Lo tết cho … người dưng

14/01/2022 - 06:36

PNO - Những ngày này, cán bộ, hội viên Hội LHPN các cấp cùng các nhà hảo tâm của Hội ở khắp TPHCM rục rịch lo tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân ở các khu nhà trọ.

Vừa đi quanh khu trọ tặng khẩu trang, nước sát khuẩn, bà chủ trọ Phạm Thị Phi - 62 tuổi, ở tổ 57, khu phố 7, P.Trung Mỹ Tây, Q.12 - vừa dặn công nhân: “Kiểu gì cô cũng làm bữa cơm đoàn viên cho mấy đứa, không tập trung đông được thì chia về từng phòng. Bây có thiếu gạo mắm cứ báo cô, cô lo cho”. Chị Nguyễn Thị Niên - 44 tuổi, đã trọ đây hơn 10 năm - gãi đầu cười: “Cô cho hoài, ngại ghê”. Nghe vậy, bà la: “Tao chưa đói được đâu, bây đừng lo”. 

Bà Phi (bìa trái) rảo quanh khu trọ thăm hỏi, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn cho công nhân
Bà Phi (bìa trái) rảo quanh khu trọ thăm hỏi, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn cho công nhân

Bà Phi người Huế. Thời trẻ, bà làm việc trong hợp tác xã nghề cá, còn chồng trồng lúa, khoai. Họ rời quê nhà sau mùa lũ năm 1999, hy vọng dễ sống hơn. “Chồng vô trước, ảnh làm công nhân. Tôi dắt díu ba đứa con trai theo sau, mở tiệm tạp hóa, bán đồ lẻ tẻ. Khu phố 7 lúc đó vắng lắm, đường đất mênh mông, không có bao nhiêu mái nhà. Ngày thường còn đỡ chứ tết là buồn không biết sao mà kể; nhớ quê, nhiều lúc chỉ muốn quay về. Chính bà con ở đây động viên vợ chồng tôi ráng mần ăn, lo cho tụi nhỏ. Bây giờ, nhìn các cháu công nhân tha phương cầu thực, tôi như thấy chính gia đình mình 20 năm trước” - bà Phi tâm tình. 

Khu trọ 20 phòng ở tổ 57 này không phải của bà Phi. Được giao quản lý và nhận tiền công hằng tháng nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, bà Phi vẫn giảm 500.000 đồng/phòng/tháng (giá thuê 1.500.000 đồng/phòng/tháng) suốt từ tháng Bảy đến tháng 10/2021, còn tháng 11/2021 thì giảm 300.000 đồng/phòng, lấy tiền mình bù vô cho chủ. Bà còn tìm mua các loại rau củ, thịt, cá hộp, mì về chia cho mọi người, phụ nấu ở “Bếp cơm nghĩa tình” của Hội LHPN P.Trung Mỹ Tây để tiếp sức các y bác sĩ, bà con trong các khu vực bị phong tỏa. Thương quý bà, nhiều mạnh thường quân chủ động góp tiền, góp gạo hỗ trợ 74 phòng trọ tại tổ 57, mỗi phòng 500.000 đồng. 

Hiện giờ, chồng bà Phi vẫn làm công ở H.Hóc Môn. Bà Phi quản lý khu phòng trọ kiếm sống, nhưng “toàn lo gì đâu”, như lời bà tự trào. Cả khu trọ được bao bọc bởi màu xanh của rau trồng trong thùng xốp, là sản phẩm mà bà và chị em ở đây chung sức làm, vừa tạo cảnh quan, vừa có cái ăn, giảm bớt tiền chợ. 

Trước đây, tuyến đường nội bộ tổ 57 là đường đất đầy ổ gà, thường xuyên bị ngập. Từ ngày được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7 vào năm 2009, bà Phi vận động góp tiền làm đường. Tuyến đường 4x300m được trải bê tông, hoàn thành năm 2015 nhưng vẫn còn ngập nước do chưa có hệ thống cống. Bà nhắn nhủ tôi: “Ra năm 2022, cháu nhớ quay lại tổ 57 chơi nghe, đường này sẽ có cống, có đường dây điện và cả hệ thống camera an ninh. Cô đang vận động kinh phí, hơn 80% hộ dân đồng thuận rồi”. 

Tương tự bà Phi, kể từ mùa hè 2021, nhiều nữ chủ nhà trọ hoặc quản lý nhà trọ ở các quận, huyện của TP.HCM chấp nhận phần thiệt thòi về mình để giảm bớt gánh nặng tiền phòng cho người thuê trọ. Chị Nguyễn Hương Thủy - chủ khu trọ ở khu phố 3, P.Cát Lái, TP.Thủ Đức - chẳng những miễn, giảm tiền phòng trong mấy tháng dịch bệnh mà còn tìm mua mật ong, chanh, gừng, sả cho mọi người xông mũi, tỉ mỉ chăm từng luống rau trong khu vườn của Hội LHPN phường đem về cho công nhân nấu ăn. Đầu tháng 10/2021, việc đi lại được nới lỏng, tình hình dịch bớt căng thẳng hơn chút, chị lại cùng cán bộ, hội viên phụ nữ phường gieo hạt giống các loại rau, hoa hướng dương, cúc bảy màu, chăm chút từng nhánh lan để mang tặng bà con trong khu phố vào dịp tết. 

Ngay từ đầu tháng Mười âm lịch, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã bàn chuyện làm bánh mứt tết. “Chắc do tính phụ nữ mình hay lo xa” - chị Phạm Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, nói. Hôm chị Hoa ghé nhà thăm, vừa thấy con gái, cụ Tư (Tô Thị Sứ) liền hỏi “tết này có gói bánh tét không”, rồi kéo hộc tủ lấy ra mấy phong bao đỏ đưa cho con, dặn “cái này mẹ góp gói bánh, còn cái này là quà cho bà con”. Cụ còn dặn thêm: “Bữa nào gói bánh, nhớ dành cho mẹ một chỗ ngồi”. 

Đã 86 tuổi, mắc bệnh tim mạch và tiểu đường, chân yếu, nhưng mỗi khi Hội LHPN phường tổ chức gói bánh tét tặng công nhân, bà con nghèo, cụ Tư lại nhờ con chở tới chỗ gói bánh. Chồng cụ Tư hy sinh năm 1968, cụ một nách nuôi bốn đứa con, vừa trồng lúa, vừa làm giao liên. Sau năm 1975, có mảnh đất 2.000m2, cụ Tư hiến một nửa cho địa phương xây trường học. Khi dịch COVID-19 bùng phát, cụ dùng khoản tiền do Nhà nước trợ cấp góp vào quỹ mua vắc xin phòng dịch. 

 Mẫn Nhi

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI