Doanh nhân Phạm Tuấn Sơn, hẳn là một diễn giả - triệu phú (như cách mà ông ta hiện diện trên các trang mạng) trước khi cho ra cuốn sách Dám làm giàu. Nhưng với màn “mưa tài lộc” từ khinh khí cầu ngay giữa xứ Thần kinh, phục vụ cho một buổi ra mắt sách thì đích thị ông là một tác giả - trọc phú.
Có làm giàu được không khi chính ông không có nổi một ứng xử căn bản với đồng tiền, cái làm nên trị giá - tiền vật chất - là giá trị của sự hiểu biết, tính toán, thời vận… không có nổi một chút thấu hiểu văn hóa bản xứ, ở đây là người Huế, với bản tính khép kín, thâm trầm, chuộng cái tao nhã, thiên về sĩ diện, dễ dị ứng “thực dụng bầy đàn”…
|
Màn thả tiền "mưa tài lộc" từ khinh khí cầu tại buổi ra mắt sách trên sân vận động Tự Do Huế của doanh nhân Phạm Tuấn Sơn khiến dư luận bức xúc. |
Thậm chí, là “thần dân” của Quốc Học, sau trò rải tiền bán sách, tôi có quyền hồ nghi, liệu First News - Trí Việt sẽ gieo hạt giống gì cho những tâm hồn học sinh ở ngôi trường vừa bước qua tuổi 121, khi đơn vị liên kết xuất bản Dám làm giàu trao Tủ sách Hạt giống tâm hồn cùng 300 cuốn sách cho học sinh trường Quốc Học?
Cũng may, đây chỉ mới là một hoạt động để xây dựng hình ảnh quảng cáo cuốn sách chứ chưa phải là quảng cáo chính thức nên phía cơ quan chức năng không xử phạt. Nhưng, sự phản ứng của người dân Huế, của bạn đọc cả nước đã đóng dấu lên cái biên bản thất tín mà tác giả Phạm Tuấn Sơn và First News - Trí Việt gây ra.
Màn quảng cáo sách bằng cơn mưa tài lộc từ khinh khí cầu, một lần nữa đã phơi bày độ lố bịch và xấu xí của cách thức quảng cáo; sự kém cỏi, khuyết tật của những ý tưởng và thông điệp quảng cáo; sự thiếu trách nhiệm xã hội của những nhà sản xuất, giới thiệu, phân phối sản phẩm quảng cáo.
|
Người dân nhặt tiền từ "mưa tài lộc" được thả từ khinh khí cầu. |
Những lời có cánh thổi bung mọi chức năng dinh dưỡng, sức khỏe của các sản phẩm liên quan đến thực phẩm, nhất là dòng thực phẩm chức năng; những hình ảnh có “sức mạnh vượt trội” theo kiểu uống cà phê, nước ngọt bỗng trở thành siêu nhân, có sức công phá khiến tường nhà bể nát tứ tung; những cái máy nói cứ ra rả nào “chữa trị thành công trĩ, lươn, sẹo lồi, sẹo mụn” “một người khỏe hai người vui” kèm kiểu cười nham nhở phát ngay giờ vàng của bữa cơm gia đình… đã cho thấy một phần của thị trường quảng cáo bị thả nổi, hỗn loạn, đánh giá thấp khách hàng, không tôn trọng người tiêu dùng.
Quảng cáo là một phần quan trọng của quản trị doanh nghiệp, nó là thước đo văn hóa để sản phẩm làm quen, thâm nhập, tạo dựng và mở rộng thị trường. Do vậy, để tạo nên những đại lượng và số đo văn hóa, không gì khác bằng chính chất liệu văn hóa và mục đích văn minh, giúp khách hàng, người tiêu dùng nhận diện sản phẩm, thông tin sản phẩm một cách chính xác nhất, kể cả thông tin có lợi lẫn bất lợi, nhằm phục vụ cho lợi ích, mục tiêu của các nhà sản xuất, phân phối.
Trên cơ sở đó, từ thông điệp mà sản phẩm, nhà sản xuất muốn nhấn mạnh, gửi gắm đến phân khúc khách hàng nào sẽ gần như quyết định ngôn ngữ, cách thức và phương tiện truyền thông để đạt hiệu quả quảng bá, tiếp thị tối đa. Trong đó, yếu tố tạo dựng niềm tin ở khách hàng là then chốt. Bởi, không ai ngờ nghệch để không nhận ra mình đang xem một mẩu quảng cáo hay một cảnh trong phim tài liệu, phóng sự, bài xã luận về kinh tế… Và niềm tin, chưa bao giờ được xây dựng ngoài các giá trị tiệm cận sự thật, chất lượng, trong sáng.
Tiếc rằng, có quá nhiều sản phẩm quảng cáo, nhất là trên sóng truyền hình Việt Nam, kể cả truyền hình quốc gia lẫn địa phương; trên các kênh giải trí kỹ thuật số lại hào phóng tung ra những thông điệp “siêu thực”, những chiêu trò quảng bá phi văn hóa, bất chấp các giá trị về thẩm mỹ, văn hóa, các số đo về tính trung thực, khoa học trong tiêu chuẩn, chất lượng; trách nhiệm xã hội của một dịch vụ thương mại mang tính cộng đồng rộng khắp.
Suốt một thời gian dài, thậm chí đang lê lết đến tận thời điểm này, game show, truyền hình thực tế thâm nhập, phủ sóng mọi kênh truyền hình Việt, kéo theo danh hài lẫn… hề làm xiếc, người thọc lét đều trở thành giám khảo, khiển trò các cuộc chơi. Từ đây, miếng đất quảng cáo cũng được… hề hóa với đủ kiểu chọc cười người tiêu dùng, miễn họ quen, thích tên anh hề mà nhớ giùm sản phẩm, còn tốt hay xấu, ngon hay dở, có ích hay vô bổ thì chẳng mấy quan tâm.
Trong thế giới phẳng, cảm xúc của công chúng đã và đang được thể hiện nhanh chóng, trực tiếp, từ đó, những tần số ngôn ngữ cũng được diễn đạt tự do hơn, phóng khoáng hơn mà cũng… tùy tiện, dễ dãi hơn. Ngôn ngữ quảng cáo cũng đã dịch chuyển từ “đọc” sang “nói”, tương tác (khách hàng) rất cao. Nhưng, một khi đã là một sản phẩm mang tính cộng đồng thì vẫn cần trong giới hạn của “bản lề văn hóa”, nếu không, phải có tiếng “bíp” - hay dòng gạch ngang, dấu hiệu cảnh báo đã rơi vào vùng “ngôn ngữ thiếu trong sáng”.
Fred Mann của Philadelphia Online đã từng cảnh báo: “Quảng cáo và thông tin xoắn vặn vào nhau như những con rắn, khó mà nói được cái này kết thúc và cái kia bắt đầu”.
Khi báo Phụ Nữ đăng tải loạt bài về vấn nạn phòng khám có “bác sĩ” người Trung Quốc hành nghề, ẩn họa của biết bao người dân Việt Nam, lập tức chúng tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng quảng cáo về dịch vụ phòng khám này. Dĩ nhiên, chúng tôi từ chối. Dĩ nhiên chúng tôi không để “con rắn” mà Fred Mann đã cảnh báo luồn lách, lươn lẹo vào trong chữ nghĩa, trang báo của mình; cũng có nghĩa, chúng không có cơ hội để nhả những “nọc độc arsen” vào niềm tin của bạn đọc, người tiêu dùng.
Huyền Tuyến