Loài hoa tương thân tương ái

23/07/2021 - 17:30

PNO - Cây như biểu tượng của tình tương thân tương ái, như sợi dây gắn bó vô hình mà bền chặt không rời của cộng đồng…

“Tên chữ” là Kim Phượng, nhưng dân Phú Yên chúng tôi quen gọi loài hoa này là bông điệp. Nhà bác Bốn kế bên nhà tôi có hai cây trồng trước sân, bự chảng. 

Hai cây điệp ra hai màu hoa, một vàng một đỏ. Cây thân mộc, lá kép lông chim, đơm hoa suốt bốn mùa xuân-hạ-thu-đông.

Hoa điệp nở nơi đầu cành, vươn cao hình ngọn đuốc. Từ “trục hoa” chính có vô số “cánh tay hoa” nhỏ bằng que tăm. Mỗi “tay” đính trên đầu một búp hoa tròn sẽ từ từ bung nở lúc tới độ mãn khai. Hoa tập hợp thành chùm nên nhìn từ xa hệt ngọn đuốc cháy bừng giữa không trung, rất ấn tượng.

Hai cây điệp liên tục ra hoa. Hoa cũ chưa kịp tàn ngoảnh lại ngoảnh đi đã thấy đâm hoa mới. Nơi những “đuốc hoa” tàn rụng đi sẽ thay bằng chi chít quả. Quả điệp trông hơi giống quả phượng vĩ, nhưng nhỏ hơn nhiều…  

Ngày nhỏ tôi mê hai cây điệp ấy lắm, rảnh rỗi lúc nào lại chạy sang nhà bác Bốn, luẩn quẩn dưới gốc cây mà bày trò bắt nẻ (đánh chuyền), chơi ô hoặc bày đồ hàng. Cây điệp lá thưa, không cho bóng mát nhiều nhưng bù lại “sản phẩm” cho lũ trẻ ăn chơi lại vô cùng phong phú.

Hoa, lá hái đem làm đồ chơi, vật trang điểm hoặc món ăn trong các trò chơi đám cưới, bán mua, bày cỗ. Trái chớm già sẽ được cả bọn hè nhau khều xuống, bóc lấy hạt ăn.

Bóp rồi tách đôi hai mảnh vỏ gỡ lấy hạt, bóc tiếp lớp “vỏ áo” xanh mỏng bao ngoài hạt, sẽ lộ ra bên trong lớp cơm màu trắng trong, nhai bùi bùi, deo dẻo. Không quá ngon; nhưng được cái ăn hoài không ớn. 

Con bé “nấm lùn” phàm ăn như tôi những buổi trưa trốn ngủ buồn miệng lại lẻn vác sào sang nhà bác Bốn, lóng nhóng dưới gốc cây nghiêng ngó tìm khều trái điệp.

Bác Bốn thương, chép miệng kêu anh Tèo: “Mày đội mũ trèo lên hái cho em ít trái. Để nó cứ loay hoay dang nắng hoài rồi bệnh…”. Được lệnh, anh Tèo đu thoăn thoắt lên cây, loáng cái đã tụt xuống, trút vô vạt áo cho tôi một lô trái điệp chớm già…

Bông điệp ở quê tôi còn được dùng làm đồ cúng. Hoa ra nhiều bất kể mùa tiết, thân hoa lại cứng cáp dễ cắm bình nên rất tiện cho nhu cầu cúng kiến các ngày rằm, mùng Một hoặc giỗ chạp của người quê. Hai cây điệp nhà bác Bốn giống như “của chung” cả xóm.

Con nít xúm tới gốc điệp nhà bác chơi. Nhà tôi, nhà cô Năm, chú Tám, thím Mười… hễ cứ có cúng giỗ là chạy thẳng sang nhà bác Bốn bẻ bông, không cần hỏi xin. Bác Bốn sẽ phụ môt tay bẻ giúp. Sau này lớn lên, tôi có đem thắc mắc ấy hỏi mẹ. Mẹ cười: “Ai giúp bà con được bình bông nải quả trong chuyện cúng kiếng là “tạo phước” đó con”.

À, ra vậy. Giờ thì tôi hiểu vì sao những cây điệp quê tôi ngày ấy sống khỏe, sống dai đến vậy. Cây như biểu tượng của tình tương thân tương ái, như sợi dây gắn bó vô hình mà bền chặt không rời của cộng đồng… 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI