Lô tô, sự hồi sinh rực rỡ

17/11/2019 - 09:20

PNO - Lô tô trở lại giữa Sài Gòn nhộn nhịp, mang đến niềm vui cho người xem, đồng thời cũng là cuộc đổi vận đầy ngoạn mục của người làm nghề.

Thông qua lời ca, tiếng hát, người rao lô tô có thể châm biếm những thói hư tật xấu của xã hội: rượu chè, cờ bạc, giao thông… bằng tư duy sáng tạo, linh hoạt.

Nói về lô tô, cố giáo sư Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Bài chòi và lô tô không chỉ là môn giải trí đơn thuần mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người Việt, qua đó góp phần lưu truyền và gìn giữ những tục ngữ, ca dao, bài vè - được xem là những di sản văn học dân gian của dân tộc - khỏi bị mai một”. 

Lo to, su hoi sinh ruc ro
Một đêm diễn tại đoàn Sài Gòn Tân Thời với trang phục áo dài duyên dáng

Sự trở lại đầy bất ngờ

Sài Gòn là nơi chứng kiến nhiều sự hồi sinh đầy bất ngờ. Lô tô đã trở lại với người dân nơi đây theo chính dòng chảy đó. Đêm, những gánh lô tô như góp thêm một phần nhỏ để thanh âm Sài Gòn thêm nhộn nhịp. 

Sài Gòn Tân Thời và Hương Nam được xem là hai cái tên nổi đình nổi đám hiện tại trong giới lô tô tại Sài Gòn. 

Mỗi đêm diễn của Sài Gòn Tân Thời thu hút từ 500 đến khoảng 1.200 lượt khách tại khuôn viên sân khấu Rubik (Q.1). Trong khi đó, Hương Nam cũng có đến hàng trăm khách mỗi đêm diễn, ngồi kín cả một khoảng không gian sân vườn ở một quán cà phê tọa lạc tại đường Đồng Nai, Q.10.  

Trong những bước đi đầu tiên để mang lô tô trở lại, họ đôi lúc cũng hoang mang về sự lựa chọn của mình. 

“Những đêm diễn đầu tiên chỉ có vài chục khách. Chúng tôi khi đó hoang mang về tương lai của mình. Nhưng cuối cùng vẫn quyết định đi tiếp bởi không đi sẽ không thành đường” - Lâm Quốc Khải - nghệ danh Lộ Lộ, Trưởng đoàn Sài Gòn Tân Thời - chia sẻ.

Với tư duy của những người trẻ, sự trở lại của lô tô đã được khoác lên mình tấm áo mới văn minh hơn. Hình ảnh tạm bợ, nhếch nhác của những đoàn lô tô trong quá khứ gần như đã bị xóa mờ. 

Trước hết, sự thay đổi nằm ở diện mạo của nghệ sĩ hát lô tô với trang phục được chuẩn bị chỉn chu hơn, thường là áo dài hoặc những thiết kế được thực hiện theo từng chủ đề của đêm diễn. 

Lo to, su hoi sinh ruc ro
Một đêm lô tô đều mang màu sắc khác nhau với những chủ đề riêng

Theo đúng tinh thần liên tục thay cũ đổi mới, mỗi đêm sân khấu lên đèn đều mang đến màu sắc khác nhau với từng chủ đề cụ thể. Cái đẹp luôn là tiêu chí đầu tiên mà các đoàn hướng đến để “gột rửa” lô tô.

Ngoài việc kêu số theo mô-típ truyền thống, các nghệ sĩ trẻ kết hợp thêm tấu hài, mang ca dao, tục ngữ vào trong những lời rao mang tính châm biếm rất duyên dáng.

Đặc biệt, một số loại hình nghệ thuật như: hát bội, cải lương, múa bóng rỗi... cũng được các đoàn kết hợp trên sân khấu để mang đến đêm diễn đầy màu sắc, giúp khán giả trẻ có điều kiện tiếp cận với những giá trị truyền thống. Chưa hết, các đoàn còn “chơi lớn” biểu diễn bằng tiếng Anh để tiếp cận du khách nước ngoài. 

Nghệ sĩ cải lương Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ: “Tôi đã có hai đêm diễn tại đoàn Sài Gòn Tân Thời. Có những khán giả rất khó tính vẫn chấp nhận và chịu đến xem lô tô, như thế đã là thành công. Đó không đơn thuần là sân chơi của sự may rủi nữa mà qua đó khán giả cũng biết được xung quanh họ đang có những vấn đề gì, thông qua cách thể hiện hài hước của các bạn trẻ trên sân khấu”.

Lô tô trở mình, người làm nghề cũng đổi vận

Lô tô như con ngoài giá thú của nghệ thuật sân khấu chính thống và nghệ thuật dân gian truyền thống. Thân phận của những người hát lô tô, trong những ngày xưa cũ, cũng long đong như thế. 

Trong ký ức của những người miền quê, hình ảnh những đoàn lô tô hội chợ không quá xa lạ. Trên sân khấu biểu diễn với vài ba ánh đèn, dưới gầm là “nhà” được dựng bằng những tấm ván, tôn cũ kỹ, mà chỉ cần hạ thấp tầm mắt là có thể nhìn thấy cả bên trong qua lớp vải mỏng tang loại rẻ tiền che tạm bợ. 

Trong cái khuôn viên chật chội ấy, mỗi người được chia một khoảng đủ để chui ra, chui vào. Ngày nắng thì nóng cháy da cháy thịt, còn mưa, cố che đậy mấy cũng chẳng thể ráo người. 

Những ngày bão lũ, mạng người cũng rung giật theo từng cơn gió thổi qua trong chốn tạm bợ ấy. Cứ như thế, những ngày lang bạt nối tiếp nhau, kéo theo những nỗi buồn của đời người.

Lo to, su hoi sinh ruc ro
Nghệ sĩ Lê Nguyễn Trường Giang (phải) biểu diễn cải lương tuồng cổ trong một đêm lô tô

Như một thủ tục, trước khi lên sân khấu, họ thường phải trải qua công việc dọn bến, sân bãi, bán vé với mức lương bèo bọt chỉ vài chục ngàn đồng/ngày. Công việc này có thể kéo dài nhiều năm. 

Thu nhập ít ỏi khiến chuyện cơm áo gạo tiền cũng theo đó mà nặng trĩu trên vai người làm nghề. Mùa nắng thì đủ no bụng, còn những khi mưa bão thì bữa đói bữa no là chuyện thường tình. Chuyện kiếm sống hay dư dả được từ lô tô là ước mơ xa vời. 

Nhưng có lẽ sự dè bỉu, ánh mắt kỳ thị từ xã hội, và sự quay lưng của gia đình mới là nỗi ám ảnh lớn nhất của người theo nghề lô tô. Mỗi bước chân theo nghề là đòn roi, là nước mắt lăn dài cho những trái ngang mà họ trót mang trong mình. 

“Bóng hát hội chợ”, “ba cái đồ bê đê”, “thứ bóng gió”... những lời miệt thị ấy trở thành những vết thương khó lành. Chuyện mấy đứa nhỏ hay phá phách hay mấy thằng nhóc choai choai tấn công vào hậu trường cốt chỉ để “xem bê đê thay đồ” cũng trở thành nỗi ám ảnh. Nhưng sau lưng họ, vốn chẳng có điểm tựa nào, ngoài chính tâm hồn đang bị giày xéo mỗi ngày. 

Lo to, su hoi sinh ruc ro
Lô tô trở lại, mang khán giả trở về với ngày xưa bởi sự dân dã, mộc mạc

Cuộc mưu sinh đưa họ đến với Sài Gòn - nơi lô tô trở mình, cũng là lúc họ được đổi vận. Ở đó, họ có một sân khấu đủ lớn, được trang bị chỉn chu để xuất hiện trong những hình hài bắt mắt nhất. 

“Tại Sài Gòn, chúng tôi như được sinh ra lần nữa” - Nhã Vy chia sẻ. Những buồn phiền, đau khổ ngày trước được xếp gọn sang một bên. Họ bước lên sân khấu trong sự chào đón nồng nhiệt, trân trọng của khán giả - điều mà có lẽ trong rất nhiều giấc mơ họ đã từng nghĩ về.

“Mười mấy năm đứng sân khấu, chưa bao giờ tôi nghĩ được đến hôm nay. Sân khấu giờ là nhà, khán giả cũng là người thân. Các em bây giờ may mắn hơn rất nhiều khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngoài việc biểu diễn tại sân khấu, lô tô hiện cũng rất được ưa chuộng tại những sự kiện lớn, thậm chí xuất ngoại (Úc, Đài Loan) tham gia vào các show diễn nghệ thuật được đầu tư chỉn chu.

Chính vì thế, thu nhập của nghệ sĩ hát lô tô dần được ổn định, có nơi ăn chốn ở ấm cúng. Nhiều người còn có thể gửi tiền về quê cho cha mẹ” - nghệ sĩ BB Phụng xúc động chia sẻ.

Trăn trở

Niềm vui của Lộ Lộ bỗng ngắt quãng bởi vào cuối tháng 11 này, nếu không thương thảo được với đơn vị đầu tư, sẽ không giữ được sân khấu hiện tại.

Trong khi đó, đầu tháng 11 vừa qua, Hương Nam cũng đã nói lời chia tay với sân khấu mà họ gắn bó hơn hai năm qua với những giọt nước mắt nghẹn ngào. Nhưng họ cũng không còn lựa chọn nào trong tình cảnh hiện tại. 

Lo to, su hoi sinh ruc ro
 

“Những khi điểm diễn có biến động là số phận của hàng chục con người cũng lay lắt theo. Thử thách lớn nhất của các đoàn hiện tại có lẽ là việc tìm một điểm dừng chân đủ lâu, đủ dài ngay ở khu vực trung tâm. Nhưng có lẽ, câu hỏi này khó có lời đáp”, nghệ sĩ BB Phụng trăn trở.

Trong khi đó, quy mô các đoàn ngày càng mở rộng với sự tiếp nhận thêm nhiều thành viên mới. “Ngày trước lô tô làm cả tháng còn không đủ ăn. Bây giờ, chúng tôi chỉ làm cuối tuần nhưng phải đảm bảo đủ ăn đủ mặc. Có gian khổ cách mấy cũng phải tìm cách để mọi người được ấm no mới có sức mà bước đi tiếp” - Lộ Lộ chia sẻ. 

Lo to, su hoi sinh ruc ro
 

Vừa qua, Lộ Lộ cũng đã có mặt tại chương trình Shark Tank nhằm kêu gọi vốn đầu tư 1 tỷ đồng để vừa trang trải các khâu phục vụ biểu diễn, vừa để trả lương cho các nghệ sĩ trong đoàn. Trong khi đó, trưởng đoàn lô tô Hương Nam cũng đang gấp rút tìm địa điểm diễn mới để sân khấu sáng đèn trở lại.

Nghệ sĩ BB Phụng chia sẻ: “Để lô tô được thừa nhận đúng giá trị đã là một điều khó, vì thế việc làm thế nào để giữ được càng khó khăn hơn. Mỗi đoàn phải liên tục chiêu mộ nhân tài và cần xem trọng việc đào tạo, định hướng tư duy làm nghề hơn nữa”. 

Bài và ảnh: Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI