Loay hoay hướng nghiệp thời 4.0

08/10/2018 - 05:57

PNO - Nhu cầu thị trường lao động trong tháng 9/2018 tại TP.HCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, là 27.000 vị trí. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 10,3%.

Trong khi đó, phân tích nhu cầu tìm việc trong tháng Tám cho thấy, nhu cầu tìm việc làm có trình độ đại học trở lên chiếm đến 66,39%. Nghịch lý “thừa thầy thiếu thợ” này đã kéo dài nhiều năm, bất chấp những nỗ lực trong công tác hướng nghiệp của ngành giáo dục.

Loay hoay huong nghiep thoi 4.0
Học sinh lớp Chín tại TP.HCM tham gia hoạt động tìm hiểu và lập kế hoạch nghề nghiệp

Hướng nghiệp không hiệu quả

Ngày nay, học sinh tốt nghiệp THPT đa phần đều mong muốn thi vào đại học. Bằng chứng là mùa tuyển sinh năm 2018, trong tổng số 925.792 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia thì có đến 688.466 hồ sơ tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 74,3%. Điều đó cho thấy, mục tiêu vào đại học vẫn là lựa chọn ưu tiên đối với đa phần học sinh. 

Một hệ quả trước mắt là số lượng sinh viên bỏ học, chuyển ngành, bị buộc thôi học đang báo động tại các trường đại học. Cụ thể, tại Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trong số hàng trăm sinh viên bỏ học, có đến 60% là sinh viên năm nhất. Phân tích nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này, phía nhà trường cho biết, vấn đề nằm ở công tác định hướng nghề cho học sinh, mặc dù, công tác hướng nghiệp nhiều năm qua đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức.

Tùy theo điều kiện, mỗi trường sẽ có những hình thức tổ chức học tập khác nhau. Có trường thực hiện đúng nội dung môn hướng nghiệp chính khóa với thời lượng 9 tiết/năm (27 tiết/cả cấp học). Có trường tích hợp hướng nghiệp vào nội dung các môn học, hoạt động ngoại khóa… Tuy nhiên, hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường vẫn chưa hiệu quả. 

Cô Bùi Thị Kiều, một giáo viên làm công tác tham vấn tâm lý và hướng nghiệp tại Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết lâu nay học sinh chỉ quan tâm đến điểm số và trường đại học mà không quan tâm đến ngành nghề. Một số em đã nhận ra vấn đề và chủ động tìm đến phòng tham vấn tâm lý để được tư vấn riêng.

Để tăng tính hiệu quả của công tác hướng nghiệp, ngoài việc thực hiện tốt chương trình chính khóa, nhà trường còn tổ chức cho học sinh lớp 11, 12 trải nghiệm thực tế với các ngành nghề hoặc tham gia “một ngày làm sinh viên” ở trường đại học để hiểu thêm về ngành mình sẽ theo học. Tuy nhiên, một mình phải “gánh” 3.000 học sinh, cô Kiều nhận xét: “Nhân lực vẫn còn quá mỏng, quá thiếu, lại thiếu thống nhất nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả”.

Giúp học sinh hiểu mình, hiểu thị trường lao động

Nhìn ra những vấn đề bất cập nói trên, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đã đưa hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vào chương trình từ lớp Một đến lớp 12. Cụ thể, ở bậc tiểu học, học sinh sẽ được làm quen với nghề; ở cấp THCS, học sinh bắt đầu hướng nghiệp thông qua các hoạt động phát triển cá nhân; và ở cấp THPT sẽ tập trung vào hoạt động hướng nghiệp bằng cách tạo điều kiện để các em tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp để tự chọn ngành nghề phù hợp, được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai. 

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (đồng tác giả quyển sách Hướng nghiệp 4.0), công tác hướng nghiệp gồm các thành phần cốt lõi: hiểu mình, hiểu nghề, hiểu thị trường lao động, phát triển những kỹ năng và kiến thức căn bản để các em chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Trong đó, hai thành phần hiểu mình và hiểu thị trường lao động cần phải đầu tư mạnh trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả hướng nghiệp. Thạc sĩ Tuấn Anh cho rằng, công tác hướng nghiệp tại các trường, đặc biệt là THPT cũng cần hướng tới những hoạt động chuyên môn sâu hơn, ví dụ như khởi nghiệp, STEM, các chương trình nâng cao năng lực bản thân như khả năng lãnh đạo…   

Về yếu tố hiểu mình, tiến sĩ Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam), khuyên học sinh: “Cần cân nhắc thật kỹ về nghề tương lai của mình có thật sự cần kiến thức hàn lâm ở môi trường đại học hay không. Nếu cần, hãy phấn đấu hết mình. Còn nếu không thì đừng “đi theo số đông”. Với mảnh đất khởi nghiệp màu mỡ đang mở ra cho các bạn trẻ thì đại học chỉ là một trong những con đường dẫn đến thành công chứ không phải là con đường duy nhất”. 

Khi ngành giáo dục đang loay hoay với phương thức hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã ập đến, chọn nghề gì trong tương lai, cần có kỹ năng gì để tồn tại trong thị trường lao động… là băn khoăn của rất nhiều học sinh. Theo thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, cốt lõi trong hướng nghiệp 4.0 chính là quản trị nghề nghiệp chủ động và tích cực. Các em học sinh cần nhận thức hướng nghiệp là do mình quyết định.

Nghề nghiệp 4.0 thay đổi rất nhanh và sâu sắc, do vậy cần phải thực hiện quản trị nghề nghiệp/hướng nghiệp càng sớm, càng sâu sắc càng tốt. Cần thấy tầm quan trọng của quản trị nghề nghiệp của cả cuộc đời không chỉ ở cấp THPT. Đó là quá trình liên tục đánh giá mặt mạnh và mặt yếu của bản thân cũng như cơ hội và thách thức của thị trường lao động để từ đó đưa ra những quyết định nghề nghiệp và phát triển bản thân phù hợp. Cuối cùng, hướng nghiệp thời 4.0 không thể thiếu nhóm hoạt động phát triển các năng lực, kỹ năng và thái độ mới phù hợp với nền kinh tế số trong tương lai.  

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI