Loài cá mập sống 500 năm nắm bí mật kéo dài tuổi thọ cho con người

14/12/2024 - 22:14

PNO - Các nhà nghiên cứu hy vọng để tìm ra manh mối điều trị bệnh tim kéo dài tuổi thọ cho con người.

Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh học Thực nghiệm ở Prague, bởi các nhà khoa học tại Đại học Machester. Nghiên cứu đưa ra qua quá trình trao đổi chất của loài cá mập có thể sống tới 500 năm có thể giúp điều trị bệnh tim và tăng tuổi thọ của con người. Đồng thời những phát hiện này có thể được ứng dụng để bảo tồn các loài dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Cá mập Greenland bơi dọc cửa sông St Lawrence (Canada) được phát hiện năm 2023. Ảnh: Doug Perrine/ Alamy
Cá mập Greenland bơi dọc cửa sông St Lawrence (Canada) được phát hiện năm 2023 - Ảnh: Doug Perrine/ Alamy

Cá mập Greenland là loài động vật có xương sống sống lâu nhất trên Trái đất, với tuổi thọ đáng kinh ngạc từ 250 - 500 năm.

Cá mập Greenland chủ yếu là loài ăn xác thối, ăn mọi thứ (đã chết hoặc còn sống), bao gồm cá, hải cẩu, gấu Bắc Cực và cá voi. Một số con có thể dài tới 7,3 m và nặng tới 1.200 kg, mặc dù chúng chỉ phát triển tối đa 1 cm mỗi năm.

Cá mập Greenland có thể sống hàng thế kỷ ở vùng biển cực lạnh giá và mất hơn 100 năm để trưởng thành, nhưng chúng rất khó bắt và người ta biết rất ít về loài này, bao gồm cả lý do tại sao chúng sống lâu hàng trăm năm như vậy.

Tiến sĩ Ewan Camplisson - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy hoạt động trao đổi chất của cơ có thể là một yếu tố quan trọng dẫn đến tuổi thọ đáng kinh ngạc của cá mập Greenland, loài động vật có xương sống sống lâu nhất thế giới.”

Trước đây người ta cho rằng tuổi thọ dài của chúng là do môi trường lạnh và ít chuyển động, nhưng phân tích mẫu cơ hiện nay lại bác bỏ điều này.

Hầu hết các loài đều có sự thay đổi trong quá trình trao đổi chất khi chúng già đi nhưng với cá mập Greenland không biểu hiện các dấu hiệu lão hóa giống như các loài động vật khác.

Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm enzyme trên các mẫu mô cơ được bảo quản từ cá mập Greenland và đo hoạt động trao đổi chất của enzyme.

Dữ liệu cho thấy các enzym trao đổi chất của cá mập Greenland hoạt động "đáng kể" hơn ở nhiệt độ cao hơn, đây là bằng chứng cho thấy chúng không thích nghi cụ thể với điều kiện vùng cực.

Nhóm nghiên cứu không tìm thấy sự thay đổi đáng kể nào trong hoạt động trao đổi chất của cơ ở các độ tuổi khác nhau, điều này cho thấy quá trình trao đổi chất không giảm theo thời gian và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chúng sống lâu như vậy.

Các nhà nghiên cứu hy vọng tìm ra manh mối để điều trị bệnh tim cho con người. Ảnh: Freepik
Các nhà nghiên cứu hy vọng tìm ra manh mối để điều trị bệnh tim cho con người - Ảnh: Freepik

Hiện tại các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch thử nghiệm nhiều loại enzyme và mô hơn để hiểu sâu hơn về hoạt động trao đổi chất của cá mập Greenland để có những phát hiện mới về bệnh tim ở con người.

Ông Camplisson cũng cho biết thêm: “Bằng cách nghiên cứu cá mập Greenland và tim của chúng, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sức khỏe tim mạch của con người khi tuổi tác tăng cao.”

Hà Di (Theo Telegraph, Wiki)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI