Người người, nhà nhà hóa “thần y” trên mạng
“Nếu thấy người đột quỵ không được di chuyển mà đi hái lá ớt để giã cho bệnh nhân uống. Lá thì nhét vào kẽ răng, người bệnh sẽ dần tỉnh lại. Nếu vội vàng nhấc người đột quỵ dậy thì sẽ dễ dẫn tới đứt mạch máu não và tử vong” - đây là một trong những cách hướng dẫn điều trị chữa đột quỵ “chết người” được lan truyền trên mạng xã hội TikTok thời gian gần đây. Chỉ cần gõ từ khóa “bệnh đột quỵ”, độc giả có thể tìm thấy hàng trăm, ngàn clip về phòng và chữa được công khai hướng dẫn bởi các “thần y TikTok”.
Bên cạnh đột quỵ, có hàng trăm bài thuốc phòng, trị các căn bệnh khác như trẻ ho sốt, tiểu đường, dạ dày, huyết áp… đang được chia sẻ, quảng cáo dày đặc trên mạng xã hội này. Tiktoker V.M. còn quả quyết: “Bệnh tiểu đường là bệnh dễ chữa nhất nhưng các bác sĩ vẫn cứ nói quá lên đây là căn bệnh mạn tính, phải uống thuốc suốt đời”. Người này còn khẳng định, bệnh nhân đến tận nhà sẽ được chữa khỏi tiểu đường mà không cần uống thuốc suốt đời như khi đi thăm khám tại các cơ sở y tế.
Không ít người trong số đó còn tự xưng là “bác sĩ”, “Dr”… để làm tăng thêm niềm tin của người xem. Điển hình như trang TikTok của Dr.C. là nơi có rất nhiều clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhưng sự thật, nhiều phát ngôn của vị “Dr” này lại khiến giới chuyên môn phải “rùng mình”. Cụ thể như trong một bài tư vấn cách xử trí khi trẻ bị sốt có biểu hiện chân tay lạnh và chân tay nóng, người này cho biết: “Chân tay lạnh là đang ủ nhiệt để tăng thân nhiệt lên nên em bé rét. Kể cả sốt 39,5 độ C cũng không được chườm lạnh mà phải ủ chăn, nhưng phải theo dõi…”.
Người này còn cho rằng, nếu chân tay lạnh không được truyền dịch, chân tay nóng truyền dịch mới hiệu quả. Thuốc hạ sốt cũng có hiệu quả tốt hơn khi chân tay nóng, nếu chân tay lạnh thì phải dùng nước ấm để chườm. Trong trường hợp sốt cao tới 40 độ C mà chân tay lạnh thì phải “tăng liều thuốc hạ sốt gấp đôi”…
Tại trang TikTok H.Y.T.D., người phụ nữ trong clip giới thiệu chỉ cần vài phút có thể cứu sống bệnh nhân đột quỵ. Theo đó, nếu thấy người bệnh đột quỵ thì không được di chuyển, nên lấy kim hơ nóng chích 10 đầu ngón tay và nặn giọt máu. Từ 2-3 phút, người bệnh sẽ tỉnh lại. Còn với người bệnh có biểu hiện méo miệng thì sử dụng kim đâm vào dái tai, nặn 2 giọt máu ra, người bệnh cũng tỉnh lại. Sau khi sơ cứu bằng cách chích kim, nặn máu, người bệnh mới được khuyến cáo đưa tới cơ sở y tế cấp cứu.
Mới đây, ông Đ.Đ.Q. (60 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) có biểu hiện khó nói, tê yếu nửa người. Nghi ngờ ông bị đột quỵ, người vợ dùng vật nhọn chích vào toàn bộ đầu ngón tay, ngón chân của ông, sau đó nặn máu để chữa bệnh. Sau chích máu 20 phút không thấy chuyển biến, lúc này gia đình mới đưa ông Q. đến Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu. Các bác sĩ cảnh báo, phương pháp này đã làm trì hoãn thời gian đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nếu để chậm trễ hơn có thể nguy hiểm tính mạng. Đây chính là một trong những cách điều trị đột quỵ đang được nhiều “thần y TikTok” chia sẻ trên mạng xã hội.
|
Nhiều phát ngôn của “thần y TikTok” khiến giới chuyên môn phải “rùng mình” (ảnh chụp màn hình TikTok) |
Các bác sĩ nói gì?
Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) - cho hay bệnh nhân đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não), nếu đến bệnh viện kịp thời thì cơ hội điều trị hiệu quả cao, chi phí điều trị thấp hơn và ít để lại di chứng. Ngược lại, qua “giờ vàng” thì di chứng nặng nề, điều trị khó khăn và chi phí rất cao.
Thế nhưng hiện nay, số bệnh nhân bị đột quỵ đưa vào cấp cứu nằm trong “giờ vàng” chỉ chiếm vài phần trăm. Các chuyên gia nhấn mạnh, tuyệt đối không được cho bệnh nhân khi bị đột quỵ ăn, uống bất kỳ thuốc gì, cũng không xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu ở đầu ngón tay, sau tai vì đây là những biện pháp không có tác dụng và làm chậm thời gian đưa người bệnh tới cơ sở y tế khám chữa.
Thạc sĩ, bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang - công tác tại một bệnh viện đa khoa ở Hà Nội - cũng bày tỏ sự kinh ngạc khi có hướng dẫn “tăng liều gấp đôi” thuốc hạ sốt với trẻ sốt có biểu hiện chân tay lạnh. Vị bác sĩ cho biết, hiện thế giới đã bỏ phương pháp chườm từ lâu, chỉ có thể dùng trong một vài trường hợp uống thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng, vẫn sốt cao. Trong trường hợp này, trẻ phải được chườm ấm, không phân biệt chân tay nóng hay lạnh.
“Thuốc hạ sốt hiện nay có chỉ định cụ thể, thông thường liều thuốc hạ sốt từ 10 - 15mg/kg cân nặng/lần. Các liều cách nhau 4-6 tiếng nếu vẫn còn hiện tượng sốt cao. 1 ngày dùng tối đa không quá 90mg/kg/ngày; trẻ lớn không quá 4g/ngày” - bác sĩ Giang nói. Vị chuyên gia khuyến cáo, nếu tự tiện tăng liều gấp đôi, vượt quá liều quy định sẽ có nguy cơ ngộ độc paracetamol, dẫn tới tổn thương gan thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong nếu sử dụng kéo dài và không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) - cũng cảnh báo, đơn vị này tiếp nhận ngày càng nhiều các trường hợp biến chứng tiểu đường vì nghe theo “tin đồn” chữa bệnh trên Facebook, YouTube hay TikTok. Hậu quả là nhiều trường hợp phải nhập viện trong tình trạng đường huyết cao, hoại tử chân, thậm chí hôn mê…
Bác sĩ khẳng định, tiểu đường là căn bệnh mạn tính, cần được theo dõi và uống thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ nên người dân không nên “mù quáng” trong bối cảnh có rất nhiều nguồn thông tin không chính thống được lan truyền trên các kênh mạng xã hội.
Cần xử lý tình trạng loạn “thần y” Một điểm chung dễ thấy ở nhiều “thần y TikTok”, không chỉ chia sẻ các clip nhằm mục đích “câu view” đơn thuần, họ là kênh phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng, các toa thuốc đông y, hay những khóa học thu tiền về kiến thức y khoa… Chị T.H. (Hà Đông) kể, trong một lần tình cờ xem TikTok, chị phát hiện cô giáo mầm non từng dạy lớp con mình bỗng dưng “đổi nghề” với các chia sẻ về bài thuốc đông y ngăn ngừa đột quỵ, dạ dày, nhiệt miệng… Tìm hiểu kỹ, chị nhận ra, hiện nay, cô đang là cộng tác viên của một nhãn hiệu bán thực phẩm chức năng. Hay như trên trang TikTok của “Dr.C.”, sau khi phân biệt cách ứng phó với trẻ sốt “bàn chân nóng” và “bàn chân lạnh”, người này cũng quảng cáo về lớp học y học thường thức do mình tổ chức. Hay trong nhiều clip khác, tài khoản này cũng quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ bệnh tiểu đường, viêm da… Là một bác sĩ thường xuyên có tương tác trên mạng xã hội, bác sĩ Đào Trường Giang khẳng định, các bác sĩ tử tế chỉ chia sẻ một số kiến thức chung, cơ bản để người bệnh, gia đình bệnh nhi có thể xử trí trong các trường hợp cấp cứu hay nhận diện có bệnh để tới cơ sở y tế thăm khám. Các bác sĩ không thể kê toa chung cho các bệnh nhân. Trước tình trạng “loạn thần y” trên mạng xã hội, bác sĩ Giang cho rằng, rất khó để một người có thể nhận diện đâu là bác sĩ, đâu là tự phong. Chính vì vậy, khi có bệnh, người dân nên tới cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời. Đồng quan điểm trên, bác sĩ Đinh Thế Tiến lưu ý mọi người cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, hay những ca bệnh được cho là chữa khỏi bệnh bởi chưa chắc đó đã là sự thật. “Y học cổ truyền, các bài thuốc chuẩn rất tốt nhưng phải chắt lọc nhiều. Tốt nhất, người dân nên tham khảo qua các bác sĩ y học cổ truyền trước khi tiếp nhận, sử dụng một bài thuốc nào đó được chia sẻ trên mạng” - bác sĩ Đinh Thế Tiến nói. Ông mong mỏi cơ quan chức năng tăng cường xử lý các thông tin sai lệch lan truyền trên TikTok vì đây là hành động nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người dân. |
Huyền Anh