Loại ung thư mà Mỹ cảnh báo sau nâng ngực nguy hiểm như thế nào?

15/02/2019 - 06:00

PNO - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ghi nhận ít nhất 33 phụ nữ mắc u lymphô tế bào lớn loại thoái sản (Anaplastic large-cell lymphoma - ALCL). Đây là loại ung thư mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ cảnh báo sau nâng ngực.

Loai ung thu ma My canh bao sau nang nguc nguy hiem nhu the nao?
 

Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào ngày 6/2 đưa ra cảnh báo với các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ khi ghi nhận 457 trường hợp bị ung thư sau khi phẫu thuật nâng ngực.

Tiên lượng xấu ở bệnh nhân lớn tuổi

Theo FDA, loại ung thư xuất hiện ở các phụ nữ nâng ngực là loại ung thư hiếm gặp trên thế giới, có tên là Anaplastic large-cell lymphoma (ALCL, còn gọi là u lymphô tế bào lớn loại thoái sản).

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ CK2 Lưu Hùng Vũ - Trưởng khoa Nội Huyết Học, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - giải thích: U lymphô tế bào lớn loại thoái sản là một phân nhóm hiếm gặp trong các bệnh lý của u lymphô không Hodgkin (chiếm 1% các trường hợp) ung thư.

ALCL hầu như luôn có biểu hiện của CD30(+) (dấu hiệu của khối u) và được chia làm 2 thực thể:

-ALK(+): Thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi, biểu hiện hạch toàn thân, thường kết hợp chuyển đoạn nhiễm sắc thể 2 và 5. Tiên lượng tốt với hóa trị phác đồ CHOP. Khi tái phát, bệnh vẫn đáp ứng tốt với thuốc brentuximab vedotin (kháng thể đơn dòng kháng CD30). Tỷ lệ sống thêm 5 năm khoảng 70%.

-ALK(-): Nếu gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, biểu hiện hạch toàn thân, tiên lượng xấu, tỷ lệ sống thêm 5 năm khoảng 15% - 45%. Nếu trên trẻ em vẫn biểu hiện toàn thân và tổn thương da nhưng lại có tiên lượng tốt.

Loai ung thu ma My canh bao sau nang nguc nguy hiem nhu the nao?
Một trường hợp bị hoại tử ngực sau khi làm đẹp

Bệnh viện Ung Bướu thống kê trên 544 bệnh nhân nhập viện năm 2014 ghi nhận 0,6% ca ung thư ALCL (có 33 bệnh nhân), nhưng không khảo sát là bệnh nhân trước đó có nâng ngực hay không.

Loai ung thu ma My canh bao sau nang nguc nguy hiem nhu the nao?
 

Nếu bị ung thư sau nâng ngực thì do xuất phát từ bao xơ hình thành sau mổ.

Theo bác sĩ Lưu Hùng Vũ, nếu bệnh ung thư ALCL xuất hiện sau khi đặt túi ngực thì đây không phải là bệnh của tuyến vú mà xuất phát từ bao xơ hình thành sau mổ ở phía sau mô tuyến vú hoặc dưới cơ ngực.

Bệnh nhân thường được tiên lượng tốt nếu còn nguyên bao xơ, còn tiên lượng xấu nếu bao xơ bị thâm nhiễm ra xung quanh.

Trường hợp xác định bệnh từ bao xơ, không có một khối đi kèm thì có thể cắt bao xơ, lấy túi độn ra và không cần hóa trị vẫn cho kết quả tốt.

Chưa ghi nhận trường hợp bị ung thư liên quan đến nâng ngực

Theo khảo sát của phóng viên tại các bệnh viện có số lượng lớn bệnh nhân đến điều trị ung thư như: Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Bệnh viện Quận Thủ Đức, nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư sau nâng ngực.

Loai ung thu ma My canh bao sau nang nguc nguy hiem nhu the nao?
Một trường hợp bị hoại tử ngực sau khi bơm mỡ nhân tạo

Bác sĩ Lưu Hùng Vũ nhận định: "Cảnh báo của FDA Hoa Kỳ nên hiểu có một tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư ALCL có thể đi kèm sau đặt túi ngực. Việc đặt túi ngực là yếu tố liên quan chứ không phải là nguyên nhân. Nếu nguyên nhân phải 100% phụ nữ đặt túi ngực đều bị. Tuy nhiên, FDA cảnh báo vì xuất độ ngày càng tăng".

"Đây là chỉ sự ghi nhận của FDA, chưa có nghiên cứu chứng minh túi ngực gây ung thư, nếu chứng minh được thì đã cấm túi ngực rồi", bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM cũng cho biết thông tin này của FDA mang tính cảnh báo cho người đặt túi ngực, nhất là túi ngực loại nhám.

Nếu chị em sau nâng ngực có sưng, đau thì nên đi khám, chứ không khẳng định là túi ngực gây ung thư ALCL. Do đó, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nên tư vấn kỹ cho khách hàng trước khi nâng ngực.

Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung – Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc - cho biết, những ngày qua, số lượng chị em phụ nữ đến nâng ngực vẫn không bị ảnh hưởng gì bởi thông tin từ FDA.

Ông vẫn chưa thấy có phụ nữ nào thắc mắc về thông tin trên. Theo ông, chị em phụ nữ khi làm đẹp, nên tìm đến cơ sở thẩm mỹ uy tín và bác sĩ có tay nghề thì yên tâm hơn.

Một bác sĩ của Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM cho biết có nghe những cảnh báo của FDA nhưng Hội chưa đưa ra phản ứng chính thức nào. Con số những trường hợp nâng ngực hiện nay tại TP.HCM cũng chưa được thống kê vì “không có ai làm chuyện này”

Loai ung thu ma My canh bao sau nang nguc nguy hiem nhu the nao?
Bệnh nhân ung thư tại BV Ung Bướu TP.HCM

Các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ nữ sau khi đặt túi ngực cần lưu ý cần đến những dấu hiệu sau để khám bác sĩ chuyên khoa ngay: đau, sưng nề, đóng cục, mất cân đối ở phần ngực.

Những dấu hiệu này có thể là do ứ dịch hay khối tạo thành xung quanh túi độn. Khi đó, bệnh nhân sẽ được khám, xét nghiệm siêu âm, chụp nhũ ảnh hoặc cộng hưởng từ và sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm để chẩn đoán.

Sau khi được nâng ngực, trong tháng đầu chị em phải theo dõi các triệu chứng, sau 5-10 năm nên khám định kỳ xem có hiện tượng rò dịch hoặc u cục gì không. Mặt khác, khả năng túi ngực bị vỡ ra theo khuyến cáo của nhà sản xuất là từ 10-12 năm.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI