển sinh tạo ra. 

Theo quy chế, thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng nên tỷ lệ “ảo” lớn là không tránh khỏi. Điều này khiến các trường gặp khó khăn trong việc xác định điểm chuẩn, tránh tình trạng đưa ra điểm chuẩn quá cao (sẽ không có người học) hoặc quá thấp (số người vào học vượt quá chỉ tiêu). Vì thế, trước khi xác định điểm chuẩn, các trường ĐH phải chờ Bộ GD-ĐT hoàn tất quy trình “lọc ảo” trong ba ngày, mỗi ngày chạy hai lần.

Sau đó, mỗi ngày các nhóm sẽ phải lọc thêm vài lần nữa. Vào cuối mỗi buổi sáng, chiều, các trường sẽ “đẩy” dữ liệu về Bộ GD-ĐT để tiếp tục lọc ảo. Trong ba ngày xét tuyển, bộ thực hiện lọc ảo sáu lần trước khi trả dữ liệu về để các trường có căn cứ xác định điểm chuẩn. 

Có thể thấy, quy trình lọc ảo để xác định điểm chuẩn quá nhiêu khê. Nguyên do là vì ngành giáo dục vẫn loay hoay với những vấn đề kỹ thuật để bịt lỗ hổng thay vì phải tìm ra phương án tuyển sinh tối ưu hơn. Bởi thế, dù đã lọc qua rất nhiều lần nhưng ảo vẫn ảo. 

Mặt khác, việc lọc ảo chỉ có tác dụng với phương án xét điểm thi THPT quốc gia, vô hiệu với các phương thức tuyển sinh còn lại. Thực tế này góp phần tạo ra tỷ lệ ảo thêm lớn mà phần mềm lọc ảo vô phương chạm đến; quy trình lọc ảo chưa xong thì kết quả đã lạc hậu so với thực tế.

Điều đáng nói là cơ chế tự chủ tuyển sinh nửa vời (các trường được tuyển sinh bằng nhiều phương thức nhưng thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển chung đợt và cùng thời điểm) nên việc chống ảo cứ mãi ngụp lặn trong “bể ảo”. 

Gia Tuệ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI