Đề xuất rồi... hủy đề xuất
Đầu tháng 11/2023, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM có văn bản kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận phương án do sở này đề xuất. Theo đó, tốc độ xe không quá 50km/giờ khi chạy ở nội thành, không quá 30km/giờ khi chạy qua trường học.
Theo sở này, việc thí điểm quản lý tốc độ quanh một số trường học ở nội thành là phù hợp với kế hoạch của UBND TPHCM về thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nhưng, chỉ vài ngày sau, sở liền thu hồi và hủy bỏ đề xuất nêu trên.
|
Hằng ngày, lượng xe cộ khổng lồ đổ về bùng binh Công Trường Dân Chủ (quận 3, TPHCM) - Ảnh: Tam Nguyên |
Việc vừa đề xuất phương án đã vội vã thu hồi nói trên một lần nữa cho thấy sự lúng túng của Sở GTVT TPHCM trong việc kiểm soát xe ở nội thành. Từ năm 2010 đến nay, sở này đã có ít nhất 4 lần đề xuất thu phí ô tô chạy vào trung tâm TPHCM mà lần gần đây nhất là tháng 8/2022. Trong đó, sở đề xuất thiết lập vành đai thu phí khép kín quanh quận 1, 3 và một số đoạn đường thường xuyên kẹt xe nghiêm trọng là Cộng Hòa, Trường Sơn (quận Tân Bình), mức phí từ 40.000-70.000 đồng/ô tô tùy loại, thu vào giờ cao điểm sáng, chiều.
Trước đó, năm 2011, sở đề xuất phương án hạn chế ô tô chạy vào các quận trung tâm theo biển số xe và ngày chẵn, lẻ nhưng liền bị dư luận phản ứng và không thể áp dụng. Cụ thể, xe có số cuối trong biển kiểm soát là chẵn (ví dụ 0, 2, 4, 6, 8) chỉ được chạy vào trung tâm thành phố vào các ngày chẵn (thứ Hai, Tư, Sáu), xe có số cuối lẻ chỉ được chạy vào trung tâm trong các ngày lẻ (thứ Ba, Năm, Bảy) và các xe được lưu thông bình thường trong ngày Chủ nhật.
Theo Sở GTVT, từ nay đến năm 2030, sở sẽ tổ chức giao thông theo hướng hạn chế xe máy lưu thông ở trung tâm thành phố (các quận 1, 3, 5, 10), khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và dần mở rộng ra các khu vực lân cận khi hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông công cộng đã phát triển. Từ nay đến năm 2025, sở dự kiến sẽ thí điểm biện pháp hạn chế xe máy lưu thông trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 3), Trường Sơn (quận Tân Bình)…
|
Đường Nguyễn Thị Định (thành phố Thủ Đức) thường xuyên quá tải - Ảnh: Nguyễn Quang |
Cần giải pháp tổng thể
Theo tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, muốn hạn chế xe vào nội thành, phải đặt câu hỏi “tại sao xe dồn vào nội thành”. Câu trả lời sẽ là “nội thành có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đầy đủ, việc làm nhiều”. Như vậy, giải pháp đơn giản là giãn những hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội này ra ngoại vi. Nếu đầu tư cho các trung tâm ngoại vi đầy đủ cơ sở hạ tầng thì người dân không còn nhu cầu chạy xe vào khu trung tâm hiện hữu.
Ông phân tích, muốn xây dựng thành phố đa trung tâm thì hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng phải đa trung tâm. Trung tâm lớn có bệnh viện lớn, trường lớn, khu công nghệ cao, trung tâm nhỏ hơn thì bệnh viện nhỏ, trường nhỏ, khu công nghiệp nặng. Người dân ở đâu thì đi học, khám bệnh, làm việc, giải trí ở đó, sẽ giảm lưu thông chồng chéo. Đó là hướng tốt nhất để giảm lượng xe chạy vào nội thành. “Cho nên, chiến lược lớn nhất vẫn là khuyến khích giãn dân ra phía ngoài, không chỉ xây nhà ở mà phải đi kèm trường học, bệnh viện, tạo công ăn việc làm đầy đủ” - ông nói.
|
Người dân đi đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) thường xuyên "ngộp thở" vì kẹt xe - Ảnh: Nguyễn Quang |
Còn theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - một trong những giải pháp giúp hạn chế lượng xe chạy xuyên trung tâm TPHCM là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến đường vành đai, gồm đường Vành Đai 2 dài 64km, đường Vành Đai 3 dài 76km.
Ông phân tích, các tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến quốc lộ hướng tâm (Quốc lộ 1, 13, 22) đều quá tải. Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động với công suất 25 triệu hành khách/năm (dự kiến vào năm 2026), sân bay Tân Sơn Nhất được nâng cấp lên công suất 50 triệu hành khách/năm (dự kiến năm 2025) cộng với việc gia tăng dân số cơ học, hạ tầng giao thông của TPHCM sẽ càng thêm quá tải. Do đó, việc hoàn thành đường Vành Đai 3 sẽ giúp phân luồng giao thông hiệu quả. Khi đó, xe cộ các nơi sẽ không chạy xuyên trung tâm khi qua TPHCM như hiện nay.
Đề xuất 4 “thành phố trong thành phố” Ngày 25/11, trình bày tại hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về báo cáo kỳ 2 bản điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, liên danh tư vấn (gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity) đề xuất phát triển TPHCM theo mô hình thành phố đa tâm. Theo đó, chính quyền TPHCM cần tổ chức đô thị thành các lưu vực sống và làm việc trong bán kính 5km. Lưu vực sống nên được tổ chức thành 5 vùng: vùng trung tâm, TP Thủ Đức, phía bắc, phía nam và phía tây. Bên cạnh TP Thủ Đức, liên danh tư vấn đề xuất có thêm 3 thành phố trực thuộc TPHCM, gồm TP Nam Sài Gòn (quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ), TP Bắc Sài Gòn (quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi) và TP Tây Sài Gòn (huyện Bình Chánh). |
Phạm Luận