Nhiều chị em đang phát sốt vì một loại viên uống giảm cân từ châu Âu có cơ chế hoạt động cực kỳ mới. Sản phẩm này được bán với giá hơn 300.000 đồng 30 viên, liệu trình uống mỗi ngày 3 viên (trước mỗi bữa ăn 20 phút) trong vòng 4 - 8 tuần. Theo quảng cáo, nếu uống đều đặn, người dùng có thể giảm từ 4 - 8kg. Đặc biệt sản phẩm được quảng cáo không gây mệt mỏi, không cần nhịn ăn nên rất an toàn.
Chúng tôi liên hệ với người bán hàng để hỏi rõ hơn về cơ chế giảm cân của viên uống này, bằng cách nào nó lại có tên gọi là viên… kháng mỡ. Chủ shop online giải thích rằng thành phần của viên uống trên là một loại chất xơ đặc biệt, khi uống vào, các chất xơ trên sẽ như thỏi nam châm hút hết mỡ vào tạo thành một quả bóng mỡ. Nhờ uống trước khi ăn nên chất xơ trong viên uống sẽ ngăn chặn sự hấp thu mỡ từ thức ăn vào cơ thể, gom thành quả bóng mỡ và thải ra ngoài theo đường tiêu hóa.
Giảm cân bằng viên uống từ dầu dừa
Bên cạnh viên kháng mỡ, chị em cũng đang săn lùng thực phẩm chức năng xách tay từ Nhật có thành phần dầu dừa. Một gói sản phẩm này gồm 40 viên, hiện đang được rao bán tràn lan trên mạng với giá hơn 300.000 đồng. Liều lượng sử dụng từ 2 - 4 viên/ngày, trước bữa ăn 30 phút. Thành phần của viên uống trên bao gồm dầu dừa, nhiều loại vitamin B1, B2, B6 và đặc biệt có các a-xít amin L-Carnitine giúp đốt cháy chất béo và đường.
Sở dĩ những viên uống giảm béo trên được ưa chuộng vì giá thành rẻ, dễ tìm, không phải can thiệp xâm lấn và đặc biệt là đáp ứng được điều mà những ai đang bận rộn, ít thời gian đều ngại đối diện: không cần nhịn ăn, kiêng ăn; không cần tập thể dục, vận động.
Uống viên giảm béo như ăn rau trái giá cao?
Tuy nhiên, thực hư về hiệu quả giảm béo của những sản phẩm trên thế nào, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Phước Thành, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM, lưu ý: Trước tiên, ta bàn tới cơ chế kháng mỡ - giảm béo của viên uống được quảng cáo là một loại chất xơ đặc biệt hấp thu chất béo thành một quả bóng trong ruột rồi đẩy ra ngoài theo đường tiêu hóa. Nghe có vẻ rất thuyết phục và hợp lý, nhưng thực chất người tiêu dùng lại đang trả tiền để mua một sản phẩm gồm chất xơ được bổ sung thêm vitamin, chỉ cần ăn rau trái cũng có tác dụng tương tự. Bên cạnh đó, phải hiểu rằng, dù có thật sự hấp thu được chất béo thì viên uống kia cũng chỉ hấp thu được chất béo đang trong thức ăn ở ruột, không thể hấp thu chất béo trong máu. Bởi vậy, chỉ trông chờ vào việc uống viên này mà giảm béo là điều không tưởng.
Tiếp đến là sản phẩm viên uống dầu dừa giảm béo. Bác sĩ Thành khẳng định dầu dừa không có tác dụng giảm béo. Trong thành phần của viên uống này có carnitine - màng tế bào, có tác dụng đốt cháy năng lượng nhưng vấn đề là cơ thể có hấp thu được carnitine đưa từ ngoài theo đường uống không, hay là uống vào bao nhiêu lại bị… đào thải ra ngoài bấy nhiêu theo đường tiêu hóa? Carnitine trong cơ thể sẽ tự sản sinh khi ta vận động nhiều, chứ không phải cứ uống carnitine vào là thay thế được.
Cơ chế giảm béo của cơ thể như thế nào?
Theo bác sĩ Thành, để tránh tiền mất tật mang, phái đẹp cần trang bị kiến thức cơ bản về cơ chế giảm béo của cơ thể. Khi nắm vững nguyên lý này, mọi người sẽ lựa chọn cho mình cách giảm béo an toàn, hiệu quả nhất.
Phần lớn mỡ trong cơ thể người được chứa trong tế bào mỡ. Quá trình đào thải (ly giải mỡ) là một chuyển hóa mà trong suốt quá trình đó, triglyceride trong tế bào mỡ được thủy phân thành triacylglycerol và a-xít béo bởi enzyme lipase. A-xít béo này được ô-xy hóa tạo thành acetyl-CoA, FADH2, NADH, cuối cùng sinh ra năng lượng, Co2 và nước. Men lipase này được điều tiết bởi các hoóc-môn như epi, norepi, glucagon, ANP, BNP, cortisol. Nói tóm lại, theo cơ chế trên, khi chúng ta vận động nhiều thì mỡ sẽ được đào thải như một dạng năng lượng.
Giảm cân khác giảm béo
Tiếp đến, ta cần phân biệt giảm cân và giảm béo. Giảm cân chưa chắc đã giảm được mỡ (béo). Cân nặng cơ thể bao gồm: cơ, mỡ, xương, nước. Trường hợp nhịn ăn, vận động ít, cơ thể sẽ lấy phần năng lượng từ khối cơ và một ít từ mỡ để duy trì sự sống của cơ thể. Như vậy, bạn sẽ mất từ khối cơ nhiều hơn từ khối mỡ, cho nên vẫn đạt được kết quả giảm cân nhưng về hình dáng cơ thể không thay đổi nhiều (skinny fat - ốm mình dây nhưng tỷ lệ mỡ cao). Chất lượng sức khỏe của những người skinny fat thay đổi theo chiều hướng bất lợi, ốm yếu nhưng người lại lỏng lẻo, mỡ nhiều, sức bền kém.
Bên cạnh đó, có những người dù không mập nhưng vẫn luôn có tâm lý phải giảm béo. Tâm lý phải giảm béo được WHO xem là một bệnh lý tâm thần “Anorexia Nervosa”. Những người này cần được chữa trị tâm lý và dinh dưỡng. Bạn cần thiết phải giảm cân chỉ khi thấy những dấu hiệu và triệu chứng rõ rệt của hội chứng chuyển hóa gây ra, ví dụ như đau cơ xương khớp do không chịu nổi khối lượng cơ thể, chức năng hô hấp suy giảm do ảnh hưởng lên nhóm cơ thở, việc sinh hoạt hằng ngày trở nên khó khăn, ảnh hưởng chất lượng sống... Còn một cách nữa để tính xem mình có bị béo phì là bằng chỉ số BMI (khối lượng cơ thể chia cho chiều cao bình phương). Nếu chỉ số này lớn hơn 30 nghĩa là bị béo phì.
|
Không viên giảm béo nào hiệu quả bằng tập thể dục kết hợp với dinh dưỡng hợp lý |
Để giữ cân nặng lý tưởng và tránh bị béo phì, tùy độ tuổi, đặc thù công việc của mỗi cá nhân nhưng nhìn chung, mọi người nên lưu ý:
- Ăn ít nhất năm loại rau củ quả khác nhau.
- Ăn đúng cữ, ngủ đúng giờ.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày (phải ra mồ hôi).
- Ngưng hoặc bớt hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Không để BMI hơn 30.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
- Đi khám khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu/thay đổi bất thường của cơ thể hoặc chế độ sinh hoạt hằng ngày của mình.
Giảm cân bằng trà
Theo bác sĩ dinh dưỡng Phạm Phước Thành, việc uống mỗi ngày một hai ly trà thực sự có tác dụng hỗ trợ giảm cân. Trà được chia làm ba loại chính: không lên men (trà xanh và trà trắng), bán phần (trà ô long), toàn phần (trà đen, trà bửu ly). Trong trà xanh và trà trắng có chất catechin (EGCG) và caffeine; trà lên men có chất theaflavins, thearubigins, caffeine. Như vậy, khi uống trà sẽ làm tăng ly giải mỡ qua việc hỗ trợ của epi (caffeine). Uống trà còn tạo hiệu quả giảm béo qua việc giảm hấp thu chất béo trong đường ruột bằng cách ức chế men pancreatic lipase, men amylase, glucosidase. Nhờ thế, cơ thể sẽ giảm hấp thu tinh bột, gia tăng hệ vi khuẩn có lợi ở ruột chuyển hóa thành SCFA (a-xít béo chuỗi ngắn). Các a-xít béo chuỗi ngắn này sẽ được hấp thu và tới gan gây ức chế quá trình chuyển hóa đường thành mỡ tại gan (gan sẽ không trữ mỡ nữa vì bị những a-xít béo chuỗi ngắn kia đánh lừa là đã nhận đủ chất béo).
Như vậy, các chất chống ô-xy hóa của trà có tác dụng rõ rệt trong chuyển hóa mỡ. Tuy nhiên, mỗi ngày uống bao nhiêu trà để đủ giảm béo lại là vấn đề khó ước lượng. Uống nhiều trà quá cũng không tốt vì trà có tác dụng lợi tiểu, khiến đi tiểu nhiều lần gây bất tiện trong sinh hoạt và công việc. Uống trà khi đói còn tạo cảm giác cồn cào, khó chịu và say. Tốt nhất chỉ nên uống một - hai tách trà/ngày sau mỗi bữa ăn. Đặc biệt, muốn giảm béo, nhất thiết vẫn phải kết hợp đầy đủ cả ba yếu tố: dinh dưỡng phù hợp, ăn ngủ đúng giờ, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày.
Thanh Huyền