Loay hoay với bệnh án điện tử

08/03/2019 - 14:00

PNO - Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1/3/2019, các bệnh viện hạng I sẽ áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân không cần sổ khám bệnh như thông thường. Tuy nhiên, tới nay, nhiều bệnh viện vẫn đang loay hoay.

Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội cho thấy, trong những ngày này, ở hầu hết các khoa của BV, việc triển khai bệnh án giấy vẫn đang tiến hành như thông thường. Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV - cho biết, dù chủ trương đưa ra thực hiện từ ngày 1/3, song BV vẫn phải triển khai từng phần và làm từng bước bởi đây là vấn đề không đơn giản. BV phải đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin.

Loay hoay voi benh an dien tu
Hồ sơ bệnh án. Ảnh: Hiếu Nguyễn

“Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề cần phải tính đến như việc lưu hồ sơ bệnh án phải an toàn, nếu mất mạng hay hỏng mất dữ liệu thì phải xử lý thế nào? Bảo mật thông tin cá nhân ra sao?”, tiến sĩ Hùng chia sẻ. 

Tương tự, tại BV Y học cổ truyền (Bộ Công an), bác sĩ Lê Thị Thu Hà - cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp - cho biết, đơn vị này mới triển khai dự án hệ thống mạng LAN trong công tác khám chữa bệnh giai đoạn 1. Tuy nhiên, việc triển khai này mới chỉ thực hiện quản lý khám chữa bệnh tổng quát, kê đơn và kết nối nội mạng với bộ phận dược để bệnh nhân nhận thuốc hoặc kết nối kế toán để thanh toán...

Còn để triển khai bệnh án điện tử, mỗi người có một hồ sơ lưu trữ sức khỏe online thì đến nay chưa đủ điều kiện thực hiện do hệ thống cần được đồng bộ và nâng cấp tốt hơn. 

Loay hoay voi benh an dien tu
Thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay để quản lý hồ sơ bệnh án điện tử

Điều đáng nói là dù đã có quy định về việc áp dụng bệnh án điện tử, đã có lộ trình để thực hiện, nhưng liên quan vấn đề này, mới đây, trả lời báo chí, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện cục vẫn đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để làm giao thức kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các BV với nhau. Các phần mềm này phải thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh, cơ sở khám bệnh. 

Theo một chuyên gia, với chương trình có quy mô như bệnh án điện tử, việc đưa ra những tiêu chuẩn này cần phải kịp thời hơn để các BV có thể sớm triển khai, không bị “rối” vì thiếu thông tin cụ thể. Thậm chí, nhiều BV mong muốn Bộ Y tế có quy định một phần mềm y tế dùng chung thay vì việc mỗi nơi phát triển một phần mềm riêng, gây khó khăn khi liên thông bệnh án điện tử trong toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, nhiều BV lo lắng vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Bởi theo quy định, hồ sơ bệnh án điện tử phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy, phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung nhập vào bệnh án điện tử… Đồng thời, vẫn phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại mục 2, chương II, Luật An toàn thông tin mạng. 

Trong trường hợp thông tin của bệnh nhân không được bảo mật thì bệnh nhân hoàn toàn có thể khởi kiện BV. Ông Trần Quý Tường cho rằng, với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần có ngành đào tạo công nghệ thông tin chuyên về y tế để có các giải pháp tối ưu trong việc bảo mật dữ liệu khám chữa bệnh… 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI