Loay hoay tìm chỗ cho 'Người đàn ông cúi chào'

05/04/2019 - 10:30

PNO - Bức tượng 'Người đàn ông cúi chào' do Thị trưởng thành phố Namyangju, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) tặng đang khiến dư luận ở Huế xôn xao; người hồ hởi, kẻ chê bai, bảo nó không đẹp, không phù hợp. Vị trí đặt tượng cũng gây tranh cãi…

Không nên băn khoăn?

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế (ảnh) - bày tỏ: “TP.Huế đã tạo được mối quan hệ khá tốt với một số địa phương của Hàn Quốc và cũng đã học hỏi nhiều kinh nghiệm bảo tồn di sản từ các thành phố này. Việc TP.Huế đón nhận món quà - bức tượng Người đàn ông cúi chào từ Thị trưởng thành phố Namyangju là thái độ cư xử rất văn hóa, thể hiện tình hữu nghị của hai địa phương. Chúng ta đừng nên băn khoăn về hình tượng của bức tượng, bởi tác phẩm này đã được phía Hàn Quốc xem như bản sắc văn hóa của họ”.

Loay hoay tim cho cho 'Nguoi dan ong cui chao'
Phối cảnh dự kiến đặt tượng Người đàn ông cúi chào tại khu vực gần điểm cầu gỗ lim, đoạn công viên Lý Tự Trọng, trước Bệnh viện Trung ương Huế

Khi tặng tượng, phía Hàn Quốc cũng có gợi ý đến 3 vị trí đặt tượng: kinh thành Huế, chợ Đông Ba, công viên bờ Bắc sông Hương - đoạn đối diện Trung tâm Văn hóa TP.Huế. Tuy nhiên, quyết định vị trí đặt tượng cho phù hợp với văn hóa Huế vẫn ở phía ta.

Tác phẩm Người đàn ông cúi chào được xem là một trong những biểu tượng của văn hóa Hàn Quốc. Các phiên bản tượng đã được tặng cho nhiều thành phố trên thế giới. Câu hỏi chỉ là: đặt tượng ở đâu cho phù hợp với văn hóa của một thành phố di sản như Huế. “Một bức tượng 6m không phải là tượng đài lớn, nhưng khi đứng trước nó, ta vẫn có sự cảm nhận như đứng trước một người khổng lồ. Ở đây, về góc độ điêu khắc, bức tượng đã đạt tỷ lệ vàng, nên không nhất thiết phải hạ độ cao của nó. Chúng ta phải tôn trọng tác giả, tôn trọng người gửi tặng tác phẩm và tìm vị trí đặt tượng cho hài hòa” - ông Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, bức tượng Người đàn ông cúi chào là tác phẩm nhân bản, là biểu tượng nghệ thuật phù hợp với kiến trúc đương đại. TP.Huế có khu đô thị mới An Vân Dương đang phát triển, hiện đã có Trung tâm hành chính của TP.Huế và trong tương lai, các cơ quan hành chính của tỉnh đều tập trung về đây, nên đặt tượng ở khu đô thị này sẽ hợp lý, cũng không ảnh hưởng gì đến nét văn hóa di sản.

Ngay cả ở Hàn Quốc, các bức tượng Người đàn ông cúi chào cũng được đặt ở nhiều khu đô thị mới. “Nhìn vào thì nó như trần truồng vậy, nhưng bức tượng không đặc tả chi tiết. Đó chỉ là ngôn ngữ của nhà điêu khắc và nội dung thông điệp của nó cũng được cộng đồng xã hội tiếp nhận rồi” - ông Nguyễn Xuân Hoa nói.

Loay hoay tim cho cho 'Nguoi dan ong cui chao'
Tượng “Người đàn ông cúi chào” được đặt tại Uruguay năm 2012 Ảnh: CNN

Chờ quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy

Bức tượng Người đàn ông cúi chào được phía Hàn Quốc ngỏ ý tặng TP.Huế hồi tháng 10/2018. Tượng của tác giả Yoo Young Ho, đúc bằng chất liệu nhôm và đá Machan, kích thước 2x2,4x6m, đường kính bệ đỡ 4m, mang thông điệp tôn trọng và thấu hiểu, thể hiện phong cách chào hỏi khiêm nhường, tôn trọng đối tác của người Hàn Quốc. Tượng được đúc ở Hàn Quốc và sẽ vận chuyển về Việt Nam bằng tàu biển. 

Tại cuộc họp lấy ý kiến của UBND TP.Huế mới đây, nhiều nhân sĩ, trí thức cũng nêu quan điểm nên đặt tượng ở khu vực công viên bờ Nam sông Hương (đoạn đối diện Bệnh viện Trung ương Huế), là địa điểm gần điểm cuối của cầu đi bộ gỗ lim - công trình được khởi công từ đầu năm 2018, nằm trong dự án xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, do Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà chuyên môn lo ngại về kích cỡ quá lớn và hình ảnh “trần truồng” của bức tượng, có thể gây phản cảm nếu đặt ở công viên ven sông Hương, không phù hợp với văn hóa xứ Huế. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức - Trưởng khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế (Đại học Huế) - nhận xét: “Tôi thấy tượng không đẹp, không liên quan gì đến văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhìn rất chối khi trưng ra không gian công cộng, vì nó quá cao lớn - đến 6m, trong khi chiều cao trung bình của nam giới người Việt chỉ là 1,64m”.

Loay hoay tim cho cho 'Nguoi dan ong cui chao'
Vị trí đề xuất đặt tượng tại công viên Lý Tự Trọng (trước Bệnh viện TƯ Huế) trên lối đi ra công trình cầu đi bộ bằng gỗ lim

Trước những ý kiến trái chiều về vị trí đặt tượng, chiều 3/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có cuộc họp với UBND TP.Huế và các sở, ngành liên quan. Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: mọi ý kiến đều đồng tình việc tiếp nhận tượng, còn vị trí đặt tượng “sẽ do Thường vụ Tỉnh ủy quyết định”. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI