Tại hội nghị tổng kết thực hiện nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (NĐ 67) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 1/8, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho hay, có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo chương trình này (tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam) bị hư hỏng và hiện đang được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan sửa chữa, dự kiến đến cuối tháng 8/2017 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động.
|
Tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng nằm bờ |
Hàng loạt tàu vỏ sắt mới xuất xưởng đã phải “nằm bãi” chỉ là một vụ việc điển hình trong quá trình triển khai NĐ 67 trong thời gian qua. Ông Cao Đức Phát - Phó ban Kinh tế trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - thừa nhận, khi xây dựng NĐ 67, đã cân nhắc và có tính toán nhiều giải pháp liên hoàn, nhưng khi nhìn lại thì mục tiêu đạt được quá khiêm tốn.
Ông Phát cho biết, theo dự kiến, sau khi triển khai NĐ, sẽ đóng mới được hơn 2.000 con tàu nhưng hiện nay mới được 1/3; các nội dung thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, có tàu vỏ sắt công suất lớn nhưng khi vào cảng lại không tương thích.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Trần Châu, cho biết, tàu mới nằm bờ, ngư dân khốn đốn trước khoản vay khổng lồ (mỗi con tàu đóng mới có giá trị lên tới gần 20 tỷ đồng) do không có nguồn thu để chi trả. Tỉnh đã chỉ đạo hai công ty đã cung ứng tàu kém chất lượng phải chịu trách nhiệm hỗ trợ.
Ông Châu cũng đề xuất có chính sách để giãn nợ cho ngư dân, chẳng hạn trả 3 tháng/lần thay vì trả hàng tháng như hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hiểm thân tàu, vỏ tàu cũng là một bài toán lớn. Bởi theo ông Châu, ngư dân mua bảo hiểm thì nhanh nhưng khi tàu gặp nạn thì lại bồi thường vô cùng chậm trễ.
Ông Đào Công Thiên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - lại thông tin, tại địa phương này, doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định tham gia NĐ 67 không “mặn mà” triển khai vì rủi ro quá cao. Nếu tới ngày 21/12/2017, chương trình không tiếp tục thì ngư dân không biết mua bảo hiểm ở đâu, như thế thì khó lòng để tiếp tục bám biển.
Liên quan tới việc làm sao để xử lý triệt để vấn đề chất lượng của tàu vỏ thép, nhiều địa phương đề xuất Chính phủ cho đơn vị chức năng của tỉnh tham gia giám sát từ khâu vật liệu, nguyên liệu đầu vào tới thành phẩm để quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lại cho rằng, đây là vấn đề nghiêm túc cần xem xét kỹ mới quyết được.
Theo ông Dũng, giám sát là cần thiết, song quyết định chất lượng vẫn là nhà đóng tàu. Nếu công tác giám sát không tốt, không đủ năng lực thì đơn vị tham gia giám sát sẽ phải là “người” chịu trách nhiệm. Theo ông Dũng, giải pháp cho vấn đề này là tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm, rà soát để đưa các nhà máy, cơ sở không đủ uy tín ra khỏi danh sách đóng tàu.
H.Anh