Loạn thu đầu năm học: Bịt chỗ này, lòi chỗ kia

04/09/2022 - 12:35

PNO - Ngay cả khi Chính phủ quy định rõ khoản nào được thu, tình trạng loạn thu vẫn không chấm dứt mà được núp bóng dưới hình thức "vận động". Mà trường hợp phụ huynh phải đóng tiền xây dựng trạm biến áp lên đến hàng tỷ đồng ở Trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) mới đây là một ví dụ.

Trong các loại phí đầu năm học, có những khoản không thể không khiến người ta phải thốt lên tại sao, hay bức xúc, phẫn nộ. Trước đây, đó là khoản được gọi là tiền "xây dựng trường". 

Cứ mỗi đầu năm học, mỗi học sinh lại "gánh" khoản phí này. Bất kể là cháu/em đã học trường đó bao nhiêu năm (tùy vào trường đó chỉ 1 cấp hay liên cấp); kể cả trường đó mới xây hay đã vài chục năm, vẫn cứ phải đóng tiền xây dựng trường (có nơi gọi là tiền cơ sở vật chất). Tiền đó, thường được lý giải là để cải tạo hoặc mở rộng cơ sở vật chất của trường theo từng năm. Nhưng, hầu như không có trường nào công bố sự định giá ban đầu, phí cải tạo hàng năm là bao nhiêu, để tính được mức phí cả triệu đồng trên mỗi em học sinh từ năm này qua năm khác là hợp lý hay không hợp lý.

Cho đến khi có những quy định cấm thu tiền xây dựng trường ra đời, đâu đó vẫn còn rải rác khoản tiền này dưới rất nhiều danh nghĩa. Đặc biệt, khoản thu tiền trường này không chỉ có ở trường công mà còn ở trường tư, trường quốc tế. Điển hình là một trường quốc tế liên cấp thu vào mỗi năm học, trên mỗi học sinh, và gọi đó là "phí phát triển trường". Thật kỳ lạ. Phát triển một ngôi trường ở chất lượng nào; cơ sở vật chất và xây dựng giáo trình, giáo viên tiên tiến ra sao... là việc của nhà trường, và trường chất lượng càng cao thì học phí cũng cao theo, thế mà họ lại thu tiếp cái khoản gọi là "phí phát triển trường". 

Mới đây nhất, cũng là "trời ơi đất hỡi nhất", là khoản tiền mà phụ huynh học sinh Trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) phải đóng để xây... trạm biến áp lên đến hàng tỷ đồng. Kinh phí ấy được nhà trường rải đều cho các khối lớp, rồi từ khối họ "chia" cho từng lớp, rồi mỗi giáo viên từng lớp "vận động" các phụ huynh dựa trên con số chia đều cho từng đầu người. May là, sau khi dư luận lên án, việc lạm thu này đã dừng lại.

Nhưng, đây không phải là lần đầu tiên ngôi trường này đặt ra những khoản thu lạ đời. Năm 2021, trường này từng bị Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng yêu cầu phải trả lại cho các phụ huynh các khoản thu vô lý như ủng hộ ngày thành lập trường; quỹ lớp; quỹ trường; quỹ thanh niên, vệ sinh, nước uống...

Trước Trường THPT Lê Chân, cũng trong năm 2022 này, phụ huynh học sinh lớp 1A Trường tiểu học Đội Cung (TP. Vinh, Nghệ An) tá hỏa khi được vận động đóng 300.000 đồng để... chọn giáo viên chủ nhiệm khi các cháu lên lớp 2.

Cô giáo một lớp ở Trường tiểu học Kỳ Trinh (TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thì yêu cầu các phụ huynh đóng gần 1 triệu đồng tiền mua bàn ghế, rèm cửa... với lời nhắn: "Những phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, học sinh phải tự chịu trách nhiệm". 

Gần như chưa bao giờ các khoản phí của đầu tư giáo dục lại thôi khiến người ta thắc mắc, tranh cãi. Từ chuyện đồng phục, vốn xuất phát từ tư tưởng để các em ai cũng như nhau, không phân biệt trẻ sang và trẻ nghèo trong cùng một không gian học tập, thì nay lại thành khoản phí oằn lưng các phụ huynh. Từ chuyện giá những cuốn sách giáo khoa năm sau tăng hơn năm trước dù lý do tăng là bìa cứng, giấy đẹp - thật chẳng liên quan gì đến việc học tập, cho đến khoản "tự nguyện đóng góp trong áp lực" là phí hội phụ huynh học sinh... 

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/10/2021, quy định các khoản phí mà các trường được phép thu. Trong đó, có đến 9 loại phí mà các trường có thể thu, như học phí, phẩm phí (đối với mầm non), tiền trang bị thiết bị phục vụ bán trú... tuy nhiên, không có khoản phí nào được phép thu có tên "phát triển trường".

Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định những khoản ban phụ huynh không được phép quyên góp là: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo vệ an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường... Thế nhưng, cứ mỗi năm học mới, các khoản thu vẫn cứ tiếp tục "loạn" với nhiều lý do. 

Hoàng Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI