Loa phát thanh trong nhà

28/01/2016 - 10:40

PNO - Họ lắm lời hơn trước hay sau khi cưới? Thời son rỗi nắm tay nhau dạo phố và thời túi bụi cơm canh con cái, thời nào họ lắm lời hơn?

Chưa thấy ai thử làm một cuộc điều tra xã hội học về đề tài đàn bà lắm lời, nhưng tôi để ý, hễ có dịp là các ông chồng thường than vãn về “năng lực” phát thanh liên tu bất tận của vợ mình. Thậm chí, việc bà vợ lắm lời đôi khi trở thành lý do để các ông chồng chốt hạ một câu chuyện.

Ví dụ, “Ông đừng đem rượu đến nhà tui nhậu nữa, vợ tui nó càm ràm suốt mấy ngày muốn điếc tai”, hoặc “Ông mượn xe tui phải giữ cẩn thận chứ, cả tuần nay vợ tui cằn nhằn về cái vết xước trên xe…”. Vì sao phụ nữ lại lắm lời? Vì họ câu mâu, nhỏ nhen? Họ thích lên lớp hay vì rảnh rỗi nên sinh ra nói nhiều? \

Theo tôi, vì bất kỳ lý do gì thì ông chồng cũng… khổ! Cái khổ đó, cứ gặp bạn bè là các ông than thân trách phận, nhưng cũng chỉ dám lén lút sau lưng gọi các bà vợ lắm lời là cái loa phát thanh trong nhà. Loa công cộng treo ngoài ngõ đã đau đầu, huống gì lù lù trướ  mặt, ngay bên tai và hướng tới chỉ một đối tượng duy nhất là mình!

Chiều tan sở ham vui ghé dọc ghé ngang về muộn giờ cơm, vợ nói hết một đêm. Thay áo ra quên bỏ vào máy giặt, vợ nói một tuần. Tiền thưởng cuối năm sụt giảm chút ít, vợ nói cả tháng không ngưng… Lỡ “sắm” phải cái loa như thế, phản ứng thông thường của các ông chồng là… giả điếc hoặc tìm đường tránh xa.

Loa phat thanh trong nha
Ảnh minh họa: Internet

Đáng lo là nhiều ông chồng tự vệ tiêu cực bằng cách không muốn về nhà, thế là hạnh phúc gia đình bị đe dọa ngay. Lắm lời là một tật xấu, chính các bà vợ cũng công nhận chuyện này, nhưng sao họ vẫn cứ lắm lời?

Hãy nghe các bà vợ tự biện giải việc dùng miệng lưỡi trấn áp chồng con. Thường thì trăm thứ tội đều được họ quy kết cho chồng, kiểu như: “Nếu chồng tui chỉn chu như thiên hạ thì tui lải nhải làm gì?” hoặc: “Nếu chồng tui biết chia sẻ với vợ thì tui để dành hơi cho ấm bụng, gào lên chi cho rát họng!”. Vậy hóa ra các bà vợ lắm lời cũng chỉ vì chồng mà thôi!

Nếu công tâm mà xét, hãy thử so sánh cũng chính người phụ nữ đó ở thuở ngượng ngùng hẹn hò và thuở đầu ấp tay gối, lúc nào họ lắm lời hơn? Họ lắm lời hơn trước hay sau khi cưới? Thời son rỗi nắm tay nhau dạo phố và thời túi bụi cơm canh con cái, thời nào họ lắm lời hơn?

Rõ ràng, sự lắm lời của các bà vợ đã tăng dần theo thời gian và theo mức độ gánh nặng cuộc sống đè lên vai họ! Thử hỏi một ông chồng luôn than phiền vợ mình lắm lời có dám khẳng định mình là một ông chồng tốt, luôn biết lo tròn trách nhiệm với vợ con? Hình như trong phạm vi tương đối hẹp quanh tôi, chưa thấy sau lưng một người đàn ông thành đạt nào lại có một bà vợ lắm lời.

Tôi không bênh vực những… cái loa nhưng nói thật lòng, phần nào nên thông cảm cho sự lắm lời của các bà vợ, vì đôi khi nó nảy sinh từ sự cơ cực, bất an trong đời sống hôn nhân. Dù vậy, mỗi bà vợ cần tự xác định cho mình giới hạn. Mỗi câu nói buông ra như một mũi tên đã bắn đi, không thể thu lại được và cũng không thể lường được mức độ sát thương của nó.

Nếu biết mình có tật nói nhiều, thì lúc nóng giận hay bực tức, các bà hãy cố gắng bình tĩnh, kiềm chế, đừng để tuôn ra những câu nói bột phát nặng nề, cay độc vượt quá sức chịu đựng của chồng mình, gây đổ vỡ hạnh phúc. Nếu tình nghĩa vợ chồng chẳng may bị gãy đổ vì sự lắm lời, không phải đáng tiếc lắ m sao?

Chợt nghĩ, nếu một ngày nào đó, cái loa phát thanh trong nhà bỗng dưng… mất sóng, các ông chồng sẽ ra sao? Một lá đơn ly dị? Một cái nhìn tiễn biệt? Chưa đền nỗi bẽ bàng như vậy nhưng khi một bà vợ lắm lời đột nhiên thay đổi, các ông chồng hãy cẩn thận. Nếu không phải vì ông chồng đã có những tiến bộ rõ rệt khiến vợ hài lòng, thì đó là dấu hiệu bà vợ chán ngán hoặc đã bớt yêu ông chồng rồi đấy!

Lê Hạnh Nhơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI