Loài cá cực độc sẽ được Đà Nẵng thử nghiệm chế biến, xuất khẩu

22/09/2020 - 16:30

PNO - Loại cá chứa độc tố đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe trong chế biến sẽ được Đà Nẵng thử nghiệm chế biến xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc với sản lượng dự kiến 500 tấn/năm thu về 22-25 tỷ đồng/năm.

UBND TP.Đà Nẵng vừa phê duyệt đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc trong thời gian 3 năm (từ năm 2021 đến năm 2023).

Mục tiêu của đề án là quản lý hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu 100% cá nóc thành phẩm, đảm bảo quy trình khép kín; tránh lãng phí nguồn lợi cá nóc có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao; tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và tạo việc làm, thu nhập cho công nhân, ngư dân.

Cá nóc tới đây sẽ được thí điểm chế biến, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc - Ảnh minh họa
Cá nóc tới đây sẽ được thí điểm chế biến, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản - Ảnh minh họa

Đề án cũng dự kiến sản lượng thu mua, chế biến cá nóc từ 1.200 tấn - 1.500 tấn/năm; sản lượng cá nóc thành phẩm là 500 tấn/năm; xuất khẩu 100% cá nóc thành phẩm đến các thị trường tiêu thụ dự kiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đem lại hiệu quả kinh tế giá trị xuất khẩu cá nóc thành phẩm ước đạt từ 22 tỷ đồng - 25 tỷ đồng/năm; tạo thêm việc làm, thu nhập cho công nhân chế biến thủy sản, ngư dân, công nhân cơ sở thu mua thủy sản; tăng kim ngạch xuất khẩu.

Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia đề án tối đa là 2 doanh nghiệp. Nguyên tắc áp dụng đề ra là doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong tất cả các khâu: khai thác, thu mua, bảo quản, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu và xử lý nước thải, phế phẩm cá nóc. Chủ các cơ sở khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến và xử lý nước thải, phế phẩm cá nóc đăng ký tham gia thực hiện đề án thí điểm cá nóc phải có hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc. Tổ chức, cá nhân tham gia đề án chỉ sử dụng cá nóc cho mục đích xuất khẩu, không được phép đưa ra tiêu thụ tại thị trường nội địa. Doanh nghiệp xuất khẩu cá nóc cam kết bao tiêu toàn bộ lượng cá nóc do ngư dân khai thác với giá cả hợp lý.

Tại đề án, UBND TP Đà Nẵng giao Sở NN-PTNT tham mưu UBND thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để triển khai thực hiện đề án thí điểm cá nóc. 

Theo Sở NN-PTNT, trong quá trình đánh bắt nghề lưới kéo (kéo đơn, kéo đôi), số lượng cá nóc trong các mẻ lưới vẫn lẫn vào rất nhiều, thường chiếm khoảng 10% sản lượng nghề lưới kéo (sản lượng nghề lưới kéo đạt khoảng 20.000 tấn/năm) hoặc có ngư trường ngư dân cho biết sản lượng cá nóc chiếm 20 - 30% sản lượng nghề lưới kéo.

Các hộ kinh doanh thủy sản khu vực Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang, cho biết, vùng biển miền Trung cá nóc có quanh năm; vụ Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm) cá nóc nhiều hơn vụ Bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), sản lượng cá nóc lẫn vào trong các mẻ lưới, tập trung chủ yếu ở các nghề lưới kéo, vây, mành, câu, rê 3 lớp, nhiều nhất là nghề lưới kéo; sản lượng cá nóc ước đạt 3-5 tấn/ngày.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI