Loay hoay xế chiều

08/09/2013 - 20:20

PNO - PNCN - Làm dâu được vài năm, Liên thật tình nói với chồng: “Nào giờ em cứ nghĩ bố em là tệ với vợ con nhất rồi, nay em mới biết có người còn… tệ hơn. Ít ra thì bố em cũng còn mang tiền về nhà…”. Chồng Liên cười như mếu,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Má chồng Liên quanh năm đau ốm. Nghe nói ngày xưa bà vất vả nhiều, thức khuya dậy sớm chạy gạo nuôi con. Ba chồng chị đi làm, tiền bạc để riêng, vợ con đừng hòng tơ tưởng. Chồng Liên kể, hồi nhỏ, mấy chị em của anh vẫn thường sang nhà hàng xóm xem ké ti vi, ba anh dù vàng xếp đầy va ly, vẫn hà tiện không mua sắm vật dụng gì trong nhà. Thậm chí, có lần má bệnh ngặt nghèo, ba anh vẫn điềm nhiên như không, vì không muốn tốn tiền thang thuốc. Nếu không có họ hàng giúp đỡ, chắc má anh chẳng còn sống tới ngày này.

Thế nhưng, cuối cùng của nả vẫn không cánh mà bay. Ngày Liên về, nhà chẳng có đến cái bếp gas, đun nấu bằng cái bếp dầu duy nhất. Chẳng có món đồ điện máy nào hiện diện trong nhà. Ba chồng chị tự làm tiêu tán mọi thứ bằng những trò đỏ đen, huê hụi. Tính ông kỹ với vợ con, nhưng lại dễ dàng nghe theo người ngoài. Đó là chút chuyện Liên góp nhặt được qua những lần nghe má chồng tâm sự. Bà bảo, may quá, nhà có ba thằng con trai không đứa nào giống tính ba mày, vợ con cũng đỡ khổ. Đàn ông mà khư khư giữ tiền, đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành thì đúng là bi kịch!

Liên vẫn nhớ những đêm khuya bị đánh thức bởi tiếng ho khan không dứt của má chồng lẫn tiếng mớ ngủ vô tư của ba chồng. Vợ chồng chị đi làm, ở nhà suốt ngày chỉ còn ba má chồng. Theo như cách chồng chị bảo, ba má khắc khẩu, nên già rồi mà cãi nhau hoài. Từ chuyện bữa nay ăn món gì cho tới chuyện nên chan canh từ chén… thứ mấy cho dễ ăn. Từ chuyện phơi phóng quần áo cho tới việc rửa bộ bình trà ấm chén. Má chồng Liên hay ca cẩm ý kiến, cái gì cũng muốn… chỉ đạo. Ba chồng Liên thì cộc, chỉ thích làm theo ý mình. Nào là quần áo mặc xong không cần giặt mà lộn trái ra phơi, cho đỡ cũ. Nào là quan tâm tới việc chi dùng đồng tiền trong nhà làm gì. Thế nhưng, ai đau ốm khó khăn gì thì ba chồng Liên mặc kệ, miễn tới bữa có cơm ăn, ăn xong thì ngủ trưa tới tận cuối ngày. Cảnh chiều chiều hai vợ chồng Liên vừa đi làm về đến cửa là được hai ông bà già hối hả níu lấy, kể tội lẫn nhau, chờ con cái… phân xử diễn ra thường xuyên.

Chồng Liên phân tích, hồi trước ba đi làm suốt ngày nên cũng không đến nỗi. Giờ mất sức, phải quanh quẩn trong nhà đã là ngột ngạt bó buộc, thêm việc chịu đựng tính khí khó chịu, hay nói, hay bắt bẻ của má nữa, quả là cực hình. Liên bênh má chồng, phản biện rằng, ba anh cũng quá đáng lắm, là má chịu nhịn, chứ em thì không chấp nhận cảnh như thế nổi. Có đâu mà suốt ngày ung dung trà nước, rồi đòi hỏi vợ con phải cơm bưng nước rót như ông hoàng, bỏ mặc má đau bệnh thế nào cũng kệ. Sao anh không góp ý với ba, chỗ cha con, đàn ông với nhau, biết đâu ba suy nghĩ lại…

Loay hoay xe chieu

Ảnh: Thảo Vân

“Khổ nỗi, giờ thì không thể nào thay đổi gì nữa đâu em! Cả đời má còn chẳng trông mong được gì nữa là, có đâu vì vài câu nói của anh mà ba biết thương má”, chồng Liên buột miệng. Thói quen thờ ơ, luôn muốn được cung phụng bắt đầu từ việc má gắng chu toàn hết, má quen suy nghĩ, đàn ông ra ngoài làm lụng cực nhọc, có đâu lại phải mó tay vào việc của đàn bà trong xó bếp. Nên bây giờ, dù lạ lẫm và chắc là “chướng mắt” lắm khi thấy anh phụ Liên việc nhà, nhưng má chồng Liên vẫn im lặng không phản đối. Liên cũng tránh để má phải chạnh lòng, nhưng vẫn cương quyết không để đời mình đi theo vết xe đổ của má chồng.

Liên nghĩ, cũng do má mà ra. Đàn bà phải biết uốn nắn, định hướng cho các ông ngay từ đầu. Không thể chồng chúa vợ tôi. Càng không bao giờ nhân nhượng cho “địch” lấn tới. Chị rút ra kết luận này từ kinh nghiệm đau thương của cả hai gia đình. Mẹ Liên cũng cả đời khổ vì cái tính gia trưởng và hay bay nhảy của bố. Lại thêm mẹ ở nhà nội trợ, nên tư tưởng luôn phục tùng, hầu hạ. Trong tâm trí Liên vẫn còn nguyên cảm giác bất nhẫn khi bố ngồi xuống mâm cơm là buông lời chê món này món nọ. Dù mẹ Liên đã cố công bày vẽ, thay đổi, chiều ý bố, nhưng ông hiếm khi hài lòng. Lớn hơn một chút, Liên cứ không hiểu, tại sao mẹ phải chịu đựng bố chừng ấy thời gian, mòn mỏi, khổ sở như thế. Những đêm dằng dặc chờ cửa, những giọt nước mắt đổ xuống vì ghen tuông ấm ức, vì bị xem thường, vì phụ thuộc, vì không có bạn bè, sự nghiệp hay đam mê giải trí gì của mẹ làm Liên chua xót. Cuộc sống của mẹ có gì vui thú đâu. Con cái lớn lên rồi cũng sẽ lập gia đình, bay khỏi cái tổ quen thuộc, bỏ lại hai ông bà già đang cố gắng chịu đựng nhau lúc tuổi xế chiều.

Sau cơn đột quỵ nhẹ, bố Liên “lối cũ ta về”, nhận sự chăm sóc của vợ như một điều hiển nhiên. Vợ chồng không tình cũng nghĩa. Liên đỡ đần phụ mẹ, cảm thấy số mẹ quá khổ, đến già cũng chẳng được nghỉ ngơi. May sao, bố Liên hồi phục và tiếp tục cách sống “văn nghệ” bao nhiêu năm…

Giờ căn nhà rộng chỉ còn lại bố mẹ Liên, hai người lặng lẽ thu vào hai thế giới. Mẹ chú tâm vào việc đọc sách, trồng cây thuốc nam, may vá lặt vặt cho đám cháu nội ngoại. Bố tụ tập bạn bè cũ, la cà quán quen, thi thoảng lại đi chơi đây đó vài ngày. Hai người tiếp tục bên nhau trong buổi hoàng hôn, tưởng song hành mà cô độc vô cùng.

Nhiều lúc, Liên cũng tìm cách để bố mẹ cởi mở, chia sẻ với nhau hơn, nhưng chỉ nhận lại được thái độ bất hợp tác của cả hai người. Mọi thứ đã muộn màng quá rồi, và như lời chồng Liên bảo, chuyện của ba má thì chỉ có ba má mới có thể giải quyết được, con cái dù muốn chẳng thể xen vào. Mà có nhất thiết phải bới xới mọi thứ lên theo chuẩn mực, suy nghĩ của thời chúng ta hay không? Mẹ Liên hay má anh cũng đã quen rồi, đã chấp nhận lâu nay rồi, đã lấy làm thường với cuộc sống như thế, suy nghĩ như thế, hoàn cảnh như thế. Có chăng bây giờ, khi buổi xế chiều đến, họ buộc phải “chạm mặt” nhau nhiều hơn trong cùng một mái nhà, những đau bệnh kéo họ gần lại nhau trong nỗi chịu đựng ít nhiều. Không nhất quyết lôi nhau ra tòa “tự giải thoát” làm mất mặt con cháu đã là may lắm rồi!

Chồng Liên bảo, nghĩ xa xôi thấy sợ thật. Chẳng biết năm ba chục năm nữa, mình có ngán ngẩm mỏi mệt gây nhau suốt như ba má anh, bố mẹ em hay không đây? Chẳng lẽ tình già khó có thể ấm êm, dịu ngọt? Hay bởi thế hệ của cha mẹ chúng ta đã không dám đối diện với những khúc mắc từ thời trẻ, mà né tránh cam chịu, để đến hoàng hôn, mới hỡi ôi giật mình…

HOÀNG MY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI