Loạn danh xưng giáo viên trên mạng

24/12/2021 - 06:32

PNO - Cô giáo dạy tiếng Anh trực tuyến “quên” mặc quần áo khiến trung tâm tiếng Anh và “cô giáo” phải xin lỗi gia đình em học sinh tám tuổi. Cái kết là “giáo viên” xin nghỉ việc tại trung tâm, gia đình cũng thông cảm với sự cố ngoài mong muốn. Thế nhưng sự việc này như một tiếng chuông báo động về tình trạng loạn danh xưng giáo viên trên mạng, đặc biệt trong bối cảnh học trực tuyến đang là giải pháp để thích ứng với đại dịch COVID-19 như hiện nay.

Giáo viên online như nấm sau mưa

Khi các khóa học online trở nên thịnh hành, danh xưng thầy - cô giáo online đã không còn xa lạ với người học. Đa phần giáo viên (GV) của các trung tâm dạy trực tuyến đều là những GV giỏi, dạy trực tiếp. Không thể phủ nhận những khóa học chất lượng đã hỗ trợ cho người học rất nhiều. Thế nhưng dần dà là sự xuất hiện ngày một nhiều các “GV” hoạt động độc lập trên mạng. Trong những năm dịch bệnh, “GV online” lại càng nở rộ.

Giáo viên dạy online trang phục cũng phải chỉn chu và cách ứng xử cũng như dạy trực tiếp. (Trong ảnh: giáo viên Phạm Lê Thanh,  Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM trong một giờ dạy trực tuyến)
Giáo viên dạy online trang phục cũng phải chỉn chu và cách ứng xử cũng như dạy trực tiếp. (Trong ảnh: giáo viên Phạm Lê Thanh, Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TPHCM trong một giờ dạy trực tuyến)

Cô giáo dạy tiếng Anh không mặc quần áo khi dạy học trực tuyến là vụ việc lùm xùm gần đây liên quan đến “GV online”. Điều đáng nói, chính trung tâm tiếng Anh đang quản lý “cô giáo” đó cho biết cô này chỉ là GV bán thời gian và đang thử việc tại trung tâm. Cô lấn sân sang giảng dạy khi công việc bên ngành du lịch bị ảnh hưởng nên kinh nghiệm xử lý tình huống rất… “tay ngang” dẫn đến sự cố chưa ra khỏi khung hình đã thay đồ.

Trước đó, từ khóa “cô giáo Minh Thu” đã gây “bão” trên mạng xã hội. Sẽ chẳng có gì đáng phê phán nếu cô gái có ngoại hình xinh xắn đó dạy vật lý trên Facebook một cách bình thường. Song, Minh Thu - khi đó còn chưa tốt nghiệp sư phạm vật lý đã tự nhận là cô giáo livestream dạy vật lý kiểu gen Z (thuật ngữ chỉ một nhóm nhân khẩu học, những người sinh ra từ năm 1995 - 2012).

Cùng với kiến thức vật lý thậm chí còn sai cơ bản, cô đan xen chửi bậy, rủ “học trò” chơi game, thậm chí nhận cả tiền ủng hộ của học sinh… Sau vài buổi rất nhiều người xem “cô giáo Minh Thu” vì tò mò, thì phần lớn trong số trăm ngàn lượt xem là mục đích… giải trí. Bởi, “cô giáo” này đã chuyển từ dạy vật lý sang thực hiện những thách thức lãng xẹt, rồi còn bốp chát với những lời yêu cầu của cư dân mạng rằng “bố mày cân hết”, “cô giáo có chơi game đấy thì sao nào”…

Cách đây chưa lâu, vụ việc “cô giáo” P.Q. dạy tiếng Anh online nổi tiếng - làm xôn xao cộng đồng học IELTS khi bị tố dùng công nghệ để chỉnh sửa điểm từ 6,5 lên 8,0 IELTS; dạy sai kiến thức cơ bản nhưng lại xóa những bình luận góp ý, phê bình, chỉ để lại những bình luận khen trong nhóm do chính cô làm… quản trị.

Hay cô P.T. tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị dự án - quản trị tổ chức lại trở thành “GV” dạy văn online. Không chỉ tự nhận là “cô giáo”, P.T. còn bị phát hiện đạo tài liệu của nhiều GV, rồi còn chửi bới cả học sinh lẫn các GV khác bằng những lời lẽ vô cùng tục tĩu… Có lẽ chưa khi nào danh xưng GV lại dễ dàng có được như thời của livestream, YouTube…

Bất chấp mọi chuẩn mực vì mảnh đất màu mỡ?

Vì sao GV online “mọc lên” ngày càng nhiều, với đủ chất lượng, từ thượng vàng đến hạ cám? Có ý kiến cho rằng các khóa học online có học phí rẻ hơn rất nhiều so với học trực tiếp. Thêm nữa, việc không có thầy cô giám sát, thúc ép khiến nhiều học sinh chọn hình thức này.

GV của một hệ thống học trực tuyến tiết lộ, từ khi chuyển sang dạy học online, thu nhập hằng tháng của ông đã tăng 30%. Có lẽ thấy được cơ hội này nên không ít người đã chụp giật nhận mình là “GV online”, lấy mạng xã hội để nhanh chóng “phủ sóng” tên tuổi. Các hình thức quảng cáo khóa học, thuê người khen khắp các nhóm học sinh khiến các em nghĩ rằng đó là GV tốt… Bên cạnh việc người học mất tiền thật mua chất lượng ảo, vô hình trung, hai chữ “GV” cũng ít nhiều bị 
ảnh hưởng.

Cô giáo dạy văn Trịnh Hồng T. (tỉnh Hà Nam) ngao ngán trước thực tế hai chữ “GV” đang bị lạm dụng. Theo cô, nếu được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, thầy cô sẽ hiểu nghiệp vụ sư phạm quan trọng không kém kiến thức chuyên môn. Cả khi đứng trên bục giảng, đạo đức, tác phong và nghiệp vụ sư phạm vẫn luôn phải rèn giũa, học hỏi… thì bây giờ, trên thế giới mạng, bất cứ ai cũng có thể tự nhận mình là GV. 

Mới đây, hội thảo Giáo dục Việt Nam đã kết nối trực tuyến với nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước để cùng thảo luận chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho rằng để có thể nổi danh hay thu hút học sinh, nhiều GV mạng đã dựa vào thực lực và đầu tư giảng dạy. Bối cảnh học trực tuyến là lựa chọn ứng phó dịch bệnh đã khiến người học, người dạy ảo mà thật, thật mà ảo nên không ít khóa học đã khai thác hình ảnh GV trên mạng phải độc đáo, mới lạ, cá tính. Điều này như con dao hai lưỡi khiến hành vi, cử chỉ, cách nói năng lệch chuẩn và cả những hệ lụy nảy sinh, nhất là với không ít người tự nhận mình là “GV online”. Ông nhấn mạnh: “Điều làm chúng tôi trăn trở là có những người chưa kinh qua công tác đào tạo, chưa có chứng chỉ liên quan đã xưng danh thầy, cô và mặc định mình có quyền tác động, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học trò trên mạng”.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Giáo sư Huỳnh Văn Sơn đánh giá bộ quy tắc đã bao trùm được các hành vi, tính chất, đối tượng tham gia. Mỗi nhóm được chi tiết hóa bằng các nội dung vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Các nội dung ứng xử cũng bao hàm tính nhân văn, phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt.

Song, ông cũng cho rằng đây mới là những quy định chung mang tính định hướng. Thực tế cho thấy với sự hỗn tạp livestream hiện nay và những biểu hiện tiêu cực nhất là các diễn tiến phức tạp của sự tương tác người - người trên mạng, thì bộ quy tắc ứng xử này cần cụ thể hóa hơn cho từng đối tượng, từng nghề nghiệp. 

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI