Tồn tại của nền kinh tế do nguyên nhân chủ quan là chính
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào sáng nay, 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020).
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước thời gian qua, tình hình kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, những hạn chế của nền kinh tế chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan |
Cụ thể: tăng trưởng GDP của đất nước 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%). Thu ngân sách nhà nước ước cả năm 2018 vượt 3% dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%)...
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra: Sức ép lạm phát còn lớn, tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu; sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn; một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém…
Về công tác xây dựng bộ máy, cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhờ tích cực thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thời gian qua đã giúp giảm số lượng lớn các Tổng cục, Vụ, cục thuộc Bộ và giảm trên 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính Phủ cho rằng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực.
“Những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thực tiễn cho thấy, cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu ở đâu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể, sâu sát thực tiễn, đổi mới sáng tạo, chủ động linh hoạt hơn, thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn” – Thủ tướng nói.
Từ thực tiễn đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong thời gian còn lại của năm 2018, chúng ta không được chủ quan với kết quả đạt được. Cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2018, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước vào những năm cuối nhiệm kỳ.
Nhiều “nhức nhối” trong lĩnh vực y tế
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, về sơ bộ, nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đến nay có khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch.
Dù vậy, Báo cáo thẩm tra lưu ý, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần chững lại; công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, ít dư địa phát triển. Công tác quản lý thu có chuyển biến tích cực, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo….
“Các giải pháp giảm quá tải bệnh viện tiếp tục được thực hiện đồng bộ, tuy nhiên vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương. Đổi mới y tế cơ sở chậm được khắc phục; trục lợi bảo hiểm y tế, chỉ định quá mức dịch vụ. An ninh, trật tự tại một số bệnh viện chưa bảo đảm. Giá các thuốc biệt dược gốc chưa được kiểm soát hiệu quả, vẫn xuất hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh vấn đề kiểm soát giá biệt dược hiện chưa hiệu quả, vẫn còn thuốc giả xuất hiện trên thị trường |
Cũng liên quan tới vấn đề y tế, việc quản lý nhà nước đối với kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng cũng là một trong những giải pháp được Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Quốc hội quan tâm trong năm 2019.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém đúng theo tiến độ, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nâng cao chất lượng các kỳ thi; bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ; tránh lãng phí, độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp....
Minh Quang